Báo HQ: Bất chấp đe dọa của Triều Tiên, Mỹ duy trì chiến lược "Được ăn cả, ngã về không"

Ngọc Khánh |

Cả hai ông Pompeo và Bolton sau khi trở về Washington đều phát ngôn rằng: "Được ăn cả, ngã về không" (Big Deal or No deal) là đối sách của Mỹ với Triều Tiên.

"Được ăn cả, ngã về không"

Sáng 15/3, trả lời báo giới tại Bình Nhưỡng, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã tuyên bố:  "Chúng tôi không có ý định khuất phục trước những yêu cầu của phía Mỹ (được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi cuối tháng 2) dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán theo hướng này".

Bà Choe hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi sách lược trong đàm phán hạt nhân, và nhấn mạnh Bình Nhưỡng không có ý định nhân nhượng. Trước đó, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, bà Choe khẳng định: Mỹ đã đánh mất cơ hội phi hạt nhân hóa ngàn năm có một vì thái độ kỳ lạ trong các cuộc đàm phán.

Báo HQ: Bất chấp đe dọa của Triều Tiên, Mỹ duy trì chiến lược Được ăn cả, ngã về không - Ảnh 1.

hứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui. Ảnh: NK News

Bất chấp những đe dọa từ phía Triều Tiên, Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn kể từ sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Hà Nội. 

Tuy nhiên thay vì thực hiện các hành động cụ thể như tăng mức độ trừng phạt hoặc thiết lập khí tài chiến lược quanh bán đảo Triều Tiên, điều quan trọng Mỹ cần làm có lẽ là tập trung vào việc xác định được ý định thật sự của Bình Nhưỡng.

Đứng trước phát ngôn của Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui về cơ hội ngàn năm có một mà Mỹ bỏ qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã bác bỏ và cho rằng đây là những nhận định sai lầm. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì nhấn mạnh cam kết không thử nghiệm hạt nhân, được cho là do ông Kim Jong-Un đưa ra trong thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2. 

Trả lời về phát ngôn so sánh Mỹ như những tên "côn đồ" của bà Choe Son Hui, ông cho rằng đó không phải là lần đầu tiên Triều Tiên dùng những từ ngữ như vậy với Mỹ. Đây là phản ứng cho thấy sự thận trọng của Mỹ trước sự thay đổi thái độ có phần đột ngột của Triều Tiên.

Ông Bolton cho biết, sau cuộc hội đàm tại Hà Nội, Mỹ đã đề nghị đàm phán theo phương châm "Được ăn cả, Ngã về không" ("Big deal or No deal") thay vì phương châm "Tiến từng bước một" ("Step by Step"). 

Ít khả năng Mỹ nhượng bộ

Mặc dù phía Mỹ lo lắng về khả năng đối phó với Triều Tiên sau khi đưa ra lập trường cứng rắn như vậy nhưng vẫn có rất ít khả năng Mỹ sẽ thực hiện theo những yêu cầu của Triều Tiên. Có 2 nguyên nhân chính cho vấn đề này. 

Thứ nhất đó là vì sự "khó lường" của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump, vốn kỳ vọng vào cuộc gặp cấp cao với ông Kim Jong-Un, có vẻ đã nhận ra sự khó khăn trong việc đàm phán với Bình Nhưỡng kể từ khi cuộc hội đàm kết thúc. 

Truyền thông cho hay, cả hai ông Pompeo và Bolton - thuộc 2 phe cứng rắn và ôn hòa - sau khi trở về Washington đã phát ngôn rằng: "Được ăn cả" (Big Deal) là đối sách của Mỹ. 

Tương tự, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun - một trong những nhân vật "diều hâu" cũng ủng hộ đối sách "Được ăn cả". Ông Biegun cho biết, Mỹ hoàn toàn đồng ý với phương án này: "Không ai trong chính quyền ủng hộ cách tiếp cận theo từng giai đoạn".

Tất nhiên, không nhượng bộ không có nghĩa là Mỹ sẽ tăng áp lực lên Triều Tiên. Chính quyền Trump tin rằng việc duy trì hoãn thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên trong bối cảnh không giảm nhẹ trừng phạt sẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Ông Trump phát biểu " Tôi sẽ không giẫm lên vết xe đổ của chính quyền cũ, tôi sẽ không vội đâu" cũng chính là vì lí do này.

Do đó, trừ khi Triều Tiên nối lại thử hạt nhân và phóng tên lửa thì khả năng thấp các biện pháp trừng phạt như: cấm vận dầu thô quy mô lớn; phong tỏa biển; triển khai tập trận Hàn Mỹ hay bố trí khí tài chiến lược được thực hiện. Đó là chủ trương nhằm ngăn cản Triều Tiên khỏi đi lệch hướng trong quá trình đàm phán hạt nhân.

Go Yoo Hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên của Đại học Dong Guk (Hàn Quốc), dự đoán rằng sẽ khó có thể nối lại đàm phán với Triều Tiên trong thời điểm hiện tại. Nhưng nếu Mỹ không sớm đưa ra các biện pháp thích hợp thì Triều Tiên sẽ còn đưa ra nhiều động thái cứng rắn hơn nữa và sẽ không ở nguyên vị trí hiện tại của mình. 

Cuối cùng, Chủ tịch Kim Jong-Un phải đưa ra những phát ngôn chính thức thì Mỹ mới có thể công bố những biện pháp đối phó thích hợp nhất của mình.

(*) Trên đây là phần lược dịch bài phân tích của hai cây viết Hàn Quốc Kim Jin Wook + Shin Eun Byul đăng trên nhật báo Hankook Ilbo. Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại