Danh sách này được tạp chí tài chính nổi tiếng thế giới Financial Times vừa công bố. Cụ thể, trong khi TP Hồ Chí Minh xếp ở vị trí thứ 10 thì Hà Nội đứng tại vị trí thứ 17. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài 2 TP của Việt Nam chỉ có thêm Bangkok (Thái Lan) đứng ở vị trí thứ 9.
Cả 2 vị trí dẫn đầu trong danh sách trên đều thuộc về các TP của Trung Quốc là Thượng Hải và Bắc Kinh. Ngoài ra, quốc gia này còn có 7 TP khác lọt top 25 như: Thiên Tân, Quảng Châu, Thâm Quyến, Nam Kinh, Trùng Khánh, Vũ Hán và Thành Đô.
Theo ước tính, trong năm 2016, Hà Nội thu hút FDI được khoảng 3 tỷ USD, tăng hơn 2,6 lần so với năm 2015.
Các lĩnh vực được đánh giá là thế mạnh đã thu hút đầu tư gồm: Lĩnh vực công nghệ cao có dự án Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung (300 triệu USD); lĩnh vực môi trường có dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (227 triệu USD); lĩnh vực viễn thông, Công ty Vietnamobile đã tăng vốn (208 triệu USD)…
Danh sách 25 TP thu hút FDI nhiều nhất ở các thị trường mới nổi
Trong các dự án, Hà Nội đã thu hút và triển khai 98 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 4,8 tỷ USD, giá trị đã ký kết là 3,2 tỷ USD, đã giải ngân 1,05 tỷ USD, đạt 33,38% giá trị đã ký kết và 22,1% giá trị cam kết.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các dự án ODA là lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông đô thị (56%) và cấp, thoát nước, xử lý nước thải (31,8%).
Đến nay, Hà Nội đã và đang phát triển 19 khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao với tổng diện tích gần 4121,2ha.
Các DN FDI của các KCN trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy và làm tăng giá trị xuất khẩu, mở rộng nguồn thu ngân sách TP (chiếm từ 10,5 - 10,6% tổng thu từ năm 2005 - 2012 và tăng lên tới 13,2% giai đoạn 2013 - 2015).
Còn về TP Hồ Chí Minh, trong năm 2016, TP này đã thu hút được 3,7 tỷ USD vốn FDI. Qua đó, nâng số vốn FDI đầu tư vào TP Hồ Chí Minh đạt 40,99 tỷ USD, với 6.485 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực.