Giới siêu giàu Nga biến Síp thành Moscow của Địa Trung Hải

Minh Hạnh |

Hơn 1.000 người Nga đã nhận được hộ chiếu Síp thông qua chương trình đầu tư “mua” quốc tịch, theo thống kê của Al Jazeera dựa trên 1.400 tài liệu bị rò rỉ mang tên “Hồ sơ Síp”.

Moscow của Địa Trung Hải

Hồ sơ Síp bao gồm 1.471 đơn đăng kí, trong đó có tên của 2.544 người nhận được hộ chiếu Síp từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019.

Đáng chú ý, có gần một nửa số người nhận hộ chiếu Síp mang quốc tịch Nga. Những người này buộc phải đầu tư vào Síp ít nhất 2,5 triệu USD để được nhận quốc tịch. Phần lớn trong số đó đầu tư vào bất động sản.

Việc này khiến Síp – vốn là một quốc đảo nhỏ thuộc châu Âu – được Al Jazeera ví như Moscow của Địa Trung Hải.

Tại sân bay quốc tế Larnaca (đảo Síp), những tấm biển bằng tiếng Nga có nội dung kêu gọi đầu tư xuất hiện nhan nhản. Bên cạnh đó là biển quảng cáo cho những công ty cung cấp dịch vụ nhập quốc tịch.

Giới siêu giàu Nga biến Síp thành Moscow của Địa Trung Hải - Ảnh 1.

Một tấm biển tiếng Nga có chữ Limassolgrad được dựng lên ở Limassol - thành phố lớn thứ hai ở Síp. Ảnh: Al Jazeera

Theo Al Jazeera, những người Nga nộp đơn xin quốc tịch Síp có nguồn thu chủ yếu thông qua các mối quan hệ chính trị và kinh tế. Một số người từng là quan chức, hay còn được gọi là PEP – “những đối tượng có tiếp xúc với chính trị”.

Theo các quy định mới được áp dụng vào năm ngoái, PEP hiện bị cấm mua hộ chiếu. Nhưng những PEP đã có hộ chiếu thì vẫn có thể giữ lại.

Trong số hơn 1.000 cái tên Nga trong Hồ sơ Síp, Al Jazeera xác định được ít nhất 9 nhà tài phiệt, mỗi người có tài sản hơn 1 tỷ USD. Hơn một chục người thân của các tỉ phú này cũng là công dân Síp.

Ngoài ra, còn có cựu Thứ trưởng Igor Reva, cựu Nghị sĩ Nga Vadim Moshkovich và cựu lãnh đạo một công ty đường sắt nhà nước Vitaly Evdokimenko.

Nền kinh tế Síp thịnh vượng trở lại

Síp thực hiện chương trình đầu tư “mua” quốc tịch nhằm giải cứu nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng năm 2013. Từ đó đến nay, 8 tỷ USD tiền “bán” hộ chiếu, phần lớn từ Nga, đã giữ cho nền kinh tế Síp trụ vững.

Nhờ hộ chiếu Síp, mà nhóm doanh nhân giàu có một thời của Nga đã có thể tránh xa tầm với của Moscow dù bị cáo buộc phạm tội về tài chính. Ví dụ, anh em Alexey và Dmitry Ananiev bị buộc tội tham ô từ ngân hàng mà họ thành lập. Nhưng Dmitry hiện đang sống ở Síp, còn em trai sống ở ở London.

Để đối phó với việc tiền “chảy” ra nước ngoài, Nga đã tìm cách đảo ngược tình tế, yêu cầu một hiệp ước mới nhằm tăng mức thuế áp dụng lên số tiền chuyển vào các ngân hàng Síp.

Nigel Gould-Davies, chuyên gia về Nga tại Viện Chiến lược Quốc tế (Anh) cho biết Tổng thống Putin đang gây áp lực buộc một số doanh nhân ngừng gửi tiền ra nước ngoài và đầu tư vào Nga.

Ngựa thành Troy

Hộ chiếu Síp là cuốn sổ được thèm muốn ở nhiều quốc gia, vì nó cho phép chủ sở hữu dễ dàng du lịch, làm việc và giao dịch trên khắp Liên minh châu Âu.

EU từng nhiều lần chỉ trích chương trình nhập cư của Síp, sau khi chương trình này ra đời vào năm 2013.

Đảo Síp hiện bị coi là cửa sau của châu Âu, mang đến rủi ro an ninh không nhỏ, vì những người có ảnh hưởng chính trị từ các quốc gia thù địch có thể dễ dàng xâm nhập EU.

Dưới áp lực của EU, Síp đã thay đổi quy định nhập cư vào năm 2019. Nhưng nghiên cứu của Al Jazeera cho thấy nhiều PEP đã kịp sở hữu quốc tịch Síp trước khi sự thay đổi có hiệu lực.

Vera Jourova, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu hồi năm 2018 cho biết: “Tội phạm đang gây nguy hiểm cho an ninh châu Âu, hoặc muốn tham gia vào hoạt động rửa tiền ở Síp. Chúng tôi không muốn có “Ngựa thành Troy” trong Liên minh châu Âu.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại