Thủ phạm của những vụ tấn công này là loài khỉ đuôi dài đói bụng luôn chạy đến căn cứ hải quân kiếm thức ăn, đôi khi chỉ là mẩu bánh hoặc vài thanh socola.
Không chỉ lấy trộm, chúng còn cắn dây điện thoại, đột nhập vào văn phòng và xé rách các giấy tờ. Chúng chuyển đá ra đường để xe đi chậm lại, tạo điều kiện cho chúng nhảy vào kiếm chác. Ngoài ra, đàn khỉ còn làm hỏng các biển báo, gồm cả tấm biển khuyến cáo du khách không cho chúng ăn.
“Chúng thông minh nhưng thực sự là một vấn đề. Tôi phát ốm vì chúng”, Tư lệnh Suranart Jiemjit nói, 3 năm trước anh đã được cấp trên giao giải quyết tình trạng này.
Số lượng khỉ nhờ phương pháp mới ổn định dần. (Ảnh: WSJ)
Nhưng số lượng khỉ ngày càng tăng và để đối phó với đám đạo tặc phiền phức, các thủy thủ đã sử dụng một phương pháp đơn giản là phẫu thuật triệt sản.
Trước đây hải quân Thái Lan cũng từng cố gắng thiến khỉ đực, nhưng cách làm này ảnh hưởng đến hệ thống xã hội của loại khỉ. Những con bị thiến rời đàn và những con cái lại tìm đến những con đực bình thường khác, số khỉ tiếp tục tăng.
Phẫu thuật triệt sản, dù khó thực hiện hơn nhưng khiến những con khỉ dễ kiểm soát hơn và không đặt áp lực lên vị trí của chúng trong bầy. Cách làm mới đã dần có tác dụng.
Praphat Sathitwat, người làm việc tại quận Sattahip về vấn đề này cho biết: “Tôi đã thấy ít khỉ con được sinh ra hơn, điều này cho thấy số lượng khỉ đã tăng chậm dần và ổn định". Tính đến nay, khoảng 280 con khỉ đã được phẫu thuật và các thủy thủ dự định sẽ tuyển một bác sĩ thú y đến làm việc toàn thời gian ở căn cứ.
Đây là giải pháp phù hợp với các vấn đề tương tự ở châu Á. Nền kinh tế phát triển, động vật hoang dã phải cạnh tranh với con người vì môi trường sống. Rắn, hổ, lợn rừng xuất hiện gần người đã không phải là chuyện hiếm.
Riêng tại Thái Lan, khỉ trở thành vấn nạn tại nhiều thị trấn và Sattahip là một ví dụ điển hình. Khu vực xung quanh căn cứ hải quân là địa điểm lí tưởng cho khỉ với những ngọn đồi rậm rạp và nước vịnh xanh trong.
Dù vậy lại có một vấn đề khác nảy sinh là làm thế nào để bắt được khỉ.
Các thủy thủ từng đặt bẫy để dụ khỉ với trái cây và nhiều loại thức ăn khác. Nhưng lũ khỉ ngày càng thông minh hơn và sẽ không chui vào bẫy nếu đánh hơi thấy người ở xung quanh. Thậm chí có con cố gắng lấy thức ăn bên trong mà không đặt chân vào bẫy.
Các thủy thủ hiện giờ thỉnh thoảng bắn những viên sỏi để kiểm soát lũ khỉ hay thậm chí phải cầm súng cao su đứng gác trong các buổi lễ tránh bị đàn khỉ làm phiền.