Hải quân Mỹ đa phần huy động máy bay tiếp dầu của lực lượng không quân và ngoài ra còn sử dụng chính những chiếc F/A-18 Super Hornet trong biên chế lắp thêm phương tiện để tiếp dầu cho các máy bay trên hạm như F/A-18, F-35C hay EA-18G Growler.
Theo thống kê, khoảng 20-30% số tiêm kích F/A-18 phải đảm nhận nhiệm vụ tiếp dầu, thay vì tham gia các hoạt động tác chiến của hải quân Mỹ.
Về mặt kỹ thuật, dù F/A-18 và F-35C đều có tầm bay trên 1.000km, nhưng bán kính hoạt động thực tế lại thấp hơn nhiều do giới hạn của lượng dầu mang theo. Muốn tăng tầm bay của chúng, Hải quân Mỹ phải có máy bay tiếp dầu để tăng tầm bay cho những chiếc tiêm kích hạm.
Từ những nhu cầu thực tế này, MQ-25A đã ra đời. Ưu thế của nó là kích thước nhỏ hơn, được trang bị kỹ thuật tàng hình, cùng khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay. Sự xuất hiện của MQ-25A sẽ góp phần tăng số lượng F/A-18 sẵn sàng chiến đấu cho tàu sân bay.
Không những vậy, máy bay này sẽ giúp mở rộng phạm vi hoạt động của các tiêm kích trên hạm của Hải quân Mỹ, qua đó làm giảm mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chống hạm đối phương.
Không những vậy, hết các loại máy bay tiếp dầu lại được hoán cải từ máy bay chở khách dân dụng có kích thước lớn nên chúng dễ dàng trở thành "miếng mồi ngon" cho máy bay tiêm kích và hệ thống phòng không đối phương.
Trong các chiến dịch tại Iraq, Syria và Afghanistan thời gian qua, máy bay của Hải quân Mỹ chỉ có thể thực hiện các nhiệm vụ tầm xa nhờ máy bay tiếp dầu của không quân.
Chính vì vậy, những chiếc MQ-25A (được bàn giao trong năm 2024) sẽ giúp tàu sân bay chủ động thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập ở những nơi không có máy bay tiếp dầu của không quân.
Bên cạnh năng lực tiếp dầu, MQ-25A có thể tham gia tấn công phủ đầu đối phương với bom phá đường băng và tên lửa chống radar, được coi là có thể thay thế vai trò của tên lửa Tomahawk; cũng như thực hiện do thám và giám sát.
Hải quân Mỹ dự tính sẽ phối thuộc đến 4 chiếc MQ-25A trên mỗi tàu sân bay và khả năng sẽ chi tới 13 tỷ USD cho 72 máy bay này cho hạm đội tàu sân bay.