Không ai biết logic nào đã khiến người Mỹ phải cất công tìm mọi cách để xác định kịch bản hoạt động của các tàu ngầm Nga. Nhưng ngay sau đó, đã có thêm hai chiếc Poseidon nữa vào cuộc và cả ba chiếc máy bay chống ngầm bắt đầu bay tuần tiễu trên khu vực cách bờ biển Síp không xa.
Nghiên cứu bản đồ di chuyển của P-8A được ghi lại trên cổng PlaneRadar cho thấy, các máy bay săn ngầm Mỹ đã tìm kiếm tàu ngầm Nga trong khu vực biển quanh căn cứ Akrotiri của Không quân Anh trên đảo Síp.
Nhiều khả năng là tàu ngầm Kilo Nga đã kiểm tra độ nhanh nhạy và khả năng phản ứng của hệ thống phòng thủ chống ngầm của căn cứ Anh nói trên. Theo giới quân sự, có thể nói tàu ngầm Nga đã thành công, bởi ngay cả ba máy bay chống ngầm hiện đại nhất của Mỹ nói trên trong thực tế cũng không có cơ hội nào để phát hiện ra được tàu Kilo.
Hải quân Nga cũng đang trong quá trình mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borei-A mang tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Nga có một đội tàu ngầm chuyên dụng, bao gồm cả tàu ngầm mini lặn sâu và tàu mẹ được cải tiến để mang chúng.
Từ lâu đã có những lo ngại rằng Nga có thể sử dụng những con tàu đó để khai thác hoặc thậm chí tấn công các tuyến cáp quang nhạy cảm dưới biển.
Tàu ngầm đặc nhiệm mới nhất Belgorod của Nga thuộc lớp Oscar-II được cải tiến cũng được cho là sẽ trở thành bệ phóng cho ngư lôi tầm xa chạy bằng năng lượng hạt nhân và vũ khí hạt nhân Poseidon.
Một số phương tiện dưới nước không người lái khác của Nga đang được phát triển có thể sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Hải quân cũng như quân đội Mỹ nói chung, ngày càng lo ngại về hoạt động của hải quân Nga ở Bắc cực và Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang trong nỗ lực lớn để mở rộng và hiện đại hóa năng lực hải quân của mình, bao gồm cả trang bị các tàu ngầm tiên tiến đời mới, là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương. Washington cũng đã nhận thấy sự gia tăng các hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Bắc cực, và thậm chí cả ở Đại Tây Dương, theo thời gian.
Các đối thủ khác của Mỹ, như Triều Tiên và Iran, cũng đang nỗ lực để mở rộng khả năng hoạt động dưới nước của họ và công nghệ tàu ngầm tiên tiến đang ngày càng phát triển trên khắp thế giới.
Tháng 8/2018, hải quân Mỹ tái lập Hạm đội 2 với nhiệm vụ tác chiến săn ngầm trên Đại Tây Dương và phối hợp với hạm đội 6 đóng quân tại Italy để đối phó với những lo ngại về việc gia tăng hoạt động hải quân của Nga, đặc biệt là các hoạt động của tàu ngầm, ở Bắc Đại Tây Dương.
Cuộc tập trận Góa phụ đen (Black Widow) là một cuộc diễn tập tác chiến chống ngầm tương đối mới ở Đại Tây Dương, lần lặp lại đầu tiên được tiến hành vào năm 2020. Cuộc diễn tập thứ hai vừa kết thúc vào tháng 8 vừa rồi.
Động thái mới nhất của Mỹ
Hải quân Mỹ hiện đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống bảo vệ Bờ Đông nước Mỹ khỏi cái mà họ gọi là mối đe dọa từ tàu ngầm của Nga trên biển Đại Tây Dương, một phần trong sáng kiến mới có tên “Nhóm tác chiến Greyhound”.
Trên thực tế, nhóm gồm 4 tàu khu trục này được đưa vào hoạt động từ ngày 1/9/2021, nhưng Hải quân Mỹ mới công bố việc thành lập nó gần đây. Nhóm chuyên trách sẽ cần tuyển thêm chuyên gia từ các bộ chỉ huy như Trung tâm Phát triển Tác chiến Săn ngầm và nhóm tác chiến tàu sân bay 4, cùng các lực lượng như tàu ngầm, tàu nổi và không quân.
Tên của nhóm đặc nhiệm có liên quan đến bộ phim cùng tên năm 2020, dựa trên tiểu thuyết The Good Shepherd của C.S. Forester. Cuốn sách và bộ phim chuyển thể xoay quanh chiến tích của một tàu khu trục của Hải quân Mỹ hộ tống và bảo vệ các tàu buôn qua Đại Tây Dương trước tàu ngầm U-boat của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ; Nguồn: thedrive.com.
Các hoạt động hộ tống đó là một phần của chiến dịch hải quân lớn hơn của Đồng minh được gọi là Trận chiến Đại Tây Dương, hoặc đôi khi là Trận chiến Đại Tây Dương thứ hai để vinh danh các hoạt động tương tự trong Thế chiến I.
Hoạt động Hải quân Liên Xô và phương Tây ở đại dương này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đôi khi được gọi là Trận chiến Đại Tây Dương thứ ba. Các quan chức quân sự Mỹ gần đây đã gọi sự gia tăng mới nhất trong hoạt động hải quân của Nga ở khu vực này và phản ứng của phương Tây là Trận chiến Đại Tây Dương thứ tư.
Hai tàu USS Donald Cook (DDG-75) và Thomas Hudner sẽ là 2 tàu khu trục đầu tiên tham gia vào nhóm Greyhound (khu trục hạm DDG-75 từng nhiều lần bị chiến đấu cơ Nga áp sát khiến thủy thủ trên tàu sợ hãi nộp đơn xin nghỉ việc).
Hiện tại, tàu Thomas Hudner và USS Donald Cook (DDG-75) là những tàu mới quay trở lại Mỹ vào đầu năm nay, sau nhiều năm được triển khai ở Tây Ban Nha; cả hai đều dạn dày kinh nghiệm trong chiến tranh chống ngầm.
Tàu USS The Sullivan (DDG-68), hiện đang được triển khai cùng nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh, sẽ tham gia vào nhóm săn ngầm Greyhound từ tháng 1/2022. Sang năm, USS Cole (DDG-67) và USS Gravely (DDG-107) sẽ gia nhập Greyhound, sau đó tàu USS Donald Cook bắt đầu quá trình bảo dưỡng.
Đặt căn cứ tại Mayport và Norfolk (Virginia) và được biên chế thường trực bốn tàu khu trục lớp Arleigh Burke, nhóm Greyhound sẽ hoạt động toàn công suất vào tháng 6/2022.
Theo chuẩn đô đốc Brendan McLane, Tư lệnh Lực lượng Tàu nổi Hải quân Đại Tây Dương, nhóm Greyhound sẽ tham gia giả quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ huấn huấn luyện cho tới tác chiến, trong đó bao gồm theo dõi các hoạt động của tàu ngầm Nga dưới lòng biển ở Đại Tây Dương và phòng thủ bờ biển nước Mỹ.
Trong trường hợp tàu ngầm nước ngoài xâm nhập khu vực hoạt động của Greyhound, hai khu trục hạm của nhóm sẽ sẵn sàng đối phó.
Quyết định thành lập Nhóm Tác chiến Greyhound được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tái bố trí lực lượng theo hướng tăng cường sức mạnh cho vùng biển Đại Tây Dương trước sự gia tăng hoạt động của tàu ngầm Nga.
Việc hình thành Greyhound cũng có thể cho thấy, các đơn vị tương tự ở những nơi khác, đặc biệt là ở Thái Bình Dương cũng sẽ được thành lập, vì lo ngại về hoạt động tàu ngầm thù địch từ Nga, Trung Quốc, cùng những nước khác, tiếp tục gia tăng. Mỹ đã không giấu giếm nhiệm vụ của Greyhound nhưng nhóm tác chiến này có hoàn thành nhiệm vụ hay không vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời./.