Hai con nhỏ 1 tử vong, 1 bị bỏng nặng vì cháy nhà: Có lỗi lớn rất nhiều phụ huynh mắc phải

Diệp Anh |

Vụ hỏa hoạn thương tâm vừa xảy ra trong một hộ dân đã cướp đi tính mạng của em bé 3 tuổi và làm bé 8 tuổi bị bỏng nặng. Một phần lỗi trong vụ việc này là do sai lầm của người bố.

Sự việc xảy ra vào ngày 27/11 vừa qua tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Vì hôm đó là ngày chủ nhật, cả hai đứa trẻ đều được nghỉ học ở nhà.

Vào buổi trưa, người bố vì phải mang cơm ra cho mẹ hai đứa trẻ đang bán hàng ngoài chợ nên anh đã để hai con ở trong nhà, khóa trái cửa lại rồi đi vì sợ con ở nhà nghịch ngợm, chạy lung tung.

Tuy nhiên, anh không thể ngờ rằng thảm họa kinh hoàng đã ập xuống đầu hai đứa trẻ ngay sau đó.

Một người hàng xóm sau khi sự việc xảy ra cho biết, trong lúc ở nhà, bé gái 3 tuổi nghịch lửa đã bất ngờ gây ra hỏa hoạn. Cô chị 8 tuổi thấy vậy đã gọi điện cho bố về. Đến lúc này, bố mẹ hai đứa trẻ mới biết con ở nhà gặp nạn.

Khi chạy về đến nơi, cô con gái thứ 2 vì còn nhỏ không biết gì nên đã tử vong ngay tại nhà. Cô bé 8 tuổi nhờ nấp trong nhà tắm nên may mắn thoát chết nhưng cũng bị bỏng nặng.

Clip ghi lại sự việc.

Bài học cho tất cả các bậc phụ huynh

Tai nạn khủng khiếp xảy ra với hai đứa trẻ còn quá non nớt là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc đến tất cả những người làm cha mẹ hiện nay.

Không thể phủ nhận trong cuộc sống hằng ngày, nhiều bậc phụ huynh vì các lý do khác nhau đã để con ở nhà một mình như trường hợp nói trên. Đó chính là một phần nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn vô cùng xót xa ở trẻ.

Ngoài hỏa hoạn thương tâm, trẻ còn đối mặt với vô số các rủi ro có thể xảy ra ngay trong nhà như nghịch ổ điện bị điện giật, nghịch dao kéo, phích nước nóng, leo trèo bị ngã…

Hai con nhỏ 1 tử vong, 1 bị bỏng nặng vì cháy nhà: Có lỗi lớn rất nhiều phụ huynh mắc phải - Ảnh 2.

Ảnh cắt ra từ clip ghi lại sự việc.

Không chỉ ở Trung Quốc, những sự cố xảy ra khi trẻ được bố mẹ, người lớn để ở nhà một mình cũng được ghi nhận rất nhiều ở Việt Nam.

Mới đây nhất chính là vụ việc bé trai 6 tuổi rơi từ tầng 11 của tòa Rainbow, Linh Đàm (Hà Nội) xuống mái tầng 2 và tử vong. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, cậu bé ở nhà một mình.

Qua những vụ việc đau lòng này, một điều chắc chắn là các bậc phụ huynh cần phải cân nhắc một cách nghiêm túc về việc để con ở nhà một mình bằng cách xác định xem liệu con mình đã đủ lớn, đủ tự tin, đủ trách nhiệm để ở nhà mà không cần người lớn.

Tuyệt đối không để trẻ dưới 7 tuổi ở nhà một mình vào bất kỳ khoảng thời gian nào vì trẻ không có đủ sự trưởng thành và kỹ năng để đối phó với các tình huống khẩn cấp. Nên cân nhắc để trẻ ở nhà một mình từ độ tuổi trên 12, như vậy phụ huynh sẽ yên tâm hơn rất nhiều.

Những lưu ý không thể bỏ qua khi để trẻ ở nhà một mình

- Hãy loại bỏ các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi trẻ ở nhà một mình. Những vật dụng dễ gây tai nạn như phích nước, dao kéo, các loại thuốc, cửa sổ, cửa ban công, ổ điện, bình gas… cần được đảm bảo đến mức tối đa trẻ sẽ không tác động hoặc nghịch được.

- Để cho trẻ một chiếc điện thoại di động và dặn trẻ thông báo cho người lớn khi xảy ra bất cứ sự cố nào.

- Đưa cho trẻ giữ một chìa khóa cửa chính của nhà.

Hai con nhỏ 1 tử vong, 1 bị bỏng nặng vì cháy nhà: Có lỗi lớn rất nhiều phụ huynh mắc phải - Ảnh 3.

Để trẻ ở nhà một mình là một vấn đề mà bố mẹ trẻ phải cân nhắc, suy nghĩ nghiêm túc.

- Thường xuyên dạy và dặn dò trẻ một số nguyên tắc không được vi phạm như: Không được mở cửa sổ, cửa ban công, không mở cửa cho người lạ, không nghịch các đồ điện… Nếu xảy ra cháy nổ, cần lấy chìa khóa mở cửa chính và chạy ra khỏi nhà.

- Trước khi ra khỏi nhà, phụ huynh nên nói với trẻ khoảng thời gian mình ra ngoài và sẽ trở về vào giờ nào, thực hiện đúng lời nói để các con yên tâm. Trong thời gian vắng nhà, bố mẹ cần thỉnh thoảng gọi điện để nắm tình hình.

- Một số kỹ năng đơn giản trong tình huống khẩn cấp như cầm máu khi không may đứt tay, tìm đèn pin ở chỗ nào khi mất điện… phụ huynh cũng cần chỉ cho con để các bé tự ứng phó trong lúc bố mẹ không có nhà.

- Một điều quan trọng nữa là, không nên nói xuông mà biến nó thành tình huống cụ thể để trẻ tập dượt một vài lần trước khi áp dụng thật.

Bằng cách đó, phụ huynh vừa nắm được các kỹ năng của con để phán đoán xem có nên để trẻ ở nhà một mình hay không, vừa là để trẻ tích lũy kinh nghiệm cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại