Giới phân tích lý giải mục đích Nga diễn tập lớn ở Kaliningrad

Nguyễn Nhâm |

Trong tuần qua (14-20/9), Nga và Belarus đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn, mang tên Zapad 2017 (Phương Tây 2017), tại Kaliningrad.

Phần quan trọng cuộc tập trận trên diễn ra ở vùng quân sự Kaliningrad, ngay sát sườn NATO. Tham gia cuộc diễn tập có khoản gần 13.000 quân nhân (tăng 4.700 người so với năm 2015), trong đó có 7.200 binh sĩ Belarus và 5.500 quân Nga, cùng với 70 máy bay và trực thăng các loại, 250 xe tăng, 200 pháo và 10 chiến hạm.

Vị thế địa–chiến lược

Kaliningrad là vùng lãnh thổ đặc biệt của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania ven Biển Baltic. Với vị trí đặc biệt này, giới chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng Kaliningrad có thể là điểm trung tâm trong cuộc xung đột kinh tế - quân sự giữa Nga và NATO.

Hồi tháng 4 năm nay, một tiểu đoàn quân NATO đã diễu hành tới biên giới Ba Lan–Kaliningrad, khiến Nga thấy rằng NATO rất coi trọng vị thế của khu vực từ góc nhìn quân sự. Đây có thể là một trong những lý do Nga cùng với Belarus triển khai cuộc tập trận lớn chưa từng có ở khu vực này.

Theo giới quan sát, Kaliningrad là cảng duy nhất của Nga ở bờ biển Baltic không bị đóng băng vào mùa đông. Nhưng vùng đất này lại tách rời và xa nước Nga hàng trăm dặm. Sau sự kiện Crimea (2014), phương Tây cáo buộc Tổng thống Nga Putin cũng có ý định nối Kaliningrad với trung tâm nước Nga gây lo ngại cho NATO, nhất là các thành viên ở phía Đông.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ D. Trump đã hứa sẽ duy trì Điều 5 (điều khoản bảo vệ lẫn nhau của NATO). Theo đó, hàng loạt cuộc diễm tập với quy mô lớn của Mỹ và NATO cũng đã diễn ra tại các nước gần biên giới với Nga.

Ngay từ tháng 3/2017, Mỹ-NATO đã có hàng loạt động thái quân sự áp sát biên giới Nga như việc điều 8.000 binh sĩ cùng với các đơn vị xe tăng, máy bay đến khu vực Finnmark, phía Bắc Na Uy, cách biên giới Nga khoảng 160-300 km, để tham gia các cuộc tập trận.

Đến tháng 6, các nước Mỹ, Đức, Anh… lại điều động thêm 4.000 binh sĩ tham gia lực lượng mới hoạt động ở Litva, Ba Lan, Estonia theo phương thức luân chuyển từ 6 đến 9 tháng. Tiếp đó, Mỹ còn đưa tới khu vực gần biên giới Nga một lữ đoàn thiết giáp, với 5.000 quân nhân và trang thiết bị đi cùng.

Trong thời gian Nga và Belarus tập trận, NATO còn điều thêm 7 chiến đấu cơ F-15 của Mỹ tuần tra trên lãnh thổ các nước Baltic.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay do thám RC-135 của Mỹ thường xuyên hoạt động ở khu vực biển Baltic, đây là vùng biển có tầm quan trọng chiến lược đối với Moscow, bởi dự án đường ống dẫn dầu lớn nhất của nước này đang được ráo riết triển khai song song với đường ống dẫn dầu cũ nối từ Nga tới Đức nhằm cung cấp khí đốt cho các nước EU.

Nhìn lại lịch sử nước Nga-Sa hoàng Peter Đại đế (1682), cũng đã nhận ra những nhược điểm của các cảng biển đóng băng của mình, khiến hải quân và ngành hàng hải hoạt động kém hiệu quả. Ngay từ thời đó, nước Nga cũng đã tăng cường sức mạnh hải quân và chiến đấu giành lấy lối tiếp cận đến biển Baltic nhưng đã không thành công.

Vì thế, theo giới phân tích, tham vọng nối liền Nga với Kaliningrad của ông Putin cũng không phải là vấn đề mới mẻ, bởi vùng biển ấm này là nơi duy nhất có thể hoạt động cả 12 tháng trong năm, trong khi các cảng còn lại của Nga hoàn toàn đóng băng, khiến hoạt động vào mùa đông kém hiệu quả.

