Hà Nội: Giả danh cán bộ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục người

Hạnh Quỳnh |

Theo Cơ quan công an, kết quả điều tra bước đầu xác định, số nạn nhân trong các vụ do Nguyễn Văn Điệp lừa đảo có tới gần 40 trường hợp, với số tiền chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.

Ngày 26/3, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Điệp, sinh năm 1984, trú tại xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra ban đầu của cơ quan công an, Nguyễn Văn Điệp học hết 12/12 ở quê rồi ra Hà Nội kiếm việc làm và thuê trọ tại ngõ 10, phố Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình.

Tháng 9/2015, thông qua các mối quan hệ ở Hà Nội, đối tượng này tự giới thiệu với một số người quen là anh ta đang làm tại một ngân hàng ở phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội và có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin học và làm việc trong lực lượng Công an nhân dân cũng như trong một số cơ quan Nhà nước quan trọng khác.

Tin vào Điệp, vợ chồng anh Nguyễn Văn P., sinh năm 1980, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội) và chị Lê Thu H., sinh năm 1981, ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, đã mời chào nhiều người quen có nhu cầu xin học và xin việc làm trong lực lượng Công an nhân dân, cũng như một số lĩnh vực khác để nộp hồ sơ và tiền cho Nguyễn Văn Điệp.

Bên cạnh việc khoe khoang, khoác lác để khách hàng tin là thật, đưa tiền và hồ sơ xin việc làm hoặc đi học cho đối tượng, một thủ đoạn tinh vi khác được Điệp áp dụng để qua mặt các nạn nhân bị anh ta lừa đảo chiếm đoạt tiền, đó là sau khi khâu trung gian nhận hồ sơ và tiền “lệ phí” xin học, làm việc,

Điệp thường đưa cho nạn nhân giấy hẹn giả và số điện thoại của mình, nhưng lại nói đó là số của những người có trách nhiệm bên tuyển sinh hoặc tuyển dụng lao động.

Sau đó, anh ta hẹn các nạn nhân đến một thời gian nhất định thì điện thoại kiểm tra và Điệp trực tiếp nghe máy rồi hẹn họ đến cổng một số cơ quan Nhà nước để gặp những người có trách nhiệm ra đón.

Tuy nhiên, sau khi khách đến điểm hẹn đều gặp Điệp và đối tượng đã viện lý do này nọ để thu lại giấy hẹn, tránh bị lực lượng công an phát hiện hành vi lừa đảo rồi cắt đứt liên lạc.

Theo Cơ quan công an, kết quả điều tra bước đầu xác định, số nạn nhân trong các vụ lừa đảo do Điệp gây ra có tới gần 40 trường hợp.

Cơ quan điều tra đã làm rõ số tiền Nguyễn Văn Điệp nhận của các “đối tác” và hứa sẽ “chạy” được việc làm cũng như xin học cho họ lên tới hơn 7 tỷ đồng.

Nguyễn Văn Điệp đã thanh toán hoàn trả cho một số nạn nhân khoảng 4 tỷ đồng, còn nợ hơn 3 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại