"Vác chuối" 1 năm ở Israel và "giọt mồ hôi mặn đắng" của chàng sinh viên Bến Tre

Ngân Hà |

Dù tốt nghiệp ngành Kinh tế, nhưng chàng trai trẻ quyết định sang Israel thực tập về nông nghiệp. Sau gần 1 năm, ngoài số vốn 150 triệu đồng tích lũy, những “giọt mồ hôi mặn đắng” còn mang lại cho 9x Việt nhiều trải nghiệm quý giá.

"Tốt nghiệp ngành Kinh tế, tôi không làm việc văn phòng vì… ngồi phòng lạnh là nhức đầu, đành chọn giải pháp đổ mồ hôi!"

Đó là câu trả lời hóm hỉnh của Phạm Minh Thông (SN 1996) khi được hỏi lý do vì sao một chàng sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Thẩm định giá, trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lại chọn thực tập về nông nghiệp tại Israel.

Đất nước với khí hậu và địa lý khắc nghiệt, nhưng lại có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới đã thu hút chàng trai quê Bến Tre xuất thân từ gia đình làm nông kiểu truyền thống, ngay từ lần đầu tiên tìm hiểu.

Vác chuối 1 năm ở Israel và giọt mồ hôi mặn đắng của chàng sinh viên Bến Tre - Ảnh 1.

Trở về nước sau một năm thực tập tại nông trại ở Israel, Phạm Minh Thông chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị

Nói về quyết định có phần khác thường so với những bạn cùng tốt nghiệp trường Kinh tế khi ấy, Minh Thông chia sẻ:

"Có rất nhiều bạn thắc mắc mình học kinh tế mà đi tu nghiệp nông nghiệp làm gì, mình chỉ mỉm cười nghĩ: Nông nghiệp với kinh tế đâu có đối lập nhau. 

Ngược lại, nông nghiệp còn mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu biết áp dụng công nghệ và tính toán hợp lý.

3 năm trước, khi lần đầu đọc Quốc Gia Khởi Nghiệp, mình đã mê mẩn những thành tựu mà Israel đạt được, ấn tượng nhất là sự thần kỳ trong nông nghiệp, từ đó mình quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về Nông nghiệp Công nghệ cao.

Mình bắt đầu tham gia nhiều khóa học về Nông nghiệp Công nghệ cao. Cuối cùng là quyết định sang Israel thử sức để hiểu được điều gì đã giúp cho đất nước này tạo nên được kỳ tích như vậy. Mình hy vọng khi về, bản thân sẽ trưởng thành và có nhiều cơ hội khởi nghiệp thành công".

Vác chuối 1 năm ở Israel và giọt mồ hôi mặn đắng của chàng sinh viên Bến Tre - Ảnh 2.
Vác chuối 1 năm ở Israel và giọt mồ hôi mặn đắng của chàng sinh viên Bến Tre - Ảnh 3.

Hơn một năm trước, để có 40 triệu làm thủ tục sang Israel thực tập, Minh Thông đã tìm đến nông trại chuối của một người anh xin làm công nhân và phụ bán chuối.

"Mình làm mọi thứ ở nông trại (farm), từ chăm cây con, trồng cây, bốc vác, cắt chuối đóng thùng, giao hàng chuối giống, hỗ trợ làm đất cho nông dân.

Vì không muốn mượn tiền ai và nhà cũng không khá giả gì nên mình gắng làm mọi thứ - miễn sao không vi phạm đạo đức, pháp luật - để có tiền cho chuyến bay.

Mình là con nhà nông chính gốc ở Bến Tre, năm nhất Đại học đã thoát ly khỏi gia đình, tự lập tất cả 100% chưa xin bố mẹ đồng nào.

Mình đi buôn bán xuôi ngược, trên xe lúc nào cũng quần áo và gấu bông (hàng bán), rồi nhiều lần bị hăm doạ lừa lọc… Tốt nghiệp Đại học, mình không vào văn phòng làm vì thấy ngồi phòng máy lạnh là nhức đầu, nên chọn giải pháp đổ mồ hôi.".

Tích cóp đủ tiền làm thủ tục đi thực tập ở Israel, Phạm Minh Thông tiếp tục hành trình "đổ mồ hôi" nơi xứ người.

"Những giọt mồ hôi mặn đắng nơi xứ người"

Không chỉ đơn thuần là một khóa thực tập để lấy điểm, sang Israel, Minh Thông và những thực tập sinh như anh phải làm việc như một người nông dân thực thụ ở các nông trại. Học được gì, họ phải ứng dụng ngay trên thực tế.

"Giọt mồ hôi mặn đắng nơi xứ người" - câu chuyện của chàng trai trẻ khiến nhiều người suy ngẫm

Ban đầu, chàng sinh viên vừa rời khỏi ghế giảng đường Đại học không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí chán nản vì không chịu được áp lực.

"Mỗi ngày mình phải làm việc 10 tiếng đồng hồ, vác buồng chuối nặng 40-50kg. Đến mùa đông, sáng dậy đi làm là cực hình vì tiết trời buốt giá 8-10 độ C, có khi mưa đá nữa.

Đầu tiên cũng khóc than, cũng ngại, cũng nản, muốn bỏ về, nhưng rồi chả có gì nghiêm trọng cả, làm mãi thành quen.

Bây giờ có thể vác chuối hai vai hai buồng, buồng mấy chục ký, trời nóng lạnh gì cũng không vấn đề. Một tô cơm nguội, đổ nước lạnh vào mình vẫn ăn ngon lành cho no bụng, cho xong bữa, rồi làm việc.

Ngày bọn mình tốt nghiệp, CEO của Agrostudies phát biểu: tiền và các khoản đầu tư có thể đến rồi đi, nhưng điều đọng lại mãi là trải nghiệm và tư duy của các bạn. Thành bại tại tư duy.

Ông dặn: các bạn được đào tạo không phải để về đi xin việc, Israel đào tạo để các bạn về nước để vận hành cơ nghiệp của mình, nhất là ở quê nhà hoặc những nơi xa xôi hẻo lánh. 

Mình nghĩ, còn trẻ thì phải mạnh dạn dấn thân vì nó sẽ cho chúng ta những trải nghiệm không đâu có được. Thất bại là tốt, sẽ cho chúng ta kinh nghiệm để xây dựng lại".

Vác chuối 1 năm ở Israel và giọt mồ hôi mặn đắng của chàng sinh viên Bến Tre - Ảnh 5.

Câu chuyện về trải nghiệm đáng nhớ của Minh Thông trong suốt một năm thực tập ở Israel đã thực sự thu hút sự quan tâm và truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ.

Dù phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt trên nông trại, nhưng chàng trai Bến Tre cảm thấy rất vui và xứng đáng.

Minh Thông cho rằng: "Dù phải vắt kiệt sức lực, nhưng đổi lại mình được rèn luyện, học hỏi. Còn trẻ, trí chưa có nhiều thì lấy sức ra đổi vậy. Sau khi học về, mình sẽ nghĩ khác, làm khác".

Sau một năm sang học tập và làm việc tại Israel, Minh Thông được cung cấp kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại, cách làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả và trau dồi khả năng ngoại ngữ trong môi trường quốc tế.

Chàng trai trẻ còn tích góp được 150 triệu đồng, số tiền các chủ nông trại trả công trong quá trình làm việc ở nông trại của họ.

Ngoài ra còn rất nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá mà không sách vở, trường lớp nào có được: "Gần một năm ở xứ người, mình nhận ra điểm chung của những ông chủ Israel là rất chủ động, tinh thần tiếp thu và tự học cực kỳ cao.

Như ở farm mình thực tập, các boss trồng mới nhiều loại cây không phải bản địa như na, vải... Cứ thị trường có nhu cầu và đạt hiệu quả kinh tế là họ cho trồng. 

Nông dân không bao giờ bán sản phẩm trồng ra dưới dạng thô cho thương lái mà họ tự chế biến, tự đóng gói rồi mới bán. Làm như vậy thì giá nông sản tại vườn sẽ tăng lên rất nhiều lần. Ngoài ra, nông dân Israel làm marketing rất tốt.

Ngay cả cách mà cô giáo phụ trách đối xử nhiệt tình với bọn mình cũng làm mình rơi nước mắt khi nhớ về, học tập được nhiều kỹ năng sống. Cô như là mẹ vậy, lo tới việc nhắc nhở vệ sinh phòng ngủ, nhà bếp, chùi bồn cầu các kiểu...

Phòng của người Do Thái rất ngăn nắp gọn gàng, họ rất quan trọng chuyện đó, và luôn nhắc nhở sinh viên."

Vác chuối 1 năm ở Israel và giọt mồ hôi mặn đắng của chàng sinh viên Bến Tre - Ảnh 6.

Minh Thông (bên phải) mua được mảnh đất nông nghiệp rộng 2 hecta để làm nông trại

Số tiền 150 triệu tích lũy được sau một năm "vác chuối" 10 tiếng mỗi ngày ở Israel, Minh Thông gửi về Việt Nam nhờ một người anh quen biết mua đất làm nông trại, mong muốn ứng dụng có chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của Israel để làm nông nghiệp tại quê nhà.

"Anh ấy không phải bà con ruột thịt mà chỉ là người mình quen, anh em chung lý tưởng sống và tin tưởng nhau.

Mình ở nước ngoài, gửi 150 triệu về, thêm 100 triệu tiền bán gấu bông thời sinh viên, anh cho mượn 50 triệu nữa, đủ để nhờ anh mua 2 hecta đất nông nghiệp ở một xã miền núi thuộc tỉnh Khánh Hòa." – 9x Bến Tre cho hay.

Hiện tại, Minh Thông đang ngày ngày dồn hết công sức, tâm huyết để gây dựng, phát triển nông trại của riêng mình.

Câu chuyện về những "giọt mồ hôi nơi xứ người" của chàng trai Bến Tra hiện vẫn đang thu hút sự chú ý và truyền được cảm hứng sống, làm việc cho rất nhiều người trẻ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại