Tổng thống Mỹ Trump trước đó tuyên bố rằng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên giảm là nhờ mối quan hệ ngoại giao giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và điều này tạo đà cho việc hướng tới một thỏa thuận xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên điều này đã bị xói mòn vào hôm 15/3 khi Bình Nhưỡng tung ra những tuyên bố nặng nề chỉ trích chiến thuật ngoại giao của Mỹ và quy trách nhiệm cho các trợ lý cao cấp của ông Trump về việc Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội đã không đạt được thỏa thuận chung nào.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui (ngồi giữa) phát biểu tại Bình Nhưỡng vào hôm 15/3. Ảnh: AP.
Sóng gió trở lại
Sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, quan hệ giữa 2 nước tạm êm dịu một thời gian rồi sau đó lại gợn sóng khi vào hôm 15/3/2019, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tuyên bố Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cân nhắc việc cắt đứt cuộc đối thoại song phương với Mỹ. Lời đe dọa này xuất hiện giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đã xây dựng lại một điểm phóng tên lửa.
Sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, cả hai nước đều cố gắng tỏ ra lạc quan. Tuy nhiên trên thực tế, đội ngũ trợ lý của Tổng thống Trump đã phải làm việc vất vả nhằm thu hẹp khoảng cách lớn về lập trường giữa Mỹ và Triều Tiên.
Một quan chức Nhà Trắng mới đây nói với các nhà phân tích chính sách đối ngoại rằng cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 đã khiến Tổng thống Trump tin rằng Triều Tiên chưa sẵn lòng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Thứ trưởng Choe chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton là đã tạo ra không khí “thù địch và thiếu tin tưởng”.
Tuyên bố trên được đưa ra tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bình Nhưỡng, trước các nhà ngoại giao và phóng viên thường trú nước ngoài.
Theo một báo cáo của hãng AP gửi đi từ Bình Nhưỡng, bà Choe nói như sau: “Chúng tôi không có ý định thỏa hiệp với Mỹ dưới bất cứ hình thức nào, cũng như không có kế hoạch thực hiện kiểu đàm phán này”.
Bà Choe cho hay Triều Tiên có thể tự chấm dứt lệnh ngưng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
“Việc duy trì lệnh ngưng này hay không là quyết định của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ của chúng tôi (tức ông Kim Jong-un – ND). Ông sẽ đưa ra quyết định của mình trong một thời gian ngắn nữa” – lời của Thứ trưởng Ngoại giao Choe.
(Mặc dù vậy bà Choe không chỉ trích trực diện ông Trump. Bà Choe nói rằng quan hệ cá nhân giữa ông Kim và ông Trump vẫn rất tốt và không khí thân thiện giữa đôi bên vẫn tuyệt vời.)
Phản ứng của giới chức Mỹ
Tháng 3 này, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ “rất thất vọng” nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử vũ khí nữa.
Bruce Klingner, một cựu quan chức tình báo Mỹ và hiện là nhà phân tích về Đông Bắc Á tại Quỹ Heritage, cho rằng Tổng thống Mỹ giờ đã bớt lạc quan hơn.
Các quan chức Mỹ nói rằng việc Tổng thống Trump sẵn sàng rời bỏ hội nghị Thượng đỉnh khi chưa đạt thỏa thuận sẽ giúp nhóm đàm phán của chính quyền Mỹ có thêm thế trên bàn thương lượng.
Sau khi từ Hà Nội trở về Mỹ, nhóm trợ lý của ông Trump đã nỗ lực nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với các lệnh trừng phạt và sẵn sàng không ký vội một thỏa thuận với Triều Tiên.
Đặc phái viên Stephen Biegun của nhóm đàm phán Mỹ được cho là đã nói với các nhân viên Quốc hội Mỹ rằng người Triều Tiên không sáng tạo trong tư duy và có vẻ như đã không có “phương án 2” khi Mỹ bác bỏ đề xuất dỡ bỏ hầu hết lệnh trừng phạt để đổi lại việc đóng một phần cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên – cơ sở chính sản xuất vật liệu phân hạch cho nước này.
Trước các tuyên bố ngày 15/3 của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng “chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể tiếp tục có những cuộc trao đổi và thương lượng”.
Trong khi đó, cố vấn Bolton thì lại cho rằng việc ám chỉ ông và ông Pompeo phá hoại đàm phán là không chính xác. Cố vấn Bolton nói thêm, ông đã liên lạc với các quan chức an ninh quốc gia Hàn Quốc về các nhận xét trên.
Về phần mình, Phủ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết họ theo dõi sát sao tình hình mới. Một thông cáo của văn phòng này có nêu: “Trong mọi tình huống, chính phủ chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để khôi phục đàm phán Triều Tiên-Mỹ”.
Bài toán khó cho chính quyền ông Trump
Tồn tại một khoảng cách lớn về lập trường giữa Triều Tiên và Mỹ sau Thượng đỉnh Trump-Kim lần 2. Phía Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa dần từng bước. Tại Hà Nội, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề nghị dỡ bỏ các cơ sở làm giàu plutoni và urani tại bãi Yongbyon và yêu cầu Washington đáp lại bằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chính được áp đặt lên Triều Tiên từ năm 2016.
Nhưng Tổng thống Trump bác bỏ đề xuất trên của ông Kim và yêu cầu có những bước đi đáng kể hơn nữa hướng tới việc phi hạt nhân hóa .
Giới chức Mỹ nói rằng ở Hà Nội, phía Triều Tiên yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 vòng trừng phạt đã áp đặt từ năm 2016. Nhưng các quan chức Triều Tiên, bao gồm cả bà Choe vào hôm 15/3, lại khẳng định rằng họ chỉ yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến nền kinh tế dân sự của họ.
Giới chức Mỹ lo ngại việc bỏ các lệnh trừng phạt chính có thể làm giảm sức ảnh hưởng của họ đối với Triều Tiên và Triều Tiên sẽ sử dụng nguồn tiền thu được từ việc dỡ bỏ đó để trợ cấp cho chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp lên Triền Tiên từ năm 2016 là có sức nặng lớn nhất - các lệnh này cấm tất cả các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên, bao gồm cả than, và cắt giảm đáng kể việc nhập nhiên liệu vào nước này.
Sau Thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 , các chuyên gia về hình ảnh vệ tinh đã kết luận rằng Triều Tiên đang xây lại một phần cơ sở đã bị phá dỡ tại bãi phóng tên lửa Tongchang-ri mà Triều Tiên vốn sử dụng để thử và phát triển các công nghệ tên lửa tầm xa.
Triều Tiên đã thử thành công một quả bom khinh khí (bom H) vào tháng 9/2017. Họ cũng thử 3 quả tên lửa tầm xa trong năm 2017. Tuy nhiên các chuyên gia hạt nhân cho rằng Triều Tiên có thể cần thêm một số cuộc thử nghiệm nữa để làm chủ các công nghệ cần thiết cho tên lửa đạn đạo liên lục địa có độ tin cậy cao./.