Răn đe và hóa giải thách thức

Hiện nay nước Nga đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như thời Sa hoàng trước đây, đó là giải bài toán làm thế nào để kết nối Kaliningrad, cảng nước ấm duy nhất của Nga ở tận Baltic tới trung tâm nước Nga nhằm phục vụ cho các mục tiêu kinh tế và quân sự.

Trong thập kỷ vừa qua, khu vực Kaliningrad đã phát triển rực rỡ và ông Putin mong muốn động lực phát triển này được đưa vào trung tâm Nga. Nếu như Vladivostok là cửa ngõ vào Thái Bình Dương thì Kaliningrad là cửa ngõ ra Đại Tây Dương. Nền công nghiệp của Kaliningrad đang bùng nổ mạnh mẽ và khu vực này đang mang lại tiềm năng kinh tế biển lớn nhất cho Nga.

Với vị thế địa-chiến lược này, Kaliningrad còn có thể bác bỏ thành tố châu Âu trong hệ thống phòng thủ do Mỹ lập ra. Với việc căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga với Latvia và Lithuania, xung đột dường như sẽ dễ dàng xảy ra.

Nếu ông Putin có thể tìm ra cách kết nối Kaliningrad với trung tâm Nga mà không phải phụ thuộc vào những nước láng giềng thù địch, khi đó Nga có thể tự do đưa lực lượng quân sự đến khu vực này, nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa.

Câu trả lời cho mối băn khoăn của nước Nga nằm ở Belarus, nước láng giềng gần gũi nối thẳng với Nga bằng đường xe lửa. Belarus-Kaliningrad chỉ cách nhau 60 dặm giữa Ba Lan và Lithuania. Nếu kết nối được với Kaliningrad, nước Nga chỉ cách Baltic 60 dặm và lần đầu tiên nước Nga có thể kiểm soát được Đông Âu kể từ sau khi LB Xô Viết sụp đổ.

Nếu Nga đặt tên lửa hành trình tại Kalingrad thì tầm kiểm soát của Nga sẽ bao trùm gần như toàn bộ Tây Âu, và đây là phạm vi khống chế của hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tên lửa Iskander nếu triển khai tại Kalingrad.

Việc nối Belarus với Kaliningrad có thể cô lập 3 nước Latvia, Estonia, Lithuania; mở rộng ảnh hưởng của Nga và là động lực thúc đẩy nền kinh tế Nga. National Interest cho rằng giới lãnh đạo quân sự NATO hiểu rõ điều này, nhưng dường như giới lãnh đạo chính trị vẫn chưa nhận ra. Kaliningrad tuy nhỏ, nhưng nguy cơ của nó gây ra với EU lại không hề nhỏ.

Giới chuyên gia nhận định, Tổng thống Nga Putin giờ đây đã nhận ra vai trò của cảng nước ấm đối với thương mại và quân sự.

Ông đã mở đường đến Baltic bằng việc sáp nhập Crimea. Ông cũng đang cố gắng kết nối Kaliningrad với lục địa Nga. Trong tương lai, có thể chính ông Putin sẽ là người hiện thực hóa giấc mơ Nga từ thế kỷ XVII, đó là kiểm soát được các cảng ở cả Thái Bình Dương, Biển Đen, Địa Trung Hải và Biển Baltic.

Giờ đây, phương Tây không thể lẩn tránh hai câu hỏi: (1) Liệu tham vọng của Nga về một khu vực kinh tế-quân sự chỉ để đảm bảo an ninh hàng hải hay là nỗi khao khát mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh?; Và (2) Liệu Nga và phương Tây có thể làm gì và sẽ làm những gì, nếu tên lửa Iskander và S400 sẽ được Nga triển khai tại Kaliningrad đối với an ninh châu Âu?

Như vậy, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật chống Nga (2/8), và trước đó EU gia hạn trừng phạt nước này, khiến Moscow hết hy vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ-EU.

Vì thế, Nga không chỉ trả đũa Mỹ-phương Tây về ngoại giao và kinh tế, mà còn ra đòn răn đe quân sự với quy mô lớn chưa từng thấy tại khu vực nhạy cảm, dễ chia cắt của khối này, khiến cho quan hệ Đông–Tây và khu vực trở nên phức tạp hơn, gây lo ngại cho an ninh khu vực và toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại