Rạng sáng 2/2/2024, người dân Thủ đô Hà Nội phát hiện như thể đang ở giữa một khung cảnh mờ ảo, khi thành phố chìm sâu trong làn sương mù rất dày đặc.
Đợt sương mù này được xác định là do gió Đông Nam hoạt động mạch đưa ẩm vào đất liền, gặp nhiệt độ thấp về đêm và sáng khiến hơi nước ngưng tụ hình thành sương mù.
Mặc dù nhiều người đi đường hoặc ở các căn hộ cao tầng có thể nhìn thấy khung cảnh không khác gì "thành phố trong sương" Sa Pa, tuy nhiên sương mù ở Hà Nội mang theo một nguy cơ rõ rệt với sinh hoạt và sức khỏe.
Hơi nước kết hợp với bụi mịn - sự độc hại của sương mù Hà Nội
Ở những vùng núi cao không khí trong lành hơn, ít hoặc không có khói bụi giao thông, sương mù vốn chỉ là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất.
Ví dụ như Sapa là một thị trấn nằm ở độ cao từ 1500m đến 1650m so với mực nước biển, được mệnh danh là "thị trấn trong sương". Sương mù ở đây xuất hiện quanh năm và tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, mộng mơ cho thị trấn này.
Nhìn chung, nguyên nhân xuất hiện sương mù là do sự chênh lệch về độ ẩm và nhiệt độ của không khí. Vào mùa đông hoặc nơi nhiệt độ không khí thấp và độ ẩm không khí cao, tốc độ gió rất yếu, thậm chí không có gió - đây là 3 yếu tố quan trọng nhất để hình thành sương mù.
Nhưng tại thành phố lớn, đông đúc, nhiều phương tiện giao thông và mật độ xây dựng lớn như Hà Nội, sương mù là tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe, bởi đó là sự kết hợp giữa hơi nước và các loại khói bụi, đặc biệt bụi mịn.
Cơ chế hòa quện giữa hơi nước và bụi mịn, bụi khói xe chủ yếu dựa trên quá trình hấp thụ và ngưng tụ. Cụ thể, các hạt bụi mịn và bụi khói xe có thể hoạt động như các tâm ngưng tụ cho hơi nước, tạo ra loại sương mù này.
Các hạt bụi mịn có kích thước từ 2.5 - 10µm (PM10), nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm (PM2.5), và nhỏ hơn hoặc bằng 1µm (PM1.0). Kích thước nhỏ này cho phép chúng dễ dàng thâm nhập vào phổi và hệ thống tim mạch.
Theo các nhà khoa học, các loại bụi mịn thường chứa hàm lượng khí CO, SO2 hay NO2 cao, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ cản hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi. Những người dễ bị ảnh hưởng nhất là người bệnh viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi, bệnh hen, bệnh tim.
Chỉ số không khí: Cảnh báo tím
Theo ứng dụng IQAir, tính tới thời điểm 10 giờ 30 phút ngày 2/2, với chỉ số AQI trung bình là 234, thủ đô Hà Nội là địa điểm đứng thứ 2 thế giới về ô nhiễm không khí. Chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 200 đơn vị, mức có hại cho sức khỏe, cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết.
Vì vậy, sương mù ở Hà Nội hẳn nhiên độc hại hơn sương mù Sa Pa rất nhiều. Để phòng chống, người dân cần hạn chế ra đường quá sớm vào buổi sáng, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Khi di chuyển ngoài đường, nên sử dụng khẩu trang y tế để ngăn chặn khí độc trong sương.
Trong nhà, cần hút ẩm, mở điều hoà chế độ sưởi để hạn chế vi khuẩn, virus sinh sôi gây bệnh cho gia đình.
Những thời điểm này, không tập luyện thể dục thể thao ngoài trời vào buổi sớm khi có sương mù dày đặc. Người có vấn đề xương khớp, bệnh mạn tính cần chú trọng tới sức khoẻ, khi có dấu hiệu cần đi tới cơ sở y tế khám ngay.