Tàu Pyotr Velikiy của hải quân Nga
Mọi chuyện đang diễn ra không suôn sẻ. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết năm 1991 khiến các nhà máy đóng tàu của Nga cạn kiệt kinh phí và buộc hải quân phải loại biên 3 trong số 4 tàu chiến-tuần dương lớp Kirov.
Kể từ ít nhất là năm 2013, hải quân Nga đã cố gắng tân trang và nâng cấp Đô đốc Nakhimov, chiếc thứ ba thuộc lớp Kirov dài 252m. Nếu và khi Đô đốc Nakhimov sẵn sàng, tàu sẽ cùng tàu “chị em” Pyotr Velikiy phục vụ trong Hạm đội Phương Bắc.
Hai tàu Kirov lâu năm hơn, đã ngồi chơi xơi nước nhiều thập kỷ, có thể được đưa về xưởng phá dỡ trong năm nay.
Cuối năm ngoái, có lý do để tin rằng công việc trên tàu Đô đốc Nakhimov trang bị tên lửa hành trình sẽ kết thúc trong vài năm tới. Vào tháng 8/2020, các công nhân tại xưởng đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk đã hạ thủy trở lại con tàu 35 tuổi.
Việc này là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực trị giá hàng tỷ đô la để sửa chữa và hiện đại hóa Đô đốc Nakhimov với thiết bị điện tử mới, tên lửa hành trình Oniks mới nhất và nhiên liệu hạt nhân mới.
Với hai chiếc tuần dương chiến đấu (battle-cruiser) lớp Kirov trong hạm đội, Moscow sẽ có thể triển khai một chiếc trong số chúng vào bất kỳ thời điểm nào. Tàu tác chiến mặt nước lớn nhất thế giới Kirov - sản phẩm của Dự án Orlan đầy tham vọng - có thể hộ tống tàu sân bay và tàu đổ bộ của Nga hoặc tạo thành nòng cốt của các nhóm tác chiến mặt nước mạnh mẽ bao gồm tàu khu trục, khinh hạm và tàu hộ tống.
Hạm đội Nga dự kiến sẽ nhận chiếc tàu tuần dương đã được hiện đại hóa vào năm 2022.
Nhưng lại có một tin xấu. Việc bàn giao tàu bị chậm tiến độ và sớm nhất đến năm 2023 mới diễn ra. Mọi sự chậm trễ đều có thể là điềm xấu đối với tàu Đô đốc Nakhimov.
"Vấn đề chính với Đô đốc Nakhimov cũng như với tất cả các tàu tuần dương dự án Orlan - 4 chiếc được chế tạo, 2 chiếc đã nghỉ hưu - là động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng uranium được làm giàu cao", Pavel Luzin, một chuyên gia độc lập về quân đội Nga nói.
Nếu muốn thay chúng bằng động cơ tua-bin khí, thì đây lại là vấn đề khác. Ngành công nghiệp Nga thiếu năng lực và chuyên môn để sản xuất động cơ tua-bin khí đáng tin cậy cho các tàu lớn. Ukraine có đủ năng lực và chuyên môn, nhưng vì những lý do rõ ràng liên quan đến việc sáp nhập Crimea năm 2014 của Nga, Kiev đã chặn việc xuất khẩu động cơ tua-bin khí.
Điều đó có nghĩa là thủy thủ ít nhiều phải làm với máy móc chính — cụ thể là động cơ — đã có trên những chiếc Kirov cũ. Máy móc đó có từ những năm 1980. “Nói một cách ngắn gọn, những động cơ này tạo ra rất nhiều vấn đề,” Luzin nói. “Đó là tại sao Nga chỉ có thể duy trì một tàu tuần dương, chiếc Pyotr Velikiy, kể từ cuối những năm 1990. "
Sự chậm trễ của tàu Đô đốc Nakhimov có ảnh hưởng lớn. Bản thân tàu Pyotr Velikiy cũng cần được sửa chữa và hiện đại hóa, nhưng ngành công nghiệp Nga chỉ có khả năng làm việc trên một tàu tuần dương tại một thời điểm.
Kế hoạch là cho Pyotr Velikiy vào xưởng khi Đô đốc Nakhimov rời khỏi đây và chỉ cần Đô đốc Nakhimov bị mắc kẹt ở ụ sửa, Pyotr Velikiy phải đợi. Càng đợi lâu, tình trạng của tàu càng trở nên tồi tệ hơn.
Ngay cả khi nhà máy đóng tàu có thể hoàn thành công việc trên tàu Đô đốc Nakhimov, thì ngày mà những con tàu chiến khổng lồ sẽ chỉ còn là một ký ức trong hải quân Nga vẫn đang đến gần. Hãy xem xét tình trạng của Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất của Matxcơva.
Khi những con tàu lớn cũ đi và rỉ sét, những chiếc mới hơn và nhỏ hơn sẽ chiếm vị trí của chúng. “Khinh hạm và tàu hộ tống — chúng là những loại tàu chiến lớn nhất mà Nga có khả năng sản xuất khi đối mặt với thách thức về động cơ”, ông Luzin giải thích.
Nhưng những con tàu nhỏ hơn đó lại thiếu sức chịu đựng của những con tàu lớn hơn của chúng. "Không có tàu tuần dương và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, khả năng trình diễn sức mạnh của Nga ở nước ngoài bị hạn chế”.