* Bài viết thể hiện ý kiến riêng của tác giả Peter Apps, một cây bút chuyên về các vấn đề và xung đột quốc tế của Reuters.
Ông Peter Apps là nhà sáng lập, đồng thời là giám đốc điều hành của tổ chức Dự án Nghiên cứu Thế kỷ 21 có trụ sở tại London, New York và Washington. Ngoài ra, ông cũng hoạt động chính trị với tư cách thành viên Công đảng Anh.
---
Trung Quốc tham gia cuộc tập trận lớn nhất với Nga kể từ thời Liên Xô
Trong khi chính giới và dư luận phương Tây còn đang mải tập trung vào những bê bối và thách thức chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chuyện Brexit, hay những vấn đề nội bộ khác, thì hai nước Nga-Trung Quốc đã bắt tay chuẩn bị cho cuộc tập trận lớn nhất kể từ thời Liên Xô.
Được tổ chức chỉ trong vòng nửa năm sau cuộc tập trận hải quân trên biển lớn nhất của Bắc Kinh, cuộc tập trận chung Vostok 2018 sắp tới của Nga, Trung Quốc (và Mông Cổ) được cho là "lời nhắc nhở" đối với các nước khác về vị thế của hai cường quốc này trên thế giới.
Cho dù cả 2 quốc gia không muốn xảy ra chiến tranh với Mỹ hay với các đồng minh của Mỹ, thì cả Bắc Kinh và Moskva đều muốn chứng tỏ với đối phương rằng họ đang tích cực nâng cao tinh thần chiến đấu cho quân đội.
Bên cạnh đó, thì cuộc tập trận trên cũng là để phô diễn sức mạnh và răn đe các nước láng giềng của Nga-Trung trong khu vực, đồng thời là lời đe dọa bóng gió đối với Lầu Năm Góc - rằng nếu chiến tranh xảy ra ở Đông Âu hay trên Biển Đông, thì Mỹ chắc chắn sẽ chịu tổn thất nặng nề nếu nước này cố tình can thiệp.
Những cuộc tập trận mang tính bước ngoặt này là một phần trong bức tranh toàn cảnh lớn hơn của việc đầu tư, phát triển và thử nghiệm vũ khí - cho dù kết quả là thành hay bại.
Theo các báo cáo gần đây, các lực lượng của Nga vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và trục vớt một tên lửa hành trình hạt nhân sau vụ phóng hỏng tại Bắc Cực hồi năm ngoái. Trong khi đó, trong vòng hai năm gần đây, số vụ máy bay quân sự của Trung Quốc gặp tai nạn hoặc sự cố đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở Biển Đông.
Những vụ việc kể trên cho thấy Nga và Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi và chấp nhận rủi ro trong nhiệm vụ phát triển quân đội của mình, có lẽ họ còn quyết tâm cao độ hơn Mỹ hay bất cứ đồng minh châu Âu và châu Á nào của Mỹ.
Cuộc tập trận Vostok của Nga sắp diễn ra vào tháng 9 tới đây sẽ có sự tham gia của gần 300.000 binh sĩ, hơn 1.000 máy bay, hai trong số các hạm đội hải quân và tất cả các đơn vị không quân của Nga. Trong khi đó, Moskva cũng triển khai lực lượng hải quân lớn nhất tới Biển Địa Trung Hải trong vài năm qua.
Những con số trên không chỉ là lời cảnh báo nhằm ngăn chặn Mỹ can thiệp vào các hoạt động của Nga tại Syria, mà còn là thông điệp chính trị dành cho nội bộ nước Nga.
Gần đây, tỉ lệ ủng hộ của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang dần giảm xuống mức báo động, và việc tái khẳng định vị thế quân sự có thể giúp ông giành lại được sự ủng hộ và niềm tin của người dân Nga.
Hải quân Nga-Trung Quốc trong cuộc tập trận chung hồi năm 2016. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Sóng gió trên bàn cờ địa chính trị thế giới
Tuy nhiên, nếu chiến tranh thực sự xảy ra, thì 2 nước sẽ phải đối mặt với những viễn cảnh khác.
Đối với Nga, thì các cuộc chiến sẽ chủ yếu xảy ra trên đất liền, giống như phiên bản mở rộng của cuộc chiến năm 2008 với Gruzia.
Trong cả xung đột kể trên, Moskva đã giành thắng lợi bằng cách triển khai số binh lính áp đảo trong phạm vi gần lãnh thổ Nga, đồng thời kìm chân Mỹ và các nước phương Tây khác, không cho họ can dự vào cuộc chiến.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc, các cuộc chiến sẽ chủ yếu xảy ra trên biển, hoặc trên Biển Đông - nơi Bắc Kinh đã tăng cường quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân đạo phi pháp trong thời gian gần đây - hoặc ở eo biển Đài Loan - nơi luôn bị Trung Quốc đe dọa sẽ thống nhất trong tương lai gần.
Cũng giống như các cuộc chiến của Nga tại châu Âu, thì Bắc Kinh cũng sẽ cần phải giữ chân Mỹ và đồng minh của Mỹ không can thiệp vào những xung đột của nước này thì mới mong giành chiến thắng.
Hầu hết những công nghệ mới mà Moskva và Bắc Kinh đang phát triển trong thời gian gần đây đều phục vụ mục đích trên, đặc biệt là các loại tên lửa và tàu ngầm mới của Trung Quốc được chế tạo để đánh chìm các tàu sân bay của Mỹ.
Tàu chiến Nga. Ảnh: Reuters.
Nhưng tất nhiên việc mua bán và triển khai vũ khí chỉ là một phần trong chiến lược ngoại giao và tuyên truyền của hai nước Nga-Trung. Moskva luôn phản đối gay gắt việc Gruzia và Ukraine gia nhập NATO, và ngầm ngăn chặn nguồn hỗ trợ nước ngoài cho các quốc gia Baltic, những thành viên ở vùng Viễn Đông của NATO.
Về phía mình, trong năm nay Trung Quốc cũng đã tung nhiều chiêu bài ngoại giao để cô lập Đài Loan, như việc lôi kéo các đồng minh của Đài Loan, hay việc ép các hãng hàng không trên thế giới thay đổi thông tin về Đài Loan.
Mỹ đã chọc giận Nga và Trung Quốc khi tăng cường tham gia tập trận với NATO, và đẩy mạnh hoạt động tuần tra trên Biển Đông, ngay cả khi Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này.
Bắc Kinh đã loại Mỹ khỏi các cuộc tập trận quân sự trong khu vực cùng các nước ASEAN, còn Nga liên tục chỉ trích sự hiện diện của NATO ở Đông Âu là hành động gây hấn, và là mối đe dọa đối với lãnh thổ và các lực lượng Nga ở khu vực lân cận.
Năm nay, Mỹ đã gạt Trung Quốc khỏi cuộc diễn tập quân sự thường niên RIMPAC, một phần vì sợ Trung Quốc sẽ thu thập thông tin tình báo, phần còn lại là để lên án hành động quân sự hóa và bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nga mời Trung Quốc tập trận chung để xua tan nghi ngại?
Bề ngoài, Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau vì một đối thủ chung là Mỹ, với mối quan hệ giữa hai vị nguyên thủ được cho là nồng ấm hơn những người tiền nhiệm. Thế nhưng tiềm ẩn bên trong, Nga và Trung Quốc vẫn có những nghi ngờ nhất định về đối phương.
Moskva từ lâu đã lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ chiếm lãnh thổ của họ, và tương tự, Trung Quốc cũng lo Nga sẽ tấn công quân sự nước này. Quả thực, một số nhà quan sát và chuyên gia cho rằng một trong những lí do khiến Nga mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận tháng 9 tới là để xua tan nỗi lo ngại trên của Bắc Kinh.
Tương lai là điều khó đoán định, nhưng một điều chắc chắn là khi các cường quốc trên thế giới càng tập trung và dành nhiều công sức cho các cuộc tập trận quy mô lớn, thì họ càng dễ đâm đầu vào các cuộc chiến thực sự - mà có lẽ chính họ cũng không thể kiếm soát nổi.