Khóa huấn luyện cấp tốc
Cho đến nay, hơn 60.000 binh lính Ukraine đã tham gia các khóa huấn luyện quân sự ở phương Tây, Tuy nhiên, NATO chỉ có thể cung cấp cho Kiev các hoạt động huấn luyện cơ bản, chuyển gánh nặng huấn luyện các nội dung thiết yếu sang cho các chỉ huy của Ukraine. Sức ép thời gian cũng đồng nghĩa với việc huấn luyện giai đoạn 2 không phải lúc nào cũng được tiến hành, hoặc được tiến hành đầy đủ ở Ukraine hay phương Tây.
Ukraine khai hỏa pháo phản lực BM-21 Grad ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters
"Tôi không muốn nói bất kỳ điều gì về các đối tác của chúng tôi nhưng họ không hiểu tình hình và cách thức chúng tôi chiến đấu", một trung sĩ tình báo cấp cao Ukraine có tên là Dutchman thuộc Lữ đoàn Cơ giới hóa 41 cho hay.
Nick Reynolds, một chuyên gia tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh cho rằng, khóa huấn luyện hiện tại của phương Tây cho Ukraine thiếu thực tế, an toàn và đơn giản hơn. Anh thừa nhận hướng tiếp cận này đã dịch chuyển rủi ro từ những sai lầm trong giai đoạn huấn luyện sang những sai lầm trong các chiến dịch thực tế.
“Chúng tôi có nhiều quy định an toàn và sức khỏe nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ (Ukraine) sẽ ra chiến trường với ít sự chuẩn bị hơn", Reynolds nói.
Hầu hết các binh lính trong Lữ đoàn 41 của Dutchman đều trải qua huấn luyện ở phương Tây.
Thông thường, để thành lập một lữ đoàn phải mất từ 1 - 2 năm nhưng trong tình trạng xung đột, 90% Lữ đoàn 41 được huy động trong năm nay. Đợt tuyển quân bắt đầu vào tháng 1 và họ được đưa tới Kupiansk vào đầu tháng 7. Trước khi xung đột nổ ra, khóa huấn luyện cơ bản cho quân đội Ukraine mất khoảng 6 tháng nhưng một số binh lính chỉ mới được huy động từ tháng 3. Điều đó đã cho thấy nhu cầu cần bổ sung lực lượng cấp bách của Kiev.
"Sẽ tốt hơn nếu những người hướng dẫn đến đây để thấy chúng tôi đang đối mặt với điều gì", Dutchman nói, mặc dù anh hiểu việc này sẽ phá vỡ lằn ranh đỏ của các nước NATO, đó là không đưa quân tới chiến đấu ở Ukraine.
Cho đến nay, khoảng 63.000 binh lính Ukraine (tổng cộng 17 lữ đoàn) đã được huấn luyện ở phương Tây, chủ yếu là tại Anh và Đức.
Tất cả đều nhận được khóa huấn luyện cơ bản kéo dài 35 ngày. Một nguồn tin trong quá trình huấn luyện ở Anh đã gọi đây là một khóa huấn luyện "cấp tốc" và chủ yếu diễn ra trong khung thời gian sẵn có.
Phương Tây không hiểu thực tế chiến đấu ở Ukraine
Một mối lo ngại lớn về khóa huấn luyện phương Tây là những người hướng dẫn chưa bao giờ chiến đấu trong một cuộc xung đột kiểu này hoặc đứng trước một đối thủ như Nga. Trong nhiều năm qua, các đội quân của phương Tây và ngành quốc phòng của họ tập trung đối phó với các lực lượng nổi dậy ở Trung Đông.
Theo chuyên gia Nick Reynolds, phương Tây không thể cung cấp kiểu huấn luyện như Ukraine muốn trừ khi họ phải thực hiện một số thay đổi chính sách khá mạnh mẽ.
Theo các thành viên của Lữ đoàn 41, những người hướng dẫn của họ thường xuyên sử dụng những ví dụ về các chiến dịch của NATO ở Trung Đông, nơi mà mục tiêu là những ngôi nhà cụ thể và việc xác định "lực lượng nổi dậy trong số những người dân địa phương" nhưng chúng lại "không thực sự liên quan" đến thực tế xung đột ở Ukraine.
"Trong hầu hết các cuộc chiến, phương Tây chiến đấu trong các thành phố và thị trấn với những điều kiện của tác chiến đô thị. Trong khi đó chúng tôi chủ yếu chiến đấu trên những địa hình mở và phẳng", Dutchman cho hay.
Các chiến thuật mà các sĩ quan và chỉ huy Ukraine muốn quân đội của họ học hỏi trong khi được huấn luyện ở nước ngoài chỉ là một phần nhỏ hoặc không nằm trong chương trình đào tạo.
“Chúng tôi cần các binh lính biết cách dọn đường và tiến vào hào chiến, biết cách ném lựu đạn hiệu quả, không rơi vào bẫy của đối phương và hiểu rõ Nga đang ném loại lựu đạn nào. Đó là những điều thực sự cần thiết để hiểu đối phương".
Yura - một binh lính mới được huy động thuộc Lữ đoàn 41 đã đưa ra ví dụ về các bãi mìn. Các lực lượng của Nga đã cài mìn trải dài hàng km để cản trở cuộc tiến công của Ukraine.
"Khóa huấn luyện của phương Tây hay và thú vị. Nhưng hầu như có rất ít nội dung về gỡ mìn. Họ cho chúng tôi thấy một bãi mìn rộng 2 mét. Khóa huấn luyện kéo dài 2 tiếng. Nhưng khi bạn ở đây (chiến trường) và nhìn những gì trước mắt mình, bạn sẽ thấy nó không thể so sánh được", Yura nói.
Một sự khác biệt lớn theo Dutchman, người đã tham gia các khóa huấn luyện ở Anh và Đức, là việc lên kế hoạch. Đề cập đến thực tế các lực lượng của NATO thường áp đảo về hỏa lực so với các đối thủ của họ, anh cho rằng những người hướng dẫn phương Tây đang lên kế hoạch để đối phó với "một đối thủ yếu hơn".
Các chỉ huy Ukraine cũng phải đưa ra quyết định trước nhiều thời điểm mang tính bước ngoặt hơn.
"Sẽ không bao giờ có cảnh báo tấn công. Vì thế, khi nó xảy ra, chúng tôi phải đưa ra quyết định. Ở phương Tây, họ lên kế hoạch và hành động theo kế hoạch. Khi điều gì đó không diễn ra đúng hướng, họ sẽ rút quân và có một kế hoạch khác".
Hiện nay, Lữ đoàn 41 của Ukraine đang thích nghi với cái gọi là tuyến phòng thủ thứ hai ngoài Kupiansk bởi mặc dù họ nằm trong tầm bắn của xe tăng và pháo binh Nga nhưng họ không bị nhắm vào như phòng tuyến 0 và phòng tuyến thứ nhất. Vào một thời điểm nào đó, họ sẽ phải đối mặt với 50.000 binh lính Nga quanh thị trấn, lực lượng đang cố gắng kéo Ukraine khỏi các khu vực ở phía Nam và phía Đông.
Cuối cùng, như Dutchman nói, không có binh lính nào được huấn luyện đúng cách cho đến khi họ trực tiếp chiến đấu.
"Dù bạn chuẩn bị cho ai đó kỹ càng thế nào, họ sẽ không hiểu được mình đang trong một cuộc giao tranh cho đến khi họ bị nã pháo. Hầu hết các binh lính ở đây chưa trải qua điều đó".