Google sử dụng AI theo dõi "sức khỏe" của các rạn san hô

Phương Anh |

Google đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp các nhà khoa học sàng lọc các đoạn âm thanh ghi âm dưới đại dương trong một dự án nhằm theo dõi "sức khỏe" của các rạn san hô thông qua những âm thanh này.

Hợp tác cùng với nhà sinh vật học Mary Schodipo có kiến ​​thức về công nghệ âm nhạc và Dave Erasmus - người từng đến COP 26 bằng thuyền và ghi lại âm thanh của các rạn san hô trên suốt chuyến hành trình của mình, Thư viện Google (Google Arts and Culture) mới đây đã khởi động chương trình ứng dụng AI cho phép nhận biết tình trạng sức khỏe của các rạn san hô. 

Hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích dữ liệu về tần số và độ lớn của âm thanh từ các đoạn âm thanh đã được ghi lại, từ đó làm căn cứ xác định liệu xem các rạn san hô còn khỏe mạnh hay đang suy thoái.

Các bản ghi âm được ghi lại ở Philippines và gần đây nhất là ở Sharm el-Sheikh của Ai Cập - nước chủ nhà của COP27, sau đó có thể được sử dụng để theo dõi hoạt động khai thác bất hợp pháp hay xác định các khu vực rạn san hô cần phục hồi, cũng như đánh giá tiến độ của các dự án phục hồi san hô.

Google sử dụng AI theo dõi sức khỏe của các rạn san hô - Ảnh 1.

Google sử dụng AI theo dõi "sức khỏe" của các rạn san hô (Ảnh minh họa: KT)

"Những gì tôi đặc biệt làm ở Philippines, đó là tôi đã đặt những máy ghi âm này ở các khu bảo tồn biển và những khu vực được đánh bắt quá mức để xem liệu có sự khác biệt trong âm thanh của đại dương hay không. Ý tưởng của chúng tôi ở đây cũng là để nó giống như một nền tảng trực tuyến mà mọi người đều có thể truy cập. Vì vậy, chúng tôi thiết lập mô hình có thể hiểu như là một tập thể cùng lắng nghe, có nhiều đôi tai trên khắp thế giới này và mọi người nghe những âm thanh đó theo những cách khác nhau”, bà Mary Schodipo cho biết.

Cũng theo nhà sinh vật học Mary Schodipo, các hoạt động như đánh bắt quá mức và nhiệt độ ấm lên do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến hệ sinh thái “mất cân bằng”, nguyên nhân góp phần khiến các rạn san hô dần suy thoái.

Các rạn san hô đang chịu áp lực từ lượng khí thải carbon do con người tạo ra đã làm bề mặt đại dương nóng lên 0,13 độ C mỗi thập kỷ và tăng nồng độ axit lên 30% kể từ kỷ nguyên công nghiệp. Theo Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu, khoảng 14% san hô trên thế giới đã biến mất từ ​​năm 2009 đến 2018, diện tích này gấp 2,5 lần Vườn quốc gia Grand Canyon ở Mỹ. Mặc dù che phủ chưa đến 1% đáy đại dương, các rạn san hô hỗ trợ hơn 25% đa dạng sinh học biển, bao gồm rùa, cá và tôm hùm, khiến chúng trở thành mảnh đất màu mỡ cho ngành đánh bắt cá toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại