Tại một sự kiện hồi tháng 9, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rút quân đội Mỹ trở về nước. Nhưng trên thực tế, người Mỹ đã ở lại Syria để bảo vệ các mỏ dầu cũng như giữ lại sự hiện diện của mình tại đây.
"Tôi thích dầu", ông Trump nói, đề cập đến các mỏ dầu ở miền Bắc Syria, nơi nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng người Kurd. Vì lợi ích đến từ các mỏ dầu này, Tổng thống Mỹ đã quyết định để lại một nhóm quân ở Syria.
Giới quan sát tin rằng, người Mỹ chưa bao giờ muốn rời bỏ Syria, bởi lợi ích tại đây vẫn chưa bao giờ cạn kiệt.
Vì sao Nga tức giận?
Nga đã tỏ ra phẫn nộ trước sự hiện diện còn sót lại của quân đội Mỹ và cáo buộc đây là hành động chiếm giữ các mỏ dầu bất hợp pháp, thâu tóm 30 - 40 triệu USD mỗi tháng vốn lẽ ra thuộc về người Syria.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mike Esper cảnh báo Nga và Syria không được đến gần các mỏ dầu này.
Theo Haaretz, Mỹ không thực sự cần các mỏ dầu ở Syria bản thân quốc gia này có thể tự sản xuất tất cả những gì cần thiết. Nhưng việc duy trì quyền kiểm soát các mỏ dầu ở Deir El-Zor và al-Hasakah mang lại cho Mỹ một cái cớ để giữ lại quân ở quốc gia Trung Đông.
Trước những chỉ trích gay gắt về quyết định rút lực lượng khỏi Trung Đông của ông Trump, sự hứng thú về dầu của ông Trump thực sự có thể là hướng đi khác nhằm tăng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng ông đang cân nhắc ký một thỏa thuận với ExxonMobil, để tập đoàn khai thác các mỏ dầu này.
Nhưng đã có những câu hỏi về việc liệu giới lãnh đạo ExxonMobil có đồng ý hợp tác trong một khu vực có tương lai không ổn định khi xung đột vẫn đang hoành hành khắp nơi hay không.
Bảo vệ mỏ dầu là một cách để ông Trump giữ quân lại Syria.
Tuy nhiên, đây có thể là bước đi có tính toán của ông Trump. Lý do thực tế cho việc kiểm soát của Mỹ đối với các mỏ dầu này là kiếm về nguồn tài chính để tiếp tục viện trợ cho người Kurd mà không ảnh hưởng đến nguồn tiền ngân sách của Mỹ.
Đối với Syria, sự kiểm soát của Mỹ đối với các mỏ dầu này là một đòn đánh kinh tế nghiêm trọng. Lượng dầu do Syria sản xuất trước chiến tranh là tương đối nhỏ.
Số liệu chính thức của Chính phủ cho thấy trong năm cao điểm 1966, Syria đã sản xuất 600.000 thùng mỗi ngày. Từ năm đó, con số đã giảm dần và ngừng hẳn khi khủng bố IS chiếm đóng các mỏ dầu.
Mục tiêu khó khăn của Mỹ
Lợi nhuận từ mỏ dầu có thể giúp Mỹ viện trợ tiếp cho người Kurd.
Lầu Năm Góc không cho biết có bao nhiêu lực lượng sẽ ở lại Syria cho nhiệm vụ mới. Các quan chức giấu tên tiết lộ tổng số có thể ít nhất là 800 quân, trong đó có khoảng 200 quân đang hiện diện tại căn cứ al-Tanf ở miền Nam Syria.
Về cơ bản, lực lượng Mỹ có thể bảo vệ các mỏ dầu khỏi rơi vào tay khủng bố, nhưng trước lực lượng Chính phủ Syria hoặc các lực lượng khác lại rất khó.
"Mỹ không phải chỉ xung đột với Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, điều này khiến cho mục tiêu trở nên khó khăn hơn", Stephen Vladeck, giáo sư chuyên về luật an ninh quốc gia tại Đại học Texas nói với VOA.
Lực lượng Mỹ có hạn, trong khi các mỏ dầu lại dàn trải ở nhiều nơi. Một khi quân đội Chính phủ Syria cố gắng chiếm lại một phần các cơ sở dầu mỏ, thì hiện tại không rõ Mỹ có thể phản ứng như thế nào.
Về phần mình, Nga đã kiên quyết phản đối việc Mỹ chiếm đóng các mỏ dầu bất hợp pháp ở Syria. Trong các tuyên bố của mình, Moscow khẳng định sẽ không hợp tác với Mỹ trong việc kiểm soát và khai thác các mỏ dầu ở Syria, vì chúng thuộc về đất nước và người dân nơi đây.
"Chúng tôi sẽ không hợp tác với người Mỹ về dầu ở Syria", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Vershinin nói với hãng thông tấn TASS. "Đây là vấn đề liên quan đến dầu của Syria, vốn là tài sản của người Syria. Chúng tôi tin rằng người dân Syria phải được quản lý tài nguyên thiên nhiên của họ, bao gồm cả dầu mỏ".
Phát biểu của ông Vershinin một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của Nga cho rằng hành vi của Mỹ là bất hợp pháp và việc khai thác các mỏ dầu là vi phạm luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông.