Gần đây, câu chuyện của bà Dương (Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc) đã xảy ra vào năm 2012 tiếp tục được chia sẻ trở lại trên MXH ở Trung Quốc và thu hút sự chú ý.
Hăm hở với khoản lãi cao
Theo đó, vào năm 2012, nhà của bà Dương nằm trong diện cần giải thể để phục vụ mục đích mở đường. Chính vì điều này, bà được đền bù số tiền lên đến 13 triệu NDT ( khoảng 44 tỷ đồng). Như trúng số, bà Dương đột nhiên có một số tiền có khi làm cả đời cũng không có được.
Bà Dương mang tiền đến ngân hàng gửi và không ngờ đó là lần cuối được cầm số tiền đó.
Vừa vui vừa mừng, người phụ nữ này liên tục suy nghĩ làm thế nào để có thể gia tăng số tiền theo thời gian. Bà bắt đầu nghiên cứu các hình thức đầu tư và quản lý tài chính. Trong quá trình tham gia các hội nhóm bàn luận về chủ đề này, bà Dương tình cờ gặp Ngô, nhân viên của một ngân hàng nông nghiệp (Trung Quốc). Người này mời chào bà gửi tiền vào ngân hàng với mức lãi suất cao đến bất ngờ. Theo lời của người này, hình thức gửi do cô đề xuất có mức lãi suất lên đến 10%-13%/năm.
Theo Sohu, đây là một mức lãi suất cao. Bởi tại thời điểm đó, lãi suất của các ngân hàng khác chỉ dao động khoảng 3%/năm. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, nếu 13 triệu NDT được gửi trong vòng 1 năm tại ngân hàng thông thường (lãi suất 3%), người phụ nữ này sẽ nhận được 390.000 NDT. Nhưng nếu gửi tiền vào ngân hàng theo hướng dẫn của cô Khương cùng với số tiền đó, bà Dương sẽ nhận được tiền lãi lên đến 1,69 triệu NDT. Với mức chênh lệch lớn như vậy, người phụ nữ này không ngần ngại làm theo sự hướng dẫn của cô Ngô.
Ngay ngày hôm sau, bà mang toàn bộ số tiền của mình đến ngân hàng nơi Ngô làm việc nhằm làm sổ tiết kiệm. Trong suốt quá trình thực hiện giao dịch, người này liên tục nhắc bà Dương không được tiết lộ cho người thứ 3 biết mình được hưởng mức lãi suất cao như vậy. Điều này khiến bà lầm tưởng mình là một trong số ít những người may mắn có được ưu đãi này.
Ảnh minh hoạ
Không chỉ vậy, khi thao tác các dịch vụ cho bà Dương, nhân viên ngân hàng này còn tắt luôn chức năng thông báo biến động số dư trên điện thoại của khách hàng. Để giữ bí mật tuyệt đối cho hoạt động này, Ngô cũng nói với bà rằng nếu ai biết đến sự việc này, mức lãi suất cao như vậy sẽ bị cắt giảm. Điều này đồng nghĩa, bà không thể nhận được số tiền lãi cao như thế vào cuối kỳ hạn.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, bà Dương ra về mà không hề kể bất kỳ điều gì cho các thành viên trong gia đình về khoản tiền này.
Chiêu thức lừa đảo tinh vi
Một năm trôi qua, đến ngày nhận tiền lãi, bà Dương đã dậy từ sớm để đi đến ngân hàng với niềm phấn khích sẽ nhận được số tiền lãi lên đến hơn 1 triệu NDT. Khi đến quầy gặp nhân viên ngân hàng, người phụ nữ này xuất trình đầy đủ giấy tờ để rút tiền. Người này nhập dữ liệu của bà Dương đến 3 lần trên hệ thống nhưng đều hiển thị tài khoản 0 NDT. Nhân viên ngân hàng có chút bối rối nhưng vẫn lịch sự thông báo với người phụ nữ này: “Cô ơi, trong tài khoản của cô không có tiền”.
Nghe đến đây, bà Dương sửng sốt vài giây. Bà vội đứng dậy và nói: “Bạn có nhầm không? Trong thẻ ngân hàng của tôi có 13 triệu NDT”. Ngay lập tức, người phụ nữ này xác nhận lại toàn bộ thông tin với nhân viên ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả hiện trên hệ thống vẫn cho thấy bà chẳng có khoản tiền gửi nào ở ngân hàng.
Kiểm tra toàn bộ giấy tờ của bà Dương, nhân viên xác nhận có đầy đủ đóng dấu của ngân hàng. Tuy nhiên, người này thắc mắc về khoản lãi cao đến như vậy. Bởi từ trước nay, ngân hàng chưa bao giờ tung ra mức lãi suất này. Ngay khi nắm được thông tin, người này đã báo cáo cho quản lý xuống làm việc.
Lúc này, bà Dương chia sẻ toàn bộ câu chuyện của mình và tiết lộ cô nhân viên ngân hàng tên Ngô đã giúp mình thực hiện gửi khoản tiền này. Đến lúc này, người quản lý xác nhận bà Dương đã bị lừa. Anh cũng thông báo cô nhân viên này cũng vừa nghỉ làm cách đây 1 tháng.
Người quản lý này kết hợp với bà Dương liên hệ với đội cảnh sát để giải quyết vụ việc. Sau khi nhận được cuộc gọi, cảnh sát lập tức có mặt tại trụ sở của ngân hàng để điều tra. Ngay khi ghi nhận thông tin, viên cảnh sát cho biết trong vài ngày gần đây họ đã tiếp nhận hàng chục trường hợp tương tự xảy ra ở một số ngân hàng tại Chiết Giang và một vài tỉnh lân cận. Tổng số tiền thiệt hại đang lên đến 500 triệu NDT (khoảng 17.000 tỷ đồng).
Dựa theo manh mối của những nạn nhân cung cấp, cảnh sát phát hiện toàn bộ những số tiền này đều được chuyển đến một tài khoản có tên là Quy. Điều đặc biệt là nạn nhân lại không biết người này là ai. Hơn nữa, tất cả thẻ ngân hàng người gửi đều đang được họ cất giữ. Họ cũng không hề tiết lộ mật khẩu cho bất kỳ ai.
Ảnh minh hoạ
Thấy nhiều dấu hiệu lạ, cảnh sát đã mở rộng điều tra. Phối hợp với các ngân hàng, cảnh sát phát hiện chiêu thức lừa đảo tinh vi. Theo đó người tên Quy là chủ một đường dây lừa đảo. Người này thuê những nhân viên ngân hàng thực hiện những giao dịch bất chính và hứa sẽ trả hoa hồng tuỳ thuộc vào lượng tiền được chuyển ra. Theo đó, những nhân viên này thực hiện lập tài khoản tiết kiệm cho khách hàng một cách bình thường.
Thông thường, khách hàng chỉ cần nhập mã pin của mình một lần. Tuy nhiên, những người này yêu cầu người gửi tiền nhập thêm một lần nữa. Quy trình này rõ ràng không đúng quy định. Tuy nhiên, người gửi tiền không hề biết điều đó mà chỉ làm theo hướng dẫn của giao dịch viên. Điều mà những nạn nhân này không ngờ là ở lần nhập mật khẩu thứ 2 là đang xác nhận chuyển tiền đi. Bằng cách này, tiền của những nạn nhân được chuyển sang tài khoản của người tên Quy một cách lặng lẽ mà chủ tài khoản không hề hay biết.
Dựa theo thông tin của những nạn nhân và cả nhân viên ngân hàng thuộc đường dây này, cảnh sát đã tìm ra người phụ nữ này. Theo đó, người này từng là một doanh nhân thành đạt. Để phát triển và mở rộng kinh doanh hơn nữa, cô đã vay số tiền lớn với lãi suất cao. Tuy nhiên, làm ăn thua lỗ, không thể trả được tiền, cô đã nghĩ ra hình thức lừa đảo này.
Tại cơ quan cảnh sát, người phụ nữ này đã khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình. Cô cho biết mình đã thực hiện trót lọt 42 vụ lừa đảo ở khắp các ngân hàng trên cả nước.
Theo Sohu