Pha ghi bàn của Messi vào lưới Nigeria là một tình huống xử lý tinh tế và đẫm chất thiên tài. Đường chuyền của Banega đưa Messi vào tình huống đối mặt là chiếc chìa khóa mở ra một kho báu của Argentina nói riêng, và của bóng đá thế giới nói chung. Nhưng đó đã là chuyện của ngày hôm qua, còn ngày hôm nay, bám vào pha bóng ấy để sống là ảo tưởng đến mức hoang đường.
Trước đội tuyển Pháp, Lionel Messi là người tung ra nhiều pha kết thúc nhất, hơn tất cả những cầu thủ có mặt trên sân. Nhưng trong số 4 pha kết thúc của Messi, chỉ có duy nhất 1 cú trúng khung thành đối phương. Phút 85 ấy, số 10 của Argentina có một cú thoát người ngoạn mục, đối mặt với Lloris, để rồi tung ra cú sút chân phải nhẹ hều, khiến bóng từ từ lăn vào tay của thủ thành người Pháp.
Cú sút ấy là hình ảnh phản chiếu rõ nhất của một Messi thảm hại, một Messi ảo tưởng về sức mạnh của mình, một Messi lu mờ toàn diện trước một Mbappe trẻ trung và rực sáng, một Messi có 2 pha kiến tạo, nhưng không thể che lấp đi sự bất lực đến mức đáng thương hại.
Một Messi giành về mình quyền lực tối thượng ở đội tuyển Argentina, chọn Pavon thay vì một Aguero đầy sức mạnh và sự tính quái, thậm chí còn bắt Ircadi - vua phá lưới Serie A phải ngậm ngùi ở nhà. Quyền lực càng cao, thì gánh nặng trách nhiệm càng lớn, và gánh nặng mang tên Argentina đổ sập trên đôi vai bé nhỏ của một cầu thủ vĩ đại, nhưng ảo tưởng tột độ. Dưới cái bóng của Maradona, Messi nhỏ bé đến tội nghiệp.
Chẳng có gì thú vị hơn là tỏa sáng trong một trận đấu mà ở bên kia chiến tuyến là một cầu thủ vĩ đại, mặc cùng số áo, và cũng được trông đợi như mình. Trước Messi, Mbappe đã có một trận đấu đỉnh cao, để người ta thấy cậu xuất sắc hơn đối thủ nhiều, chí ít là trong trận đấu này.
Một pha bứt tốc băng đi như một con báo, khiến Marcos Rojo phải hoảng loạn kéo ngã mình, trong khi đường bóng ấy dù có khống chế thành công, thì góc sút cũng đã là cực kỳ hẹp. Mbappe đâu chỉ đi bóng, cậu vồ thẳng vào mặt Rojo, khiến đối phương ngạt thở, quay cuồng trong sự sợ hãi.
Hai bàn thắng, một bằng chân trái, một bằng chân phải. Hai bàn thắng của Mbappe định đoạt số phận của Argentina. Trong thế trận hỗn loạn, cậu nhóc ấy là người tỉnh táo nhất, dù đấu trường World Cup là sân chơi của những siêu sao, như Mbappe khẳng định trong phát biểu sau trận đấu. Cậu nhóc ấy lớn hơn cái tuổi 19 nhiều lắm, và sự lạnh lùng, tự tin ấy chẳng phải là thần thái của một cầu thủ vĩ đại đó sao?
Cú sút xa tuyệt đẹp của Angel Di Maria là một khoảng khắc đáng nhớ của trận đấu này. Pha ra chân khiến mọi tiền đạo trên thế giới đều phải thèm thuồng ngưỡng mộ của hậu vệ phải Pavard là khoảnh khắc xuất thần đưa Pháp trở lại để hạ gục Argentina, nhưng bước ngoặt định mệnh không nằm ở những pha ghi bàn ấy.
Cú ngã của Mbappe đem đến cho Pháp bàn thắng mở tỷ số trên chấm phạt đền. Bàn thắng ấy, không chỉ là bước đầu của tấm vé thông hành đưa họ đi tiếp vào vòng tứ kết, và nó là bước ngoặt phá vỡ một khởi đầu êm ả, đưa trận đấu vào thế trận đôi công, vào thế đấu súng, tạo nên một màn rượt đuổi tỷ số kịch tính chưa từng có ở kỳ World Cup lần này.
Và một khi trận đấu được khởi đi theo cách như thế, không có bất kỳ ai có thể ngăn nó bị cuốn vào cơn lốc của những màn đua tranh đỉnh cao thế giới. Hãy nhớ hai trận đấu đáng chán của Pháp trước Peru và Đan Mạch, để thấy rằng bước ngoặt ấy khiến họ phải bung sức mạnh, làm bước chạy đà hoàn hảo cho chiến dịch chinh phục chiếc cúp vàng World Cup lần này.
Và người Pháp phải cảm ơn Mbappe cho pha xuất phát ngoạn mục ấy.
Trong bộ phim "Loving Pablo" đang được CGV chiếu tại Việt Nam, cuộc đời của tay trùm ma túy Colombia - Escobar, được chia làm hai nửa. Nó cũng là hai nửa ứng với sự khác biệt như trời biển của Pháp và Argentina, của Mbappe và Messi trong trận đấu này.
Trước khi dấn thân vào chính trị, Pablo Escobar chẳng có gì ngoài tiền. Và dưới tay của Escobar là một hệ thống vận hành hoàn hảo để khiến tiếng nói của ông trùm này phủ sóng khắp đất nước Nam Mỹ này.
Tham vọng, cùng với sự đối phó với chiêu bài của Mỹ về luật dẫn độ đã đưa Escobar dấn thân vào cuộc chiến mà mình chưa từng nắm đằng chuôi, để rồi phải nhận cái kết đau đớn và nhục nhã.
Pháp là đại diện của nửa trước. Họ sở hữu đội hình đắt giá nhất World Cup 2018, với những cái tên "khủng" như Mbappe, như Pogba, như Kante. Họ được dẫn dắt bởi một nhà vô địch World Cup. Và trên hết, họ vận hành theo một hệ thống chặt chẽ, với ý thức chiến thuật rõ ràng và được tuân thủ tuyệt đối.
Cầu thủ đắt giá nhất của đội bóng đắt giá nhất ghi đến 2 bàn thắng, để ấn định kết cục trận đấu. Nhưng trước đó, những Kante, Matuidi, Pogba - hàng tiền vệ 3 người đã làm cực tốt nhiệm vụ vô hiệu hóa một Messi siêu sao. Họ mới là những người tạo nên sự khác biệt.
Messi và Argentina đại diện cho nửa sau của Pablo Escobar. Họ dấn thân vào cuộc chiến với người cầm trịch chẳng có tý kinh nghiệm nào về cầm quân, nhưng ảo tưởng khôn cùng khi cho mình cái quyền tuyển người, sắp xếp đội hình, thậm chí là điều chỉnh chiến thuật ngay trong trận.
Bỏ chỗ sáng để đâm đầu vào chỗ tối, thất bại của Messi và đồng đội đã được báo trước từ vòng đấu bảng. Họ chiến đấu trong cuộc chiến không phải của chính mình, cho một kẻ vĩ cuồng đến mức mông muội.
Messi từng là sự khác biệt của Barca trong vai trò một ngôi sao sáng rực trên sân cỏ. Hôm nay, Messi cũng tạo nên sự khác biệt, nhưng là trong phòng thay quần áo. Nói cho cùng, bóng đá vẫn là môn thể thao của tập thể, và nếu có ai đấy nghĩ mình có thể một tay che được hết bầu trời, thì thất bại chính là định mệnh. Đừng khóc cho Messi, bởi anh không xứng đáng!