“Hạm đội ma”: Những đòn đánh chí tử, bất ngờ của Hải quân Mỹ trong tương lai

Anh Tú |

Rẻ hơn nhưng vẫn có khả năng thực hiện những sứ mệnh to lớn, “Hạm đội ma” Orca chắc chắn sẽ tăng cường thêm sức mạnh cho các tàu chiến khác của Hải quân Mỹ trong tương lai.

TÀU NGẦM KHÔNG NGƯỜI LÁI ORCA CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Trong tương lai không xa, Hải quân Mỹ sẽ có thể sử dụng đội tàu ngầm mới của họ dưới vai trò như “những kẻ gây rối” cỡ nhỏ và hoàn toàn tự động, khiến cho đối phương phải “nhức óc” ngay từ những giờ đầu tiên của cuộc xung đột.

Các phương tiện không người lái dưới đáy biển cực lớn (XLUUV) lớp Orca được trang bị khoang chứa vũ khí có trọng tải lớn, đủ sức mang theo nhiều loại mìn hải quân cùng các loại đạn dược khác giúp giải phóng sức chiến đấu cho các tàu ngầm tấn công thông thường để chúng tập trung giao tranh trực diện với kẻ thù.

Thậm chí, Hải quân Mỹ cũng có thể triển khai Orca thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm hơn thay vì các tàu ngầm có người lái.

Hình ảnh đầu tiên về tàu ngầm không người lái Orca đã xuất hiện vào ngày 28 tháng 4 năm 2022 tại Huntington Beach, California. Theo kế hoạch, tàu sẽ bắt đầu tiến hành các hoạt động thử nghiệm dưới nước vào mùa Hè này.

Thuyền trưởng Scot Searles, Giám đốc Chương trình thuộc Văn phòng Hệ thống Hàng hải Không người lái của Hải quân Mỹ đã công bố thông tin về loại tàu ngầm không người lái rất mới này vào cuối tháng 5 vừa qua tại Hội nghị chuyên đề về công nghệ bom mìn quốc tế lần thứ 15 do Hiệp hội tác chiến bom mìn tổ chức.

“Hạm đội ma”: Những đòn đánh chí tử, bất ngờ của Hải quân Mỹ trong tương lai - Ảnh 1.

Hình ảnh đầu tiên của tàu ngầm không người lái Orca ở dưới nước vào tháng 4 năm 2022. Ảnh: US Navy

Theo đó, tàu ngầm không người lái Orca có khoang chứa vũ khí dài khoảng 10,3m và sẽ được sử dụng để “tiếp tế” mìn hải quân trên chiến trường dưới nước cũng như một số lượng tải trọng không xác định khác.

Hải quân Mỹ đã đặt hàng 5 tàu ngầm Orca, trong đó 4 chiếc sẽ được đưa vào hoạt động chính thức còn chiếc thứ 5 sẽ đóng vai trò là phương tiện thử nghiệm. Mỗi chiếc Orca là một tàu ngầm điện diesel cỡ nhỏ và vì vậy XLUUV trở thành tàu ngầm phi hạt nhân đầu tiên mà Hải quân Mỹ mua sắm trong hơn 60 năm qua.

Orca không có cánh lái nên nhìn chúng khá giống ngư lôi hơn, tuy nhiên vẫn có thể thiết lập hệ thống cảm biến và cột liên lạc từ vị trí ngang với thân tàu. Mỗi tàu Orca nặng 80 tấn. Hải quân Mỹ chưa tiết các lộ thông tin khác về gói cảm biến, tốc độ tối đa, tầm hoạt động và các yếu tố khác.

Orca thực tế là phiên bản lớn hơn của nguyên mẫu XLUUV Echo Voyager do Boeing chế tạo. Echo Voyager nặng 50 tấn, có tầm hoạt động 6.500 dặm, tốc độ tối đa 8 hải lý/giờ và độ lặn sâu tối đa là 11.000 feet.

“Hạm đội ma”: Những đòn đánh chí tử, bất ngờ của Hải quân Mỹ trong tương lai - Ảnh 2.

Echo Voyager phiên bản thử nghiệm của Boeing

Echo Voyager cũng có khoang tải trọng dài 10,3m (34 feet). Orca có thể nhanh hơn và được chế tạo để đi xa hơn so với thiết kế tiền nhiệm.

Hiện tại, ứng cử viên hàng đầu cho khoang tải trọng của Orca là loại mìn di động phóng từ tàu ngầm (SLMM) Mk.-67. SLMM này được chế tạo dựa trên mẫu ngư lôi hạng nặng Mk.-37, loại ngư lôi dẫn đường từ những năm 1960.

Hammerhead, một loại mìn hải quân mới trang bị cho tàu ngầm cũng được phát triển dựa trên ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Mk.-54 và nhằm mục đích đánh chặn tàu ngầm của đối phương.

Một lựa chọn vũ khí khả thi là Hải quân Mỹ có thể cải tiến Hammerhead để giao tranh với các tàu mặt nước. Khi đó, Orca sẽ giành được lợi thế chính là có thể mang theo nhiều đạn Hammerhead cỡ nhỏ hơn, hiện đại hơn so với SLMM lớn hơn đã lỗi thời.

Cũng có thể Hải quân Mỹ đang tiến hành một chương trình bí mật chế tạo loại vũ khí lớn hơn, thay thế trực tiếp cho SLMM.

NHỮNG “BÓNG MA” DƯỚI ĐÁY BIỂN

XLUUV Orca hoạt động hoàn toàn tự động, mỗi chiếc riêng lẻ có thể tự di chuyển đến những vị trí đã định trước. Tới đây, Orca sẽ kích hoạt cột thông tin, nhận lệnh cập nhật từ Hải quân Mỹ và sau đó tiếp tục nhiệm vụ.

Việc có khả năng triển khai một tàu ngầm không người lái đến rải mìn ở địa bàn tác chiến sẽ cho phép Hải quân Mỹ hành động táo bạo hơn với chiến lược của họ.

Một tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ, khó phát hiện như Orca có thể thực hiện những sứ mệnh rủi ro hơn khi phải đối đầu với lực lượng chống tàu ngầm của đối phương và có thể tiếp cận gần lãnh thổ đối phương hơn.

Chẳng hạn như, Orca có thể rải mìn ở Eo biển Miyako trên Biển Hoa Đông, tuyến đường di chuyển thường xuyên của các tàu sân bay và tàu chiến Hải quân Trung Quốc.

Orca cũng có thể tiếp cận gần hơn và đặt mìn ở lối vào các bến cảng, vịnh và nhiều nơi trú ẩn khác của tàu đối phương.

“Hạm đội ma”: Những đòn đánh chí tử, bất ngờ của Hải quân Mỹ trong tương lai - Ảnh 3.

Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng mua 5 chiếc XLUUV Orca của Boeing và các bộ phận hỗ trợ liên quan. Ảnh: Boeing

Mặc dù vậy, rải mìn hải quân chỉ là một phần của chiến lược. Khả năng tiến gần bờ đối phương hơn sẽ tạo thêm chiều sâu cho chiến lược thời chiến của Mỹ.

Cùng với tàu ngầm có người lái, tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, máy bay tuần tra P-8 Poseidon và các khí tài quân sự khác, Orca sẽ không ngừng đe dọa và quấy rối tàu địch liên tục, phá hỏng kế hoạch và thu hẹp các lựa chọn của đối thủ.

Khi đã bàn giao nhiệm vụ rải mìn cho tàu ngầm không người lái cũng sẽ giúp 53 tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu khác.

Rẻ hơn nhưng vẫn có khả năng thực hiện những sứ mệnh to lớn, “Hạm đội ma” Orca chắc chắn sẽ tăng cường thêm sức mạnh cho các tàu mặt nước có người lái về hỏa lực, phạm vi cảm biến hay nhiều tính năng khác.

Tất nhiên, đừng quá mong đợi những “bóng ma” này có thể thay thế hoàn toàn các thủy thủ đoàn. Hải quân Mỹ vẫn cần có con người để đưa ra các quyết định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại