Chiều 29-6, khi phóng viên đề cập đến chủ trương giảm xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy vào năm 2025 của Hà Nội, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ: Để đảm bảo đô thị văn minh hiện đại chúng ta phải có lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới cấm xe máy là một lẽ tất yếu.
Việc này chính phủ đã giao cho các đô thị lớn nghiên cứu tiến hành. Các nước khác xung quanh ta đã cấm từ lâu rồi.
Thực tế, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông lớn, với phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh. Hiện nay, chúng ta có khoảng 500.000 ôtô và hơn 5tr xe máy.
Với tốc độ tăng bình quân 10%/năm như hiện nay, đến năm 2025 sẽ có khoảng 11 triệu xe máy.
Hà Nội quyết tâm đưa ra lộ trình hành động, và xác định thời gian là 10 năm. Để hạn chế dần và tiến tới cấm phương tiện xe máy phải đảm bảo các điều kiện như lấy xây để chống, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân là tối ưu.
Tức là phải có các phương tiện vận tải hành khách công cộng vận tải bổ sung tương ứng.
Theo quy hoạch, đến năm 2025 Hà Nội sẽ cơ bản đầu tư được hạ tầng khung gồm các tuyến đường vành đai 1, 2, 3, 4,5; các tuyến xuyên tâm; phương tiện vận tải hành khách công cộng vận tải lớn là 8 tuyến đường sắt đô thị…
Theo quyết định của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt thì đến năm 2020, phương tiện vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 20% nhu cầu của người dân, đến năm 2025 thì phải đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của người dân.
“Chúng tôi cũng đã xác định được muc tiêu, yêu cầu và nguyên tắc sắp xếp.
Về nguyên tắc, đề án cũng xác định 4 nguyên tắc chính trong đó các giải pháp đưa ra không nhằm hạn chế việc sở hữu phương tiện cá nhân và chỉ hạn chế việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông taị khu vực hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, chứ không phải cấm nhân dân mua xe”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc ngừng hoạt động bến xe Lương Yên là căn cứ theo quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định trên địa bàn. Khi thay đổi luồng tuyến đã ổn định từ nhiều năm, sẽ dẫn tới khó khăn cho DN cũng như một bộ phận người dân. " Chắc chắn trong thời gian đầu điều chuyển cũng sẽ gây nên tình trạng xe dù, bến cóc, nhưng chúng tôi đã phối hợp với Công an có phương án xử lý tình huống này" - ông Viện chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề di dời du thuyền trên Hồ Tây, người đứng đầu Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Tôi cũng khẳng định, việc đình chỉ theo đúng quy định của pháp luật, là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các DN sau này. Sau kết thúc thanh tra, chúng tôi cũng đề xuất DN đủ điều kiện cho hoạt động, còn DN nào không đủ điều kiện sẽ kiên quyết yêu cầu di dời khỏi Hồ Tây".