Hamas hình thành ra sao, nguồn tiền và vũ khí từ đâu để tấn công Israel

Thu Hằng |

Hamas kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 và đã liên tục tấn công Israel bằng rocket. Nhưng nhóm vũ trang này lấy tiền và nguồn cung vũ khí từ đâu để làm điều đó?

Chiến binh Hamas tuần hành ở Dải Gaza vào 15/9/2017. Ảnh: AFP/Getty Images

Chiến binh Hamas tuần hành ở Dải Gaza vào 15/9/2017. Ảnh: AFP/Getty Images

Một loạt chính phủ phương Tây, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, xếp Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên cũng có một số nước không coi Hamas là khủng bố, trong đó có Na Uy và Thuỵ Sĩ. Cả hai đứng ở vị trí trung lập và đều duy trì quan hệ ngoại giao với Hamas.

Lịch sử hình thành của Hamas

Năm 1987, việc một số người Palestine thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông liên quan đến một lái xe người Israel và cuộc nổi dậy Intifada lần thứ nhất sau đó của người Palestine chống lại sự chiếm đóng Bờ Tây và Gaza của Israel đã khiến Ahmed Yassin (thủ lĩnh nhánh Anh em Hồi giáo ở Gaza) và sáu người Palestine khác đứng ra thành lập Hamas như một chi nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo (Ai Cập).

Hamas theo đường lối đối lập với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của cố lãnh đạo Yasser Arafat

Có những tuyên bố cho rằng chính Israel đã hỗ trợ tài chính cho Hamas trong những ngày đầu thành lập để xây dựng một đối trọng với PLO – mặc dù tất cả các bên liên quan đều phủ nhận Tel Aviv đóng bất kỳ vai trò nào trong việc thành lập tổ chức này.

Không giống như PLO, phong trào Hamas không công nhận tính hợp pháp của Nhà nước Israel. Biểu tượng của tổ chức này mô tả Mái Vòm đá ở Jerusalem và đường viền lãnh thổ bao gồm Israel, Gaza và Bờ Tây như một Nhà nước Palestine duy nhất.

Hamas thực hiện cuộc tấn công đầu tiên chống lại Israel vào năm 1989, bắt cóc và giết chết hai binh sĩ. Lực lượng Phòng vệ Israel ngay lập tức bắt người sáng lập Hamas, Yassin và kết án tù chung thân, đồng thời trục xuất 400 nhà hoạt động của Hamas tới nam Liban, nơi bị Israel chiếm đóng vào thời điểm đó.

Trong thời gian này Hamas đã xây dựng mối quan hệ với phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban.

Năm 1993, nhà lãnh đạo PLO Arafat bắt tay hoà bình với Israel qua Hiệp định Oslo, chấm dứt làn sóng Intifada (cuộc nổi dậy của người Palestine chống sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza) thứ nhất, bắt đầu từ năm 1987. Hamas phản đối tiến trình hoà bình và tiếp tục các cuộc tấn công khủng bố chống Israel.

Hamas hình thành ra sao, nguồn tiền và vũ khí từ đâu để tấn công Israel - Ảnh 2.

Hamas không tuân thủ thoả thuận hoà bình được ký giữa lãnh đạo PLO Yasser Arafat (phải) và Thủ tướng Israel Yitzahk Rabin (trái), với sự trung gian của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (giữa).

Năm 2006, Hamas giành đa số áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử ở Gaza. Năm 2007, họ củng cố quyền lực của mình ở dải đất ven biển thông qua một cuộc đảo chính bạo lực.

Kể từ đó, Bờ Tây được kiểm soát bởi đảng Fatah theo đường lối ôn hoà, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, trong khi Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Hamas.

Hamas đã tiếp tục cuộc chiến chống Israel từ bên trong Dải Gaza, tuyên bố rằng họ đang hành động để "tự vệ". Tổ chức này tham gia vào các cuộc giao tranh ác liệt chống lại các lực lượng vũ trang Israel vào các năm 2008/09, 2012 và 2014.

Tình hình ở Dải Gaza

Dải Gaza là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Biên giới trên bộ với Israel và Ai Cập cũng như biên giới trên biển đều bị kiểm soát chặt chẽ, đã cô lập hoạt động kinh tế của khu vực này.

Phần lớn dân số ở Gaza sống trong cảnh nghèo đói và phụ thuộc vào hỗ trợ nhân đạo từ nước ngoài.

Hamas thường bắn rocket vào Israel từ trong các khu dân cư và điều hành các sở chỉ huy trong các toà nhà chung cư. Họ bị Israel cáo buộc sử dụng thường dân làm lá chắn sống.

Hamas cũng bí mật đào các đường hầm dưới lòng đất để tuồn vũ khí từ bên ngoài vào Gaza, chủ yếu là từ Ai Cập. Tuy nhiên, Chính phủ Ai Cập cũng đã kiểm soát hoạt động này.

Hamas hình thành ra sao, nguồn tiền và vũ khí từ đâu để tấn công Israel - Ảnh 4.

Bản đồ dải đất nhỏ bé Gaza trong khu vực. Ảnh: DW

Ai ủng hộ Hamas?

Qatar được cho là đồng minh nước ngoài và nguồn hậu thuẫn tài chính quan trọng nhất của Hamas. Nhà lãnh đạo Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani là nhà lãnh đạo nhà nước đầu tiên đến thăm chính quyền Hamas vào năm 2012.

Cho đến nay, Qatar có lẽ đã chuyển 1,5 tỷ euro (1,8 tỷ USD) cho Hamas. Trong khi đó, Israel hy vọng Qatar sẽ tham gia Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian và thiết lập quan hệ ngoại giao với họ, như một số quốc gia Arab đã làm.

Hamas cũng được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia không coi phong trào này là khủng bố. Trong cuộc điện đàm ngay trước khi Hamas tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự ủng hộ chính trị đối với nhà lãnh đạo Ismail Haniyeh.

Hamas hình thành ra sao, nguồn tiền và vũ khí từ đâu để tấn công Israel - Ảnh 5.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ủng hộ Hamas. Ảnh: DW

Tổ chức vũ trang Hamas cũng được hỗ trợ bởi một loạt quỹ, trong đó một số có trụ sở tại Đức. Theo tuần báo Der Spiegel của Đức, các khoản quyên góp cho Hamas từ các nhóm có trụ sở tại Đức đang tăng lên.

Hamas lấy nguồn tên lửa từ đâu?

Số lượng lớn rocket từ Dải Gaza bắn vào Israel những ngày qua đã đạt mức chưa từng có. Hôm 12/5, Hamas cho biết đã phóng 130 quả rocket chỉ trong vài phút hòng chế áp hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel. Tên lửa đánh chặn của Vòm Sắt nhanh, tiên tiến hơn nhiều nhưng cũng đắt hơn tên lửa Hamas rất nhiều.

Đến ngày 15/5, quân đội Israel báo cáo rằng hơn 1.800 quả rocket đã được phóng từ khu vực ven biển Palestine.

Trong nhiều năm, Hamas được cho là phụ thuộc vào nguồn tên lửa do Iran cung cấp. Fabian Hinz, một chuyên gia về công nghệ tên lửa ở Trung Đông, cho biết các nhóm khác nhau ở Gaza đã mở rộng kho vũ khí tên lửa của Hamas. Hinz cho rằng tổ chức này sở hữu hàng nghìn tên lửa - như các phương tiện truyền thông Israel đã xác nhận.

Tuần trước, tờ Jerusalem Post dẫn nguồn tin tình báo Israel ước tính Hamas sở hữu 5.000-6.000 rocket. Nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad của Palestine, vốn hợp tác với Hamas, cũng được cho là sở hữu kho vũ khí lớn hơn với 8.000 quả rocket.

Chuyên gia Hinz cho rằng rocket của Iran được tuồn lậu vào Gaza qua ngả Sudan, rồi Ai Cập. Kể từ khi lãnh đạo Sudan Omar al-Bashir bị lật đổ năm 2019, hoạt động này trở nên khó khăn hơn.

Tuy vậy, người ta cho rằng, kể cả không có sự trợ giúp từ bên ngoài, Hamas cũng có thể sản xuất được hầu hết kho rocket của mình ngay tại Dải Gaza.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại