Loài thú được coi là "báu vật" và những lần từng xuất hiện ở VN

Thành Công (TH) |

Kỳ lân Châu Á là biệt danh của Sao La - một loại thú cực kỳ quý hiếm và được coi là "báu vật" ở Việt Nam.

Sở dĩ người ta gọi Sao La là "Kỳ lân Châu Á" bởi chúng là loài hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện bằng cặp sừng song song, hơi nhọn.

Khoảng 3 năm trước, hình ảnh Sao La được Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thực hiện tại khu vực Trung Trường Sơn và công bố đã thu hút không chỉ các nhà khoa học trong nước mà cả giới truyền thông quốc tế.

"Khi lần đầu tiên nhìn vào các bức ảnh, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình. Sao la được những nhà bảo tồn Đông Nam Á coi là một "báu vật", nên chúng tôi vô cùng háo hức", tờ Vietnamnet dẫn lời TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam.

Sao La có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis, thuộc nhóm thú sừng rỗng, giống loài Linh Dương. Đây là loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ thế giới và sách đỏ Việt Nam.

Tờ Sinh vật rừng Việt Nam thông tin về loài vật này như sau: Thân cỡ lớn, dài tới 1,3 - 1,5m, trọng lượng: 80 - 120kg. Đầu màu nâu sẫm có những vạch trắng hoặc đen nhạt, mặt nâu sẫm hay nâu đỏ nhạt.

Ngoài ra, cả Sao La đực và cái đều có sừng dài, nhọn và không phân nhánh.

Tờ Tuổi trẻ thông tin, từ số liệu đo sừng Sao La ở Thừa Thiên Huế, các nhà nghiên cứu ghi nhận: Sừng dài nhất thu được ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có chiều dài là 52,5cm.

Nguồn trên cũng từng dẫn lời TS Nguyễn Xuân Đặng (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) cho rằng "việc phát hiện sao la là một sự kiện quan trọng trong lịch sử thú học thế giới".

Loài thú được coi là báu vật và những lần từng xuất hiện ở VN - Ảnh 1.

Sao La. Ảnh: WWF

Ở Việt Nam, Sao La từng được tìm thấy ở một số nơi thuộc dãy Trường Sơn như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Theo báo giới trong nước, có thể kể đến một số lần phát hiện Sao La ở Việt Nam như: 

Tháng 5/1992, Sao la được Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) và các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phát hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, nằm gần biên giới Việt - Lào.

Tháng 10/1998, loài thú quý hiếm này tiếp tục được các nhà khoa học phát hiện ở Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An).

Ngoài ra, Sao La được phát hiện 3 lần tại Huế vào năm 1998, 1999, tại thị xã Hương Thủy và huyện A Lưới.

Lần gần đây nhất, chúng được phát hiện ngày 7/9/2013 ở Quảng Nam. Khi đó, tờ Người lao động đã ghi lại lời ông William Robichaud (Điều phối viên Nhóm bảo tồn saola của Ủy ban bảo tồn loài của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN)) như sau:

"Đây là những bức ảnh chụp loài hoang dã quan trọng nhất của Châu Á, có thể là của thế giới trong vòng 10 năm qua".

Loài thú được coi là báu vật và những lần từng xuất hiện ở VN - Ảnh 2.

Hình ảnh Sao La được chụp ngày 7/9/2013. Ảnh: Người lao động

Theo các nhà khoa học, Sao La là loài biểu tượng cho sự đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn, cần được bảo tồn.

Loài thú được coi là báu vật và những lần từng xuất hiện ở VN - Ảnh 3.

Ảnh: huegreencorridor.org

Ông Văn Ngọc Thịnh (Giám đốc quốc gia Quỹ bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam) thông tin trên trang Trung tâm Festival Huế: 

"Sao la là loài động vật quý hiếm, WWF cam kết với chính quyền đại phương đặc biệt là hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam làm thế nào để cứu lấy những cá thể còn lại, đó là cam kết từ đây cho đến 5 - 10 năm sau để cứu lấy loài này thể hiện giá trị sự đa dạng sinh học của tỉnh nhà và của cả Việt Nam".

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại