Theo tờ trình của UBND TP, mức hỗ trợ cụ thể gồm: 100% giá vé với người có công, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi; 50% giá vé tháng với học sinh, sinh viên, người lao động các khu công nghiệp, người cao tuổi; 30% giá vé tháng cho người lao động tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé theo hình thức tập thể.
Hà Nội cũng đề xuất miễn phí 100% giá vé cho toàn bộ hành khách trong 15 ngày đầu khi tuyến đường sắt bắt đầu vận hành thương mại.
Với mức giá vé bình quân toàn tuyến trên 10.000 đồng (cự ly 5,3 km) và ước diện ưu tiên chiếm khoảng 12% tổng số khách, Hà Nội dự kiến mức chi hỗ trợ cho hành khách sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông gần 14,5 tỷ đồng mỗi năm.
Trước đó, thành phố tổ chức lấy ý kiến dự thảo phương án giá vé trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Có ba loại giá vé áp dụng theo tháng, ngày và lượt.
Cụ thể, nếu đi theo tháng giá vé 200.000 đồng/người; mức 30.000 đồng áp dụng cho vé ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày); giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất khoảng 7.000 đồng với quãng đường ngắn nhất.
Mức giá trên đã được trợ giá và chỉ áp dụng trong thời gian thí điểm kể từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại. Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành về đường sắt đô thị, liên ngành sẽ trình thành phố xem xét ban hành giá vé chính thức.
Báo cáo mới nhất về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, đại diện Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, tiến độ đã đạt 99%, còn một số hạng mục mà Tổng thầu chưa hoàn thành.
Tuy vậy, trong tháng 4 này, dự án chưa thể vận hành thương mại bởi một còn một số hạng mục liên quan đến vấn đề chạy tàu. Hơn nữa, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, an toàn là yếu tố được đặt hàng đầu. Dự báo, ít nhất phải cuối quý 2/2019, dự án này mới có thể chở khách.
Xem bài gốc Tại Đây