Hải quân hàng đầu thế giới của Trung Quốc bị phương Tây ‘bắt làm con tin’: Việc gì xảy ra?

Vy Lam |

Giờ đây, lực lượng hải quân thuộc hàng lớn nhất thế giới đang thấy mình trong tình cảnh bị trói buộc, mục tiêu tham vọng của Trung Quốc bất ngờ "trật bánh".

Tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: Business Insider

Tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: Business Insider

'Con tin' của các nhà sản xuất nước ngoài

Tờ EurAsian Times đăng bài viết cho biết, Trung Quốc - cường quốc hải quân với quy mô lớn hàng đầu thế giới - đang bị các nhà sản xuất động cơ nước ngoài "bắt làm con tin", họ phải vật lộn với công nghệ tàu ngầm.

Theo bài viết, Trung Quốc – với khoảng 335 tàu chiến trong biên chế và một ngành công nghiệp đóng tàu khổng lồ - đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng làm dấy lên nhiều câu hỏi về uy thế hải quân của họ.

Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cung cấp tàu ngầm lớp Yuan cho Thái Lan đã gặp khó khăn do thiếu động cơ tàu ngầm. Do đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã cảnh báo rằng, hợp đồng với Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ nếu Bắc Kinh không thể lắp đặt mẫu động cơ đúng theo thỏa thuận mua bán.

Vào tháng 4/2017, chính phủ Thái Lan đã ủy quyền cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan mua 3 tàu ngầm lớp Yuan từ Trung Quốc với giá 36 tỷ baht (1.05 tỷ USD). Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách, mới chỉ có 1 tàu ngầm – hiện trị giá 13.5 tỷ baht (403 triệu USD) được phê duyệt.

Một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã đề nghị cung cấp động cơ được hãng MTU của Đức chứng nhận nhưng do Trung Quốc sản xuất bằng kỹ thuật đảo ngược. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan đã từ chối và yêu cầu Bắc Kinh tuân theo điều khoản ban đầu của thỏa thuận.

Hải quân hàng đầu thế giới của Trung Quốc bị phương Tây ‘bắt làm con tin’: Việc gì xảy ra? - Ảnh 1.

Tàu ngầm Type 039 lớp Yuan của Trung Quốc (Ảnh: Twitter)

Trong một vụ việc khác, vào năm 2015, Pakistan đã ký thỏa thuận với Bắc Kinh để mua 8 tàu ngầm lớp Yuan. Trong số 8 tàu này, có 4 chiếc được đóng ở Trung Quốc và 4 chiếc đóng ở Pakistan.

Tháng 12 năm ngoái, Pakistan đã tiến hành lễ đặt ky cho chiếc tàu ngầm đầu tiên đóng tại nước này. Tuy nhiên, cơ hội để Islamabad có được động cơ nguyên bản cho tàu ngầm của họ là điều rất khó khăn khi Đức từ chối cung cấp động cơ cho Trung Quốc.

Giờ đây, hải quân thuộc hàng lớn nhất thế giới đang thấy mình bị trói buộc khi Thái Lan đe dọa chấm dứt thỏa thuận. Trung Quốc đã tìm cách đưa mình thành một nhà xuất khẩu quốc phòng trong khu vực nhưng mục tiêu này hiện có thể bị tổn hại ở một mức độ nào đó.

Mặc dù Thái Lan tuyên bố rõ ràng rằng việc hủy bỏ thỏa thuận sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ song phương nhưng việc Trung Quốc không thể cung cấp mẫu động cơ ban đầu cho tàu ngầm có thể gây nguy hiểm cho triển vọng bán tàu ngầm trong tương lai của nước này.

Đức làm ‘trật bánh’ tham vọng của Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc vào năm 1989 sau sự kiện Thiên An Môn. Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế, quân đội Trung Quốc vẫn có thể nhận được vũ khí từ các nước châu Âu, cho đến thời gian gần đây.

Các quốc gia thành viên riêng lẻ của EU được quyền quyết định cách thức thực hiện lệnh cấm vận, cũng như có những cách diễn giải khác nhau về chính sách và thực tiễn.

Năm ngoái, hai tổ chức truyền thông ở Đức – gồm Đài truyền hình công cộng ARD và tờ Welt am Sonntag – đã công bố kết quả điều tra cho thấy một số loại tàu chiến Trung Quốc sử dụng động cơ do Đức sản xuất. MTU, chi nhánh của MAN ở Pháp, và công ty con của Volkswagen đã cung cấp động cơ cho Bắc Kinh.

Động cơ MTU sử dụng trên tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc được xếp vào loại "công nghệ lưỡng dụng". Theo chuyên gia vũ khí Alexander Lurz của Tổ chức Hòa binh xanh, sở dĩ như vậy vì công nghệ của Đức hướng tới xuất khẩu.

Hải quân hàng đầu thế giới của Trung Quốc bị phương Tây ‘bắt làm con tin’: Việc gì xảy ra? - Ảnh 2.

MTU đã bí mật cung cấp động cơ cho Trung Quốc bất chấp lệnh cấm. Ảnh: China Military

Sau khi truyền thông Đức tiết lộ thông tin, đại diện MTU nói với ARD và Welt am Sonntag rằng họ đã "dứt khoát tạm dừng" việc cung cấp động cơ tàu ngầm cho Trung Quốc và hiện hai phía không có hợp đồng nào đang trong quá trình xúc tiến. Đây có thể được hiểu là lý do cho việc Trung Quốc không thể hoàn thành các cam kết của họ với Thái Lan.

Tuy nhiên, việc MTU quyết định xuất khẩu động cơ sang Trung Quốc bất chấp lệnh cấm chung trong thời gian qua được xem là một sự rời bỏ bất thường của Đức đối với lập trường chung của EU.

Phương Tây vốn dĩ thống nhất trong cách tiếp cận đối với Bắc Kinh nhằm tích cực kiềm chế sự trỗi dậy của nước này. Cuộc điều tra đã gây ra sự phẫn nộ trong EU bởi Berlin vi phạm các quy tắc.

Trong khi Thái Lan đưa ra tối hậu thư cho Trung Quốc thì vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng nào từ Pakistan, quốc gia vừa trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nên có lẽ vẫn chưa quyết định về vấn đề này. Thế nhưng, tại sao Trung Quốc lại để mình rơi vào tình cảnh bất lực như vậy?

Trung Quốc thiếu chuyên môn về động cơ?

Mặc dù đã đạt được một số bước đột phá trong chương trình chế tạo động cơ dành cho máy bay chiến đấu như J-20 và đường hầm gió công nghệ siêu thanh nhưng Trung Quốc lại tụt hậu nghiêm trọng trong công nghệ động cơ đẩy tàu ngầm.

Kỹ thuật động cơ đẩy là một trong những thiếu sót mang tính cấu trúc lớn nhất của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc, vì phần lớn động cơ sử dụng trên tàu ngầm Trung Quốc là do nước ngoài sản xuất.

Ví dụ, các tàu ngầm tấn công lớp Song và Yuan, chiếm phần lớn trong hạm đội tàu ngầm thông thường của Trung Quốc, được trang bị động cơ diesel MTU 396 SE84 chế tạo tại Đức.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), MTU đã cung cấp cho Trung Quốc hơn 100 động cơ cho các tàu khu trục và tàu ngầm từ năm 1993 đến năm 2020.

Hải quân hàng đầu thế giới của Trung Quốc bị phương Tây ‘bắt làm con tin’: Việc gì xảy ra? - Ảnh 3.

Trung Quốc tụt hậu nghiêm trọng trong lĩnh vực động cơ tàu ngầm (Ảnh: MTU)

Trong một hội nghị năm 2015 tại Trường Cao đẳng Chiến tranh hàng hải Mỹ (NWC) bàn về khả năng của Hải quân Trung Quốc, Giáo sư Andrew Erickson [đến từ Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc của NWC] đã nhận xét rằng, tại Trung Quốc, kỹ thuật động cơ đẩy vẫn là một chương trình đang trong giai đoạn phát triển của lực lượng dưới mặt nước.

Tàu ngầm diesel-điện có khả năng tàng hình lớn hơn so với tàu ngầm hạt nhân, nhờ động cơ diesel được chế tạo đặc biệt để giảm độ rung và tiếng ồn, nhằm tránh bị sóng sonar phát hiện.

Cả tàu ngầm tấn công lớp Song và lớp Yuan của Trung Quốc đều được trang bị động cơ diesel hiện đại của Đức. Việc Trung Quốc dễ dàng tiếp cận các động cơ này có thể là một lý do tiềm ẩn giải thích cho sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào công nghệ nhập khẩu.

Nước này đã đạt được một số tiến bộ trong kỹ thuật đảo ngược vài năm qua, tuy nhiên, động cơ của Trung Quốc vẫn bị chính quyền Thái Lan từ chối dù đã có chứng nhận của MTU.

Công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc CSOC đã đề nghị Hải quân Thái Lan điều chỉnh hợp đồng, thay thế động cơ của Đức bằng động cơ do Trung Quốc với cùng tiêu chuẩn, chẳng hạn như mẫu MWM 620, thế nhưng hải quân Thái Lan vẫn không thấy thuyết phục.

Hiện tại, số phận của thỏa thuận này vẫn phụ thuộc vào các cuộc tham vấn giữa hai bên. Song, đây có thể là một bước ngoặt trong công nghệ động cơ diesel dành cho tàu ngầm của Trung Quốc, và là sự khởi đầu mới cho ngành sản xuất tàu ngầm của Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại