Xem phim cung đấu, ai nấy đều hồi hộp trước những màn mưu kế đầy hiểm độc chốn thâm cung. Khán giả không biết rằng nhân vật mình yêu thích sẽ có kết cuộc như thế nào, hay dăm ba bữa lại phải thương xót cho số phận éo le của nàng.
Tuy nhiên, có 1 nhân vật dù là chính hay phụ, dù nhân từ hay thủ đoạn thì đến cuối cùng đều ở ngôi vị cao cao tại thượng. Bởi vì bà được xây dựng dựa trên nhân vật lịch sử có thật.
Không ai khác, đó chính là Nữu Hỗ Lộc thị, dưới thời Ung Chính trở thành Hi Quý phi. Và sau khi con trai Hoằng Lịch lên ngôi Càn Long Đế, bà được tôn xưng là Sùng Khánh Hoàng thái hậu.
Trên màn ảnh nhỏ, khán giả đã được thấy vị phi tần xuất chúng Nữu Hỗ Lộc Chân Hoàn trong phim Chân Hoàn Truyện . Trước đó có Lão Phật gia trong Hoàn Châu Cách Cách .
Và mới đây, nhân vật này lại được khắc họa qua 2 phiên bản Sùng Khánh Hoàng Thái hậu trong các phim cung đấu đình đám Diên Hi Công Lược và Như Ý Truyện .
Những nhân vật Hi Quý phi / Sùng Khánh Hoàng thái hậu trên màn ảnh nhỏ, nếu không phải minh tinh thì cũng là các diễn viên gạo cội thủ vai.
Trên phim, thái hậu thét ra lửa nhưng kỳ thực, theo sử sách ghi chép, bà là người thông tuệ, phúc hậu và suốt đời được kẻ trên người dưới nể trọng.
Dù vậy, có 1 điểm chung dễ thấy giữa phim và sử: Bà ở địa vị tối cao, con cháu đầy đàn. Nếu so với Từ Hy Thái hậu nổi tiếng thì còn trường thọ hơn, lại sống vào thời "Khang Càn thịnh thế", mọi vinh hoa phú quý trong thiên hạ đều từng nếm trải.
Sùng Khánh Hoàng thái hậu là người thọ nhất trong số các Thái hậu nhà Thanh, thậm chí vẫn đứng đầu nếu xét trong lịch sử các vương triều Trung Quốc.
Xuất thân cơ hàn ít ai biết, và dấu mốc thay đổi cả cuộc đời
Mặc dù đại gia tộc Nữu Hỗ Lộc rất được trọng vọng, nhưng riêng gia đình bà chỉ là 1 nhánh xa, cuộc sống không khác người bình dân là bao.
Năm Khang Hi thứ 43, khi mới 13 tuổi, Nữu Hỗ Lộc thị đã được gả vào phủ Ung Thân vương với danh phận "Cách cách" (vợ thứ, vai vế không đáng kể). Chi tiết này hầu như không xuất hiện một cách chính xác trên phim ảnh.
Sự thật là Nữu Hỗ Lộc thị vào phủ thân vương với danh phận cách cách và hoài thai quý tử Hoằng Lịch trước khi trở thành Hi Quý phi (Ảnh: phim "Chân Hoàn Truyện").
Khoảng 7 năm sau, khi tròn 20 tuổi, bà sinh hạ người con thứ tư cho Ung Thân vương là Hoằng Lịch. Mười năm sau đó, Hoằng Lịch được theo phụ thân đến bái kiến Khang Hi Đế.
Vua Khang Hi thấy hoàng tôn thông minh hơn người thì rất mực yêu thích, đón vào cung dạy dỗ. Cách cách Nữ Hộ Lộc thị do đó cũng được khen ngợi biết dạy con, được chính vua Khang Hi ưu ái nhận xét là "phúc hậu lạ kỳ".
Trở thành Hi Quý phi và từng bước làm chủ lục cung
Nữu Hỗ Lộc thị xuất thân trong gia đình không quá hiển hách, tuy nhiên phần đời sau của bà nhờ chồng và con là bậc đế vương mà hưởng ân đãi tuyệt đối.
Năm 1722, vua Khang Hi băng hà, Ung Thân vương lên ngôi Ung Chính Hoàng đế. Thê thiếp từ phủ thân vương cũng được tấn phong ngay sau đó.
Đích Phúc tấn Ô Lạt Na Lạp thị sắc phong lên Hoàng hậu, Trắc Phúc tấn Niên thị được lập làm Quý phi, Trắc Phúc tấn Lý thị tấn phong làm Tề phi, còn Cách cách Nữu Hỗ Lộc thị làm Hi phi.
3 nhân vật Ô Lạt Na Lạp Hoàng hậu, Niên Quý phi và Hi phi trong phim "Chân Hoàn Truyện".
Vốn dĩ ngày xưa Nữu Hỗ Lộc thị chỉ là người có vai vế thứ 4 trong số nữ nhân phủ thân vương, theo lệ chỉ được phong tước Tần.
Thế nhưng, do bà từng chăm sóc Ung Chính hết lòng khi ông ngã bệnh, lại có con trai Hoằng Lịch thông minh hết phần thiên hạ, nên được ưu ái phong tước Phi.
Trong cung, địa vị của bà cao thứ 3 sau Hoàng hậu và Niên Quý phi, ngang hàng với Tề phi. Vua Ung Chính đăng cơ được 3 năm thì Niên Quý phi qua đời. 6 năm sau, Hoàng hậu cũng tạ thế. Lúc bấy giờ, Tề Phi do có nhi tử lỗ mãng nên dần thất sủng.
Thời thế đưa đẩy, cuối cùng Hi Phi tiến thêm 1 bước trở thành Hi Quý phi, danh chính ngôn thuận thống lĩnh cả hậu cung.
42 năm trên ngôi Sùng Khánh Hoàng Thái hậu
Sau khi trị vì 12 năm, vua Ung Chính băng hà. Tứ a ca Hoằng Lịch lên ngôi Càn Long Đế. Tân đế ra chỉ tôn mẫu thân là Hi Quý phi trở thành Sùng Khánh Hoàng Thái hậu.
Vua Càn Long rất hiếu thảo với hoàng ngạch nương, đưa bà đi du ngoạn khắp nơi, đồng thời cũng hỏi ý kiến bà trong một số công việc. Khi Thái hậu tuổi đã cao, hoàng đế cũng dừng mọi chuyến du ngoạn và chỉ tiếp tục xuất hành khi bà qua đời.
Chi tiết Thái hậu thưởng ngoạn phố Tô Châu ngay giữa kinh thành trong phim "Diên Hi Công Lược", hóa ra 1 phần bắt nguồn từ sử sách.
Năm mừng đại thọ 60 tuổi của Thái hậu, mọi thứ chuẩn bị vô cùng tráng lệ. Càn Long muốn bà được nhìn ngắm phong cảnh phương nam của Trung Quốc ngay tại Tử Cấm Thành, bèn ra lệnh xây nên 1 phố thị theo phong cách Tô Châu.
Thái giám, nô tỳ đã đóng giả người mua kẻ bán tấp nập để mô phỏng cuộc sống Tô Châu ngày thường, khiến Thái hậu đặc biệt yêu thích.
Vị Thái hậu thọ nhất thời Thanh và lòng hiếu thảo của vua Càn Long
Năm Hoàng Thái hậu 86 tuổi, vua Càn Long cũng đã 67 tuổi. Ông nghĩ, đợi đến đại thọ 90 tuổi của Thái hậu thì bản thân cũng là 71 tuổi lão nhân, nhất định phải tổ chức thật long trọng.
Ai ngờ giữa tháng 1 ở Bắc Kinh lạnh giá, Thái hậu đột nhiên không khỏe. Hoàng đế sang hầu bà cơm tối mỗi ngày, không hề lơ là. Bệnh tình cũng không quá nghiêm trọng mà chỉ là bỗng dưng bị cảm.
Tranh vẽ Sùng Khánh Hoàng Thái hậu, và vua Càn Long lúc mới đăng cơ.
Nhưng khoảng mấy tuần sau, tình hình chuyển biến xấu đi. Vào 1 đêm mùa xuân, Thái hậu qua đời, hưởng thọ 86 tuổi. Vua Càn Long đau buồn, cho cử hành tang lễ hết mực kính cẩn.
Nhìn lại cuộc đời Nữu Hỗ Lộc thị, thời trẻ, bà may mắn được gả cho bậc đế vương, giúp gia đình nở mày nở mặt.
Dưới thời Ung Chính Đế hưng thịnh mà ngắn ngủi, bà cũng nhận lấy ân sủng, trở thành "vạn phụng chi vương"!
Về sau, bà chính là Sùng Khánh Thái hậu mà mỗi tiếng nói, bước chân đều được cả triều đình nghiêng mình kính nể.
Không những trường thọ mà người phụ nữ này còn sống qua 3 triều đại huy hoàng của nhà Thanh là Khang Hi - Ung Chính - Càn Long, quả thật là nhân vật có 1-0-2 trong lịch sử các triều đại ở Trung Quốc.
(Tổng hợp)