Vào cuối tháng 7, các lực lượng của Ukraine tuyên bố giành lại Staromaiorske, một ngôi làng nhỏ ở Đông Nam. Đây không phải là đột phá lớn nhưng có thể coi như thành quả chiến thắng cho Kiev trong cuộc phản công kéo dài nhiều tuần qua.
Ukraine đã cố gắng hạ thấp kỳ vọng của dư luận vào cuộc phản công trước khi nó bắt đầu. Tuy nhiên, các đợt vận chuyển vũ khí tiên tiến cũng như những khóa đào tạo mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đã khiến nhiều người kỳ vọng, có lẽ là quá mức, về những gì Kiev có thể đạt được.
Binh lính Ukraine ở Zaporizhzhia. Ảnh: Getty
Giới quan sát cho rằng cuộc phản công của Ukraine sẽ là một nhiệm vụ vô cùng thách thức giữa bối cảnh Nga xây dựng phòng tuyến vững chắc với những bãi mìn dày đặc. Các chuyên gia cũng không chắc liệu quân đội Ukraine có khả năng sử dụng các vũ khí tiến tiến, chẳng hạn như xe tăng chiến đấu chủ lực, như thế nào hoặc liệu họ có thể vượt qua những khó khăn về nguồn cung và hậu cần hay không.
Hệ thống phòng tuyến của Moscow đã khiến cho Ukraine không thể tiến hành chiến dịch phối hợp lực lượng trên quy mô lớn, theo đó kết hợp các đội quân và vũ khí khác nhau để xuyên thủng phòng tuyến Nga. Không những thế, Kiev còn chịu tổn thất nặng nề trong các chiến dịch như vậy.
Ukraine hiểu rõ điều này và đã thay đổi chiến lược sang hướng tiếp cận làm tiêu hao lực lượng đối phương, cố gắng khiến chuỗi hậu cần và quân đội Nga suy giảm khả năng bằng cách tập trung vào 3 hướng tấn công.
"Đây không phải là chiến thuật tiêu diệt các lực lượng của Nga trên tiền tuyến mà là làm suy yếu các nhân tố thiết yếu với các chiến dịch của họ như pháo binh, các bốt chí huy, kho đạn dược, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống phòng không và những thứ tương tự vậy", Niklas Masuhr, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Viện Công nghệ Zurich cho hay.
Theo chuyên gia Federico Borsari, người chuyên nghiên cứu về quốc phòng và an ninh tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, đây là một chiến thuật thận trọng. Điều này giúp giảm thương vong cho binh lính của Ukraine nhưng buộc các lực lượng của Kiev phải phụ thuộc nhiều hơn vào pháo binh.
Chiến thuật này từng mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine trước đây. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là nó là một chiến thuật chắc chắn thành công. Trong khi đó, Nga đã rút ra được những bài học trong quá khứ và tình hình chiến trường liên tục thay đổi kể từ khi Ukraine tuyên bố giành lại các vùng lãnh thổ ở Kharkiv và buộc các lực lượng của Nga rút về Kherson vào năm ngoái.
Ukraine bất lực trước phòng tuyến Nga
Tuần trước, một quan chức Lầu Năm Góc nhận định trên Politico rằng, tiến triển của Ukraine trong cuộc phản công chỉ được tính bằng vài trăm mét thay vì hàng km. Phòng tuyến Nga là lý do chính giải thích cho điều này.
Hệ thống phòng thủ của Nga ở Ukraine là hệ thống trải rộng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, từ Kherson ở phía Nam chạy suốt tới phía Bắc. Quân đội Nga đã dành nhiều tháng trước cuộc phản công của Ukraine để đào hào chiến, xây dựng các lớp phòng thủ chống tăng phức tạp.
Trong số đó, các bãi mìn của Nga đã cản bước tiến công của Ukraine. Thậm chí nếu các phương tiện bọc thép phương Tây có thể chịu được các vụ nổ thì những lớp mìn chống tăng vẫn cản bước tiến công và khiến họ dễ bị nhắm trúng.
"Ngay sau khi các đơn vị của Ukraine mắc kẹt trong một khu vực, họ ngay lập tức bị các hệ thống pháo, UAV và trực thăng tấn công nhắm vào", ông Borsari nói. Nga đã xây dựng các chiến hào với đầy chất nổ, vì thế khi Ukraine tiếp cận, các lực lượng của Nga có thể kích hoạt chúng từ xa.
Tất cả những điều này đã làm chậm tiến triển của Ukraine và giúp Nga có thêm thời gian để củng cố các phòng tuyến cũng như cài lại mìn. Nga có lợi thế về pháo binh và các phương tiện trên không, đặc biệt là việc sử dụng trực thăng tấn công - phương tiện có thể lựa chọn các mục tiêu của Ukraine nằm ngoài sự bảo vệ của phòng không nước này. Nhìn chung, Nga đã điều chỉnh và tìm cách khắc phục các điểm yếu của mình như đặt các hệ thống pháo và kho đạn dược nằm ngoài tầm bắn của hỏa lực Ukraine.
"Sẽ thật thiếu khôn ngoan khi không tính đến khả năng học hỏi từ sai lầm và liên tục thích nghi của Nga", Simon Schlegel, nhà phân tích cấp cao về Ukraine tại Nhóm Phân tích Khủng hoảng Quốc tế cho hay.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ukraine
Hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự từ phương Tây đã tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraine . Những chiếc xe tăng chiến đấu hiện đại cũng như các đội quân được NATO huấn luyện, được kỳ vọng sẽ trao cho Kiev lợi thế trong cuộc phản công.
Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra.
Các đội quân mới được huấn luyện của Ukraine chưa được thử thách và thiếu kinh nghiệm chiến đấu khi cuộc phản công bắt đầu. Thậm chí, với vũ khí và sự huấn luyện từ phương Tây, Ukraine vẫn gặp khó khăn khi tiến hành các chiến dịch phối hợp lực lượng trên quy mô lớn.
Trong những ngày đầu xung đột, các lực lượng của Ukraine đã nỗ lực xuyên thủng phòng tuyến Nga nhưng phần lớn đều bị đối phương đẩy lùi và chịu thương vong nặng nề. Các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, khoảng 20% phương tiện phương Tây cung cấp cho Ukraine đã bị phá hủy hoặc hư hại trên chiến trường trong những tuần đầu xung đột.
Không có nhiều đội quân có thể tiến hành thành công các chiến dịch tấn công hiệp đồng chứ chưa nói tới đội quân chỉ được huấn luyện trong một vài tháng như Ukraine và phải đối phó với một đối thủ như Nga. Đây là lý do chính giải thích vì sao Kiev thay đổi chiến thuật, tập trung vào làm hao hụt lực lượng của Nga thay vì tấn công chớp nhoáng vào phòng tuyến đối thủ.
Ukraine cũng đối mặt với nhiều thách thức về hậu cần và nguồn cung. Ukraine đã tiêu hao nhiều đạn dược và đang dựa vào nhiều loại đạn dược từ các quốc gia khác nhau. Ukraine không có lựa chọn ngoại trừ sử dụng những gì sẵn có, thậm chí cả khi điều đó làm phức tạp thêm chiến dịch tấn công của họ.
Hạn chót của phương Tây?
Ukraine đang chiến đấu theo 3 trục tấn công với 2 trục ở phía Nam và một trục ở phía Đông, gần Bakhmut. Việc kiểm soát Staromaiorske đã cho thấy tiến triển dọc một trục rất quan trọng của Ukraine ở phía Nam, nơi Kiev đang tìm cách tiếp cận Biển Azov với mục tiêu chia cắt vùng lãnh thổ Nga kiểm soát. Cán cân quân sự vẫn chưa dịch chuyển trong khu vực này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Staromaiorsk là dấu hiệu cho thấy Ukraine có thể đảo chiều xung đột trong giai đoạn tiếp theo.
"Có thể sẽ đến lúc Ukraine bắt đầu tấn công vào lớp phòng tuyến đầu tiên và mạnh nhất do Nga xây dựng. Cho đến nay, hầu hết các cuộc giao tranh và tấn công đều diễn ra trong một khu vực giống như vùng xám và đó thậm chí không phải lớp phòng tuyến đầu tiên của Nga", ông Borsari nói.
Để đạt được điều này, Ukraine đang theo đuổi chiến thuật tấn công từ từ, tìm cách làm suy yếu và hao hụt các lực lượng của Nga. Họ cũng đang nhắm vào các mục tiêu quan trọng của Nga như pháo, chuỗi hậu cần và cơ sở hạ tầng vận tải. Điều này giúp Ukraine bảo vệ lực lượng và trang thiết bị nhưng lại tiêu tốn đạn pháo mà không tạo nên nhiều thay đổi về quyền kiểm soát lãnh thổ.
"Ở một mức độ nào đó, tôi nghĩ đây là một sự đánh đổi mà Ukraine phải chấp nhận", chuyên gia Masuhr cho hay.
Lực lượng là một trong những câu hỏi lớn xoay quanh khả năng của Ukraine lúc này. Kiev có hàng nghìn binh lính mới được huấn luyện nhưng trong những tuần gần đây và nước này đã bắt đầu đưa một số lữ đoàn vào chiến đấu. Đây là dấu hiệu cho thấy Kiev đẩy mạnh tiến công nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi Ukraine càng đưa vào chiến trường nhiều quân dự bị thì càng còn lại ít lực lượng để xoay vòng hoặc phản ứng trước bất kỳ sự thay đổi nào trên chiến trường.
Pháo và đạn dược cũng là một nhân tố quan trọng trong chiến lược hiện nay của Ukraine và nước này cần chúng với số lượng lớn.
Ngoài ra, thời gian cũng là một nhân tố tác động. Chiến lược tiêu hao của Ukraine có lẽ phát huy hiệu quả nhưng sau những sai lầm giai đoạn đầu phản công, Kiev không còn nhiều thời gian để làm hao hụt các lực lượng của Nga.
Mùa thu năm 2023 không phải hạn chót chính thức nhưng là khung thời gian mà nhiều nước phương Tây xác định thành bại cuộc phản công của Ukraine. Tiền tuyến hiện không thay đổi đáng kể. Nếu các ranh giới kiểm soát tiếp tục đóng băng, một chiến thắng quyết định cho mỗi bên ngày càng khó xảy ra.