Tuyên bố của vị đô đốc được đưa ra trên tàu sân bay George H.W.Bush, trong buổi lễ khôi phục Hạm đội 2 trở lại hoạt động chiến đấu hôm 24.8, đến ngày 28.8 thì Nga tuyên bố trong tháng 9 tới sẽ tổ chức cuộc tập trận Vostok 2018 rầm rộ, với sự tham gia của khoảng 300.000 quân Nga và có cả quân Trung Quốc, Mông Cổ.
Đô đốc Richardson nói với các sĩ quan, thủy thủ Hạm đội 2: “Hẳn quý vị cảm thấy sự nghiêm trọng. Chiến lược quốc phòng đã nêu rõ chúng ta đang trở lại thời kỳ cạnh tranh nước lớn, môi trường an ninh ngày càng nhiều thách thức và phức tạp”.
Trong Chiến lược quốc phòng (NSS) công bố đầu năm nay, Washington đã khẳng định đối phó Nga và Trung Quốc sẽ là ưu tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đánh giá hai nước ấy là “những cường quốc xét lại” muốn tạo ra trật tự thế giới phù hợp với mô hình của họ.
Theo Washington Times ngày 28.8, dù tuyên bố tập trận lớn của Nga khiến Lầu Năm Góc xôn xao, các quan chức Mỹ nói quyết định khôi phục Hạm đội 2 chủ yếu vì cần duy trì sức mạnh hải quân của Mỹ ở Đại Tây Dương.
Hạm đội 2 từng bị giải tán năm 2011 vì các lý do chi phí và cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ đối phó với hoạt động của Nga ở các khu vực trên được giao cho Hạm đội 6 vốn đã phải trải căng hoạt động ở các vùng biển châu Âu và Bắc Phi.
NATO hoan nghênh việc khôi phục Hạm đội 2, bằng cách lập Bộ Chỉ huy Liên quân Norfolk, đối tác của Hạm đội 2, nhằm tăng cường khả năng đối phó với bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào với Nga.
Các quan chức khác cho biết Bộ Chỉ huy Hạm đội 2 sẽ đặt trụ sở tại thành phố cảng Norfolk của bang Virginia, và hạm đội này dưới quyền chỉ huy của Chuẩn đô đốc Andrew Lewis.
Nhân sự ban đầu của chỉ huy Hạm đội 2 sẽ chỉ có 15 người nhưng trong tương lai sẽ tăng lên. Hải quân Mỹ cũng đang tính toán số tàu chiến, tàu ngầm và máy bay cho hạm đội.
Các chỉ huy quân Mỹ và NATO đều nhất trí phải phục hồi Hạm đội 2 và hai lực lượng này sẽ đi đầu trong nỗ lực kiểm soát hoạt động của hải quân Nga ở Đại Tây Dương, vào lúc Mỹ và EU đều đề phòng hạm đội Nga, cùng với ngày càng lo ngại viễn cảnh tái diễn một sự cố tương tự khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Thời đó, Hạm đội 2 có nhiệm vụ bắn hạ tên lửa Liên Xô dàn ở Cuba, Đô đốc Richardson nói nó đã hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn Chiến tranh lạnh không trở nên sôi bỏng, và ngày nay thách thức từ Nga dành cho Mỹ và đồng minh ở Bắc Đại Tây Dương đã khiến “tình hình an ninh khu vực này nên thay đổi quá nhanh. Hải quân đang phản ứng lại”.
Vài năm gần đây, hoạt động hải quân Nga diễn ra ở trong và dưới biển ở Bắc Đại Tây Dương và ở Bắc Cực, khiến Mỹ phải vất vả đối phó.
Các nguồn tin nói Lầu Năm Góc lo ngại nhất mối đe dọa tiềm năng: tàu ngầm Nga có thể cắt 550.000 dặm cáp quang học chạy dọc-ngang các thềm lục địa Bắc Cực và Đại Tây Dương, chiếm đoạt một số bí mật quân sự nhạy cảm nhất của Mỹ.
Đô đốc Richardson nói nhiệm vụ ban đầu của Hạm đội 2 sẽ còn xử lý một mối đe dọa khác: những tên lửa tầm xa mà Nga có thể triển khai trong tương lai gần. Ông nói: “Hạm đội 2 sẽ có quyền điều hành và quản lý tàu chiến, máy bay lẫn các lực lượng đóng tại bờ Đông và Bắc Đại Tây Dương”, khi đối phó với Nga được coi là ưu tiên trong chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc.
Động thái này cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ rất cần kiềm chế không gian hoạt động của hải quân Nga và “siết thòng lọng” quanh bất kỳ kế hoạch phát triển tên lửa tầm xa nào của Moscow.
Cựu Đô đốc James G.Stavridis, cựu tư lệnh tối cao NATO, cho rằng hạm Hạm đội 2 sẽ đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2019 và “không gian chiến đấu mới cho Hạm đội 2 phản ánh 2 yếu tố nhạy cảm, thứ nhất, Nga có tham vọng mở rộng tầm hoạt động của hạm đội, thứ nhì là công nghệ tấn công từ xa cho phép Nga có thể tiến hành chiến tranh từ khoảng cách xa”.
Hồi giữa tháng 8, các quan chức tình báo Mỹ nói Nga đã chuẩn bị tìm và thu hồi một quả tên lửa tầm xa gắn động cơ hạt nhân bị rơi dưới biển Barents (bắc Nga, giáp Na Uy) khi phóng thử hồi cuối năm 2017.
Chiến dịch này sẽ gồm 3 tàu chiến, trong đó một chiếc được trang bị để xử lý chất phóng xạ có thể rò rỉ từ động cơ hạt nhân của quả tên lửa, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định nó có tầm bay không hạn chế.
Các nhà phân tích phương Tây đánh giá tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga là sự đe dọa thủ đô các nước châu Âu nào muốn cản hoạt động của Nga ở Ukraine và ở vùng biển Baltic.
Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin đã bác "tin đồn nhảm" Nga muốn thu hồi tên lửa Nga bị rơi giữa đường bay: “Hãy nghe Tổng thống Putin và tin Ngài”.
Theo Washington Times, Nga đã nhiều lần thử tên lửa hành trình Kalibr ở biển Barents và các nơi khác trong khu vực Bắc Đại Tây Dương. Cũng có tin 10 tàu chiến Nga gắn tên lửa Kalibr đã đến Syria, nhằm chuẩn bị tấn công từ xa vào bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và quân nổi dậy ở Bắc Syria.