Cộng hoà Síp: Từ cuốn hộ chiếu được thèm muốn đến lỗ hổng nhập cư châu Âu

MINH HẠNH |

Hộ chiếu Cộng hoà Síp là cuốn sổ được thèm muốn ở nhiều quốc gia, vì nó cho phép chủ sở hữu dễ dàng du lịch, làm việc và giao dịch trên khắp Liên minh châu Âu. Nhưng nó cũng mang đến rủi ro an ninh không nhỏ, vì những người có ảnh hưởng chính trị từ các quốc gia thù địch có thể dễ dàng xâm nhập EU.

Hồ sơ Síp

Nhóm điều tra của Al Jazeera mới đây đã thu được 1.400 tài liệu rò rỉ liên quan đến bê bối nhập cư của Cộng hoà Síp - một quốc gia nhỏ ở châu Âu.

Số tài liệu này được gọi chung là Hồ sơ Síp. Trong đó có 1.471 đơn đăng kí, với tên của 2.544 người được nhận quốc tịch Síp từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019.

Những người này đến từ hơn 70 quốc gia. Trong đó có hơn 1.000 người đến từ Nga. Họ được yêu cầu đầu tư 2,5 triệu đô la Mỹ vào Síp để nhận được "hộ chiếu vàng".

Đáng chú ý, hầu hết số tiền 2,5 triệu đầu tư này đều được rót vào lĩnh vực bất động sản.

Cộng hoà Síp: Từ cuốn hộ chiếu được thèm muốn đến lỗ hổng nhập cư châu Âu - Ảnh 1.

Bản đồ đảo Síp. Ảnh: Getty

Chương trình nhập cư

Chính phủ Síp luôn nhấn mạnh rằng tội phạm không được hoan nghênh ở nước này.

Cụ thể, luật nhập cư được áp dụng từ năm 2013 yêu cầu: người nộp đơn phải có lí lịch trong sạch, và không có tài sản ở Liên minh châu Âu (EU) bị đóng băng vì các lệnh trừng phạt.

Bộ Nội vụ nước này có quyền kiểm tra định kì, cho phép thu hồi quyền công dân của bất kỳ ai mà họ phát hiện đã vi phạm các quy tắc này.

Tuy nhiên, trên thực tế, người nộp đơn xin quốc tịch Síp phải tự nộp hồ sơ kiểm tra lý lịch của mình. Cảnh sát Síp được yêu cầu kiểm tra theo dõi trong cơ sở dữ liệu Europol và Interpol. Còn các ngân hàng phải điều tra nguồn vốn.

Năm 2019, Síp bắt đầu thắt chặt các quy định nhập cư, cụ thể người từng bị từ chối đơn xin nhập quốc tịch bởi các quốc gia EU khác cũng sẽ bị cấm nộp đơn xin quốc tịch Síp.

Những đối tượng khác cũng bị cấm nộp đơn bao gồm: những người bị điều tra hình sự (ngay cả khi chưa bị buộc tội), bị cáo bị truy tố hình sự, người từng nhận án tù vì các tội nghiêm trọng như hối lộ hoặc trốn thuế, những người đã hoặc đang bị Interpol/Europol điều tra, các PEP...

Cộng hoà Síp: Từ cuốn hộ chiếu được thèm muốn đến lỗ hổng nhập cư châu Âu - Ảnh 2.

Bến tàu trên đảo Síp. Ảnh: Getty

PEP là gì?

Hộ chiếu Síp là cuốn sổ được thèm muốn ở nhiều quốc gia, vì nó cho phép chủ sở hữu dễ dàng du lịch, làm việc và giao dịch trên khắp Liên minh châu Âu.

EU từng nhiều lần chỉ trích chương trình nhập cư của Síp, sau khi chương trình này ra đời vào năm 2013.

Đảo Síp hiện bị coi là cửa sau của châu Âu, mang đến rủi ro an ninh không nhỏ, vì những người có ảnh hưởng chính trị từ các quốc gia thù địch có thể dễ dàng xâm nhập EU.

Dưới áp lực của EU, Síp đã thay đổi quy định nhập cư vào năm 2019. Nhưng nghiên cứu của Al Jazeera cho thấy nhiều "người có liên quan đến chính trị" (PEP) đã kịp sở hữu quốc tịch Síp trước khi sự thay đổi có hiệu lực.

PEP là những người được quốc tế công nhận là người "có nguy cơ tham nhũng cao hơn, vì họ hoặc các thành viên trong gia đình họ nắm giữ một số vị trí trong chính quyền".

Danh sách này bao gồm Mohammed Jameel - thành viên Cơ quan Đầu tư chung Ả Rập Saudi, Tang Yong - Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Nhà nước China Resources Power Holding, và Apurv Bagri - người đứng đầu một ủy ban thuộc Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai.

Nhóm này cũng bao gồm cựu Nghị sĩ Nga Vadim Moskovitch, tỉ phú Taha Mịati - anh trai cựu Thủ tướng Lebanon Najib Mikati...

Vì sao các PEP thèm muốn quốc tịch Síp?

Tháng 7/2020, Síp thông qua luật mới cho phép tước quyền công dân mà nước này đã cấp cho bất cứ ai được coi là gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Síp. Tuy nhiên, luật này không áp dụng với các PEP.

Dù các PEP hiện được coi là không phù hợp để trở thành công dân Síp, nhưng luật mới vẫn còn kẽ hở, vì bất cứ ai có khả năng đầu tư 2,5 triệu đô la vào Síp đều có thể sở hữu tấm hộ chiếu vàng.

Theo Al Jazeera các PEP thường nắm giữ "chìa khóa" tiếp cận những khoản tiền công khổng lồ.

Trên thực tế, các tài liệu mà Al Jazeera thu thập được không bao gồm bằng chứng chứng minh hành vi sai trái của các PEP, cũng không xác định được rủi ro tham nhũng của các PEP.

Tuy nhiên, nó đặt ra câu hỏi, rằng tại sao một người làm quan chức nhà nước lại muốn mua quốc tịch thứ hai cho bản thân và gia đình, và vì sao những người này lại có nhiều tiền đến mức có thể đầu tư ít nhất 2,5 triệu đô la vào nền kinh tế Síp.

Nigel Gould-Davies, thành viên cao cấp Viện Chiến lược Quốc tế của Anh cho biết ở nhiều quốc gia, các quan chức có được khối tài sản lớn thông qua các mối quan hệ bất chính.

Do đó, họ muốn có quốc tịch thứ hai hoặc thậm chí thứ ba để bảo vệ khối tài sản tích góp trong nhiều năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại