Hai kho đạn pháo lớn trên bán đảo Triều Tiên
Bán đảo Triều Tiên có hai lực lượng pháo binh lớn nhất thế giới. Seoul và Bình Nhưỡng cũng tích trữ hàng trăm nghìn quả đạn pháo, trong đó đạn pháo của Triều Tiên có thể sử dụng được trên các khẩu pháo thời Liên Xô mà Nga đang vận hành, còn đạn pháo 155mm của Hàn Quốc cũng là cỡ tiêu chuẩn được các nước NATO sử dụng và cung cấp cho Ukraine.
Hàn Quốc không bình luận về số lượng đạn pháo mà họ có trong kho vì lý do an ninh. Triều Tiên cũng không tiết lộ thông tin liên quan ra thế giới bên ngoài.
Ông Joost Oliemans, một chuyên gia vũ khí, đồng tác giả cuốn sách “Các lực lượng vũ trang Triều Tiên” cho biết: “Kho vũ khí của cả Triều Tiên và Hàn Quốc vượt quá 1 triệu quả đạn các loại. Cả hai đều vận hành hàng nghìn khẩu pháo, chưa tính đến các nguồn bổ sung, chỉ như vậy cũng đã cần đến hàng trăm nghìn quả đạn”.
New York Times dẫn các tài liệu tình báo bị rò rỉ của Mỹ mới đây cho thấy, Hàn Quốc đang xem xét bán 330.000 viên đạn pháo 155 mm cho Ba Lan. Theo các tài liệu, đã có một cuộc tranh luận trong chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol giữa nhượng bộ sức ép của Mỹ về việc cung cấp cho Ukraine và chính sách của Seoul không cung cấp vũ khí cho các quốc gia có chiến tranh.
Tờ DongA Ilbo đầu tháng này đưa tin, Hàn Quốc có thể chuyển cho Mỹ khoảng 500.000 quả đạn pháo 155mm, số đạn này có thể được sử dụng để gián tiếp cung cấp cho Ukraine.
Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã lên tiếng cho hay, “một số lượng đáng kể thông tin liên quan đến Hàn Quốc trong các tài liệu bị rò rỉ là bịa đặt”.
Trong khi đó, theo Bloomberg, kho dự trữ pháo khổng lồ của Triều Tiên rõ ràng đã thu hút sự chú ý của Nga.
Mỹ cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga. Một số mặt hàng của Triều Tiên có khả năng nằm trong danh sách mong muốn của Nga là đạn pháo 122mm và 152mm cũng như tên lửa 122mm. Mặc dù Washington cho rằng, vũ khí của Triều Tiên sẽ không giúp Nga thay đổi tình hình chiến trường, nhưng việc Bình Nhưỡng bán vũ khí sẽ đem lại một nguồn doanh thu mới cho một quốc gia bị cô lập với phần lớn thương mại thế giới.
Triều Tiên đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng đây là tin đồn vô căn cứ.
Hàn Quốc có thể thay đổi chính sách
Tổng thống Yoon Suk-yeol cho hay, chính phủ Hàn Quốc có thể thay đổi chính sách về việc cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine trong một số điều kiện nhất định. Đó sẽ là tin mừng đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang tìm kiếm sự trợ giúp từ các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới để khắc phục tình trạng thiếu đạn dược kéo dài ở Ukraine hiện nay. Ông Yoon dự kiến gặp Tổng thống Biden trong chuyến thăm Washington vào ngày 26/4 tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Yoon Suk Yeol nói rằng nếu xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn của Nga nhằm vào dân thường Ukraine, vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh, Hàn Quốc khó có thể chỉ kiên quyết đòi hỗ trợ tài chính hoặc nhân đạo.
Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc giải thích, Tổng thống Yoon chỉ đề cập đến một “tình huống giả định” và ông muốn nói rằng “những gì Hàn Quốc làm trong tương lai sẽ phụ thuộc vào hành động của Nga”.
Ông Soo Kim, một nhà phân tích về Triều Tiên từng làm việc tại Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện đang làm việc cho công ty tư vấn LMI có trụ sở tại Mỹ cho biết, yếu tố lớn nhất mà ông Yoon phải cân nhắc là liệu quyết định xích lại gần Ukraine có dẫn đến việc Nga tăng cường hợp tác quân sự với Triều Tiên hay không.
Điện Kremlin cảnh báo, nếu Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine, điều đó sẽ khiến Seoul tham gia vào cuộc xung đột. Cựu Tổng thống Nga, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev cũng tuyên bố, Moscow có thể đáp trả bằng cách bán vũ khí tiên tiến cho Triều Tiên.
Hàn Quốc sẵn sàng bù đắp nguồn cung thiếu hụt do viện trợ cho Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã tìm kiếm vũ khí từ Hàn Quốc. Ông đã kêu gọi Seoul viện trợ cho Kiev khi phát biểu trước quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4/2022.
Chính phủ Hàn Quốc đã nhắc lại lập trường chính thức rằng nước này sẽ không gửi cho Ukraine bất kỳ viện trợ sát thương trực tiếp nào trong bối cảnh tranh cãi hiện nay. Dù vậy, xung đột Nga-Ukraine đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc, trong bối cảnh nhiều khách hàng ở châu Âu đang tìm cách thay thế vũ khí thời Liên Xô bằng vũ khí công nghệ cao hơn.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, năm 2022, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 17,3 tỷ USD và chiếm hơn một nửa lượng xuất khẩu vũ khí này là Hanwha Aerospace, công ty quốc phòng lớn nhất ở Hàn Quốc.
Washington dường như cũng bật đèn xanh cho Hàn Quốc bán vũ khí cho các quốc gia Đông Âu trong khi các nhà thầu quốc phòng của Mỹ chạy đua để thực hiện các đơn đặt hàng vũ khí dự kiến chuyển đến Kiev.
Tháng 12/2022, Ba Lan - quốc gia láng giềng của Ukraine, đồng thời là một trong những nước viện trợ quân sự đáng kể cho Kiev, đã nhận được 10 xe tăng K2 và 24 pháo tự hành K9, phần đầu tiên theo thỏa thuận trị giá gần 6 tỷ USD đạt được vào tháng 8 cùng năm với Hyundai Rotem và Hanwha Defense Systems Corp.
“Cuộc chiến Ukraine đang làm cạn kiệt kho vũ khí thông thường, chẳng hạn như pháo tự hành, tên lửa và đạn pháo... Vì các quốc gia sản xuất vũ khí lớn như Mỹ và Đức đã cắt giảm dây chuyền sản xuất vũ khí thông thường nên sẽ mất nhiều năm để đáp ứng nhu cầu, nhưng Hàn Quốc đã sẵn sàng”, ông Chae Woo-suk, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Hàn Quốc cho biết./.