Thông tin trên được ông Nguyễn Việt Triều, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đưa ra tại buổi tọa đàm “Giải pháp nào để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội?” được tổ chức mới đây.
Tại cuộc đối thoại trên, Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Việt Triều cho biết, theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội đang nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng.
Có nhiều giải pháp, mục tiêu nhưng cuối cùng là ổn định tình hình giao thông Hà Nội.
Trong đề án báo cáo thành phố đầu tháng 10, đến năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển thêm khoảng 500 phương tiện xe buýt. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện cần và đủ thì xe buýt không có chỗ đỗ chứ đừng nói là chạy!
Giải thích cho lập luận của mình, ông Nguyễn Việt Triều cho biết, Hà Nội hiện nay mới chỉ có 1,3km đường dành riêng cho xe buýt, còn lại là giao thông hỗn hợp.
“Chạy bên trái nhưng dừng đỗ đón khách bên phải gây bức xúc cho nhân dân. Chúng tôi kiến nghị với thành phố, từng bước, có quy hoạch xây dựng, tổ chức giao thông phải có đường dành cho xe buýt, đường ưu tiên cho xe buýt.
Xe buýt được đi sang làn bên phải, chuyển xe máy đi sang làn bên trái.
Làm sao cho xe buýt chạy men men vỉa hè. Phải có điều kiện như thế, không có hạ tầng thì xe buýt không thể hoạt động, phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ”, ông Triều nói.
Tại cuộc đối thoại này, lãnh đạo Transerco cũng thừa nhận số lượng hành khách đi xe buýt đang có chiều hướng giảm trong 2 năm gần đây và đơn vị này đã tổ chức nhiều hội thảo, nghiên cứu thì thấy, năm 2015- 2016, khi thành phố triển khai hai công trình lớn đường sắt trên cao tác động trực tiếp đến 20 tuyến xe buýt, mất 28% lượng khách, sản lượng giảm 8 – 9%.
“Đơn cử như trục đường Xuân Thủy hiện nay vẫn còn những điểm 2km không có điểm chờ xe buýt. Cho xe buýt chạy nhưng không cho đỗ thì rất khó khăn. Thi công như thế, có những tuyến xe thời gian chạy phải gấp đôi thời gian.
Do ùn tắc, thời gian di chuyển kéo dài nên không giữ được lịch trình, không giữ được lộ trình, phải đi theo hướng khác.
Chính vì thế, việc phục vụ bằng vận tải công cộng có giảm”, Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Việt Triều cho biết.
Trong một diễn biến liên quan đến việc phát triển xe buýt Hà Nội, theo dự thảo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn thành phố", cùng với việc hạn chế xe máy hoạt động ở nội đô theo 3 giai đoạn, để có phương tiện đi lại cho người dân khi hạn chế ô tô, xe máy, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đặt lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, đầu tư mới 500-550 xe buýt mỗi năm (gồm cả mini buýt).
Cùng với đó, đến năm 2020, Hà Nội cũng sẽ hoàn thiện theo quy hoạch 3 tuyến xe buýt nhanh gồm: Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (14km); tuyến đi theo Vành đai 3 từ Mai Dịch - Dương Xá (25km); tuyến đi theo Vành đai 2,5 và Quốc lộ 5 kéo dài (54km).
Đường sắt đô thị sẽ hoàn thành 5 tuyến, gồm tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông; tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; tuyến số 5 đoạn Văn Cao – vành đai 4.
Trong khi đó trao đổi với phóng viên Infonet, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Hà Nội muốn đảm bảo được 30-40% người dân đi xe công cộng thì ít nhất phải có 15.000-20.000 xe buýt. Thế nhưng, nếu xe buýt nhiều như vậy thì làm gì có đường mà đi nữa. Do vậy, phải đi trên đi dưới. Phải đi tàu điện ngầm, phải đi trên cao để tận dụng không gian đô thị.
Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, với 1.000 xe buýt hiện có mỗi năm chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại, vậy còn 90% còn lại người ta đi lại bằng gì, do đó, buộc người dân phải mua ô tô, xe máy để đi. Do đó, ùn tắc càng bức xúc, áp lực.
“Bây giờ chỉ cần so sánh với một thành phố trung bình như Braha của Tiệp Khắc, người ta có hàng nghìn xe buýt và hàng trăm km tàu điện ngầm, hàng trăm km tàu điện và một hệ thống ô tô điện.
Như vậy người ta có năng lực gấp 5-7 mình. Mình chỉ có 1000 xe buýt ăn thua gì!”, ông Nguyễn Xuân Thủy nói.