Sẽ có nhiều người khi lựa chọn trái cây chỉ quan tâm nhiều đến giá cả cũng như chất lượng của loại định mua thông qua việc lựa chọn trực tiếp.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý hơn đến mã số dán trên từng loại hoa quả. Đây chính là chỉ số chứa nhiều thông tin, giúp bạn phân biệt được lượng hóa chất có trong trái cây cũng như tình trạng xuất xứ, nguồn gốc của từng loại.
Hầu hết ở các cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, trái cây nhập khẩu được bán đều có đầy đủ tem mác với chỉ số rõ ràng.
Bạn có thể chú ý kỹ một chút ở tem mác này để biết được thông tin về loại trái cây mà mình mua như nhà cung cấp, nơi nhập khẩu, trái cây trồng với quy trình nào, có biến đổi gen hay không, nhập khẩu từ nước nào...
Những dãy số in trên tem dán ở mỗi loại trái cây được gọi là mã số PLU (Price Look Up Code). Mã code PLU được công bố và kiểm soát bởi Hiệp hội quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm.
Đây là tổ chức toàn cầu phân phối mã code cho tất cả các sản phẩm trái cây lưu thông trên toàn thế giới. Mã số thường có từ 4 đến 5 số. Nhờ mã số này bạn có thể biết được cách thức trồng loại quả tại các nước khác nhau.
Trái cây có in 4 chữ số
Với tem nhãn in 4 chữ số thường bắt đầu bằng số 3 hoặc 4. Đây được xem là ký hiệu các loại trái cây được trồng theo phương pháp của nửa cuối thế kỷ 20, có sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón nhân tạo...
Dòng mã số bắt đầu bằng số 3 là ký hiệu trái cây được xử lý theo công nghệ bức xạ ion hóa.
Công nghệ sử dụng nguồn năng lượng ion để xử lý thực phẩm giúp vô hiệu hóa khả năng sinh sản của vi sinh vật, kể cả dạng sinh dưỡng, bào tử, kí sinh trùng, siêu vi trùng... nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.
Với loại trái cây có dán tem bắt đầu bằng số 3, bạn cần rửa kỹ khi ăn và tuyệt đối không ăn vỏ hay sử dụng vỏ để chế biến món ăn.
Một số loại trái cây có dán tem bắt đầu bằng số 3 thường được nhiều người lựa chọn bởi độ tươi, bắt mắt, giá cả khá mềm.
Ví dụ Kiwi có giá 80- 150 nghìn đồng/1kg, táo 60 - 80 nghìn đồng/1kg, nho có giá 50 - 70 nghìn đồng/1kg, lê Nam Phi: 80 - 120 nghìn đồng/1kg.
Với trái cây có mã số bắt đầu bằng số 4 được trồng bằng phương thức canh tác truyền thống, có sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón vô cơ... nhưng theo liều lượng chuẩn.
Ví dụ Kiwi có giá 200 - 250 nghìn đồng/1kg, táo 90 - 150 nghìn đồng/1kg, nho có giá 120 - 150 nghìn đồng/1kg, lê Nam Phi: 150 - 180 nghìn đồng/1kg.
Khi mua loại trái cây này về cũng cần sơ chế kỹ bằng nước sạch, ngâm nước muối và gọt vỏ trước khi ăn.
Trái cây có in 5 chữ số
Loại mã số có 5 chữ số, thường bắt đầu bằng số 8 là loại trái cây biến đổi gen.
Thông thường, nếu dãy số bắt đầu bằng số 8, bạn nên cân nhắc trước khi mua vì đây là sản phẩm sử dụng công nghệ biến đổi gen... giúp trái cây có kích thước to hơn, màu sắc hấp dẫn hơn.
Hiện chưa có nghiên cứu khẳng định sản phẩm biến đổi gen ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có nhiều luồng ý kiến về vấn đề này. Có nhiều người cho rằng thực phẩm biến đổi gen giàu chất dinh dưỡng hơn so với thực phẩm truyền thống.
Trong khi một bộ phận khác lại cho rằng, trái cây biến đổi gen làm tăng nguy cơ dị ứng, kháng kháng sinh và có thể gây độc cho cơ thể...
Tuy nhiên, là người tiêu dùng, bạn nên cân nhắc và không nên coi thường những nguy cơ tiềm ẩn từ loại thực phẩm này.
Các loại trái cây biến đổi gen thường có giá rẻ hơn một chút so với trái cây có tem dán bắt đầu từ số 4.
Trái cây hữu cơ
Dãy số bắt đầu bằng số 9 được khuyên nên mua bởi đây là loại trái cây hữu cơ, được trồng từ hạt giống truyền thống.
Người trồng sử dụng phân bón hữu cơ được ủ mục từ xác động vật, phân động vật hay phân trộn từ các cây cỏ mục nát.
Phương thức canh tác an toàn khi trồng cây trên đất sạch, diệt trừ sâu bọ bằng thiên địch hoặc biện pháp sinh học khác. Giá của loại trái cây này cũng thường cao gấp 3 - 5 lần so với trái cây thông thường.
Ví dụ Ví dụ Kiwi có giá 300 - 350 nghìn đồng/1kg, táo 230 - 280 nghìn đồng/1kg, nho có giá 250 - 350 nghìn đồng/1kg, lê Nam Phi: 250 - 350 nghìn đồng/1kg.
Trái cây hữu cơ cần tuân thủ theo các quy chuẩn nghiêm ngặt được thiết lập bởi các nước và các tổ chức thương mại quốc tế. Cụ thể như:
Úc: NASAA
Liên minh Châu Âu: EU - Eco
Ấn Độ: NPOP (Chương trình quốc gia về sản xuất hữu cơ)
Indonesia: BIOCert do Bộ Nông Nghiệp Indonesia cấp
Nhật Bản: JAS
Hoa Kỳ: Chương trình Hữu cơ Quốc gia NOP
Bên cạnh việc chú ý đến mã số PLU trên mỗi loại trái cây, tem còn có in xuất xứ như New Zealand, USA, Japan... để bạn dễ dàng biết được loại mình mua được trồng ở đâu.
Với những loại trái cây không có nhãn mác hoặc nhãn được in không rõ ràng, bạn nên cân nhắc trước khi mua bởi chất lượng có thể không được kiểm định.
Nếu sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.