Giới quân sự Kiev thừa nhận đau đầu vì sát thủ Lancet-3

Hoàng Đức |

Giới quan chức quốc phòng Kiev đã phải thừa nhận rằng, UAV Lancet của Nga là sát thủ tiêu diệt thiết bị của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Giới quân sự Kiev thừa nhận đau đầu vì sát thủ Lancet-3 - Ảnh 1.

Trong thời gian qua, giới chức lãnh đạo Kiev đã nhiều lần thừa nhận sự nguy hiểm của máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) Lancet của Nga (còn được gọi là đạn bay lảng vảng Izdeliye-51/52) là sát thủ hàng loạt đối với các trang thiết bị của quân đội Ukraine.

Theo chuyên gia Mỹ Peter Suchiu viết trên cổng thông tin 19Forty five của Mỹ, UAV Lancet có khả năng thực hiện cả vai trò trinh sát và tấn công nên nó có thể bay lảng vảng trên bầu trời gần tiếng đồng hồ, kiên nhẫn chờ con mồi lộ diện và giáng đòn tấn công chết người vào các trang, thiết bị của Ukraine.

Loại UAV Nga đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với các vũ khí hạng nặng phương Tây cung cấp cho Ukraine như: Lựu pháo 155mm M777, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức, xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ, tổ hợp phòng không tự hành Gepard do Đức sản xuất, bệ phóng tên lửa RM-70 của Séc, cùng với nhiều tổ hợp radar, tên lửa phòng không...

Việc Nga sử dụng UAV Lancet để tiêu diệt pháo binh và phương tiện tự hành mặt đất trị giá hàng triệu USD của Ukraine đạt hiệu quả cao cả về phương diện chiến đấu lẫn kinh tế, bởi vì tính ra để tiêu diệt một khẩu lựu pháo chỉ cần một UAV bay chờ có giá chỉ vài ngàn đến chục ngàn USD.

Mới đây, tờ Daily Telegraph của Anh đã đăng tải bài phỏng vấn với ông Yuriy Sak - cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine về các vấn đề xoay quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn này, vị quan chức quân sự Ukraine đã thừa nhận sự nguy hiểm của máy bay không người lái Nga.

Giới quân sự Kiev thừa nhận đau đầu vì sát thủ Lancet-3 - Ảnh 3.

Các tổ hợp phòng không và tác chiến điện tử Ukraine cũng bị Lancet tiêu diệt

Vị quan chức Kiev phàn nàn rằng, lực lượng vũ trang Ukraine không có đủ phương tiện để chống lại máy bay không người lái cảm tử Lancet của Nga, trong khi phương Tây chậm trễ trong việc cung cấp cho Kiev các phương tiện điện tử để chống lại máy bay không người lái.

Còn cố vấn của người đứng đầu Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cũng nói trên tờ Economist rằng, UAV tấn công Lancet của Nga là máy bay không người lái nguy hiểm nhất đối với quân đội Ukraine, đặc biệt là đối với các tổ hợp pháo binh và các phương tiện thiết giáp trên chiến trường.

Đầu đạn phân mảnh của Lancet đã chứng minh hiệu quả cao chống lại các phương tiện không bọc thép và nhân lực, còn đầu đạn tích lũy phân mảnh chống lại các phương tiện bọc thép.

Có bằng chứng video về việc chiếc xe tăng Leopard-2 của Đức bị Lancet-3 phá hủy, khi nó xuyên thủng tháp pháo và kích nổ đạn dược trên chiếc xe tăng của Đức, được coi là hiện đại nhất nhất phương Tây.

Thậm chí, chiếc UAV Nga còn có khả năng vượt qua sự ngăn chặn và hạ gục luôn tổ hợp tác chiến điện tử Bukovel-AD mới nhất của Ukraine, được thiết kế đặc biệt để chống lại máy bay không người lái (do công ty viễn thông Mỹ-Ukraine Proximus LLC phát triển, mẫu 2015).

Hệ thống Bukovel-AD đa kênh nhỏ gọn có tính cơ động cao được tạo ra bởi những chuyên gia trình độ cao. Nó được ca ngợi là có khả năng ngăn chặn cả bốn hệ thống định vị toàn cầu trên thế giới hiện nay (GPS của Mỹ, GLONASS của Nga, Galileo của châu Âu và Beidou, tức "Bắc Đẩu" của Trung Quốc).

Thế nhưng, hệ thống này không những không hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn Lancet mà còn không thể tự bảo vệ mình trước chiếc UAV cảm tử của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại