Hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ tác động mạnh hơn, rộng hơn và sớm hơn so với những dự đoán của chúng ta trước đây, nghiên cứu cho thấy 1 tỷ người hoặc là sẽ phải di dời (tị nạn khí hậu) hoặc buộc phải thích nghi với mức nhiệt độ không thể chịu đựng khi nhiệt độ toàn cầu gia tăng.
Nghiên cứu cảnh báo rằng, trong trường hợp xấu nhất là tốc độ phát thải tăng thì các khu vực hiện đang chiếm một phần ba dân số thế giới sẽ nóng như chảo lửa nóng nhất của Sahara trong vòng 50 năm. Ngay cả trong viễn cảnh lạc quan nhất thì con số cũng phải lên tới 1,2 tỷ người, họ sẽ nằm ngoài vùng khí hậu thoải mái, nơi mà con người đã sinh sống trong ít nhất 6.000 năm qua.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết họ không ngờ rằng loài người chúng ta lại dễ bị tổn thương như vậy.
Mối hiểm họa của con người
Tác giả nghiên cứu Tim Lenton, thuộc Đại học Exeter, Vương quốc Anh nói: "Những con số này rất đáng kinh ngạc. Tôi thực sự đã ngã quỵ khi lần đầu tiên nhìn thấy chúng. Trước đây tôi đã nghiên cứu các điểm tới hạn khí hậu, thường được coi là ngày tận thế, nhưng cú phản lưới nhà này quả thật quá khó chấp nhận. Điều này đặt ra mối đe dọa rất lớn tới con người."
Thay vì xem biến đổi khí hậu là vấn đề vật lý hay kinh tế, bài báo, được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, đã xem xét nó ảnh hưởng đến môi trường sống của con người như thế nào.
Phần lớn con người luôn sống ở những vùng có nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 6 độ C đến 28 độ C, rất lý tưởng cho sức khỏe con người và sản xuất lương thực, thực phẩm. Nhưng ngưỡng dễ chịu này đang dịch chuyển và thu hẹp lại do hệ thống sưởi ấm nhân tạo toàn cầu, khiến nhiều người rơi vào cái mà các tác giả mô tả là gần như không thể sống được.
Một nông dân Ấn Độ đi ngang qua cái ao đã khô cạn trong cuộc khủng hoảng nước. (Ảnh: Sanjay Kanojia)
Con người đặc biệt nhạy cảm bởi vì chúng ta tập trung ở đất liền - nơi nóng lên nhanh hơn các đại dương - và sự gia tăng dân số trong tương lai sẽ chủ yếu ở các khu vực vốn đã nóng của Châu Phi và Châu Á. Do các yếu tố nhân khẩu học này, con người sẽ phải hứng chịu sự gia tăng nhiệt độ trung bình lên tới 7,5 độ C khi nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 3 độ C, đã được dự báo vào cuối thế kỷ này.
Ở mức đó, khoảng 30% dân số thế giới sẽ sống ở mức nhiệt độ cực cao - được định nghĩa là nhiệt độ trung bình 29 độ C. Điều kiện nhiệt độ này cực kỳ hiếm gặp ở bên ngoài các khu vực nóng nhất của sa mạc Sahara, nhưng với việc nóng lên toàn cầu 3 độ C, thì mức nhiệt này được dự kiến sẽ bao phủ 1,2 tỷ người ở Ấn Độ, 485 triệu ở Nigeria, hơn 100 triệu ở Pakistan, Indonesia và Sudan.
Điều này sẽ tạo thêm rất nhiều áp lực vào vấn đề di cư và đặt ra thách thức cho các hệ thống sản xuất thực phẩm.
"Tôi nghĩ rất khó để nói rằng nhiệt độ trung bình trên 29 độ C là không thể. Bạn sẽ phải di chuyển đến khu vực mát mẻ hơn hoặc thích nghi. Nhưng việc thích nghi cũng có những giới hạn. Nếu bạn có đủ tiền và năng lượng, bạn có thể sử dụng điều hòa làm mát và mua thức ăn. Nhưng không phải hầu hết mọi người đều có khả năng đó.", Giáo sư Marten Scheffer của Đại học Wageningen, một trong những tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Nhà sinh thái học Scheffer cho biết trước đây, ông đã nghiên cứu sự phân bố khí hậu của rừng mưa nhiệt đới và savanna và tự hỏi kết quả sẽ ra sao nếu áp dụng phương pháp tương tự cho con người.
"Chúng tôi biết rằng hầu hết môi trường sống của sinh vật bị giới hạn bởi nhiệt độ. Ví dụ, chim cánh cụt chỉ được tìm thấy trong vùng nước lạnh và san hô chỉ sống trong vùng biến ấm. Nhưng chúng tôi không ngờ rằng con người lại nhạy cảm đến vậy. Chúng ta nghĩ rằng bản thân mình rất dễ thích nghi vì chúng ta có các công cụ hỗ trợ như quần áo, lò sưởi và điều hòa không khí. Nhưng trên thực tế, đại đa số mọi người sống và luôn luôn sống bên trong một vùng khí hậu đang chuyển động hơn bao giờ hết. Sẽ có nhiều thay đổi trong 50 năm tới so với 6.000 năm trước."
Các tác giả mong muốn những phát hiện của họ sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải và cùng nhau đối phó với việc di cư, việc kiểm soát mức độ nóng lên toàn cầu sẽ cứu một tỷ người thoát khỏi tình trạng khí hậu khắc nhiệt không thể chịu đựng.
"Rõ ràng chúng ta sẽ cần một giải pháp mang tính toàn cầu để bảo vệ con cái của chúng ta trước những căng thẳng xã hội tiềm tàng do sự thay đổi khí hậu dự kiến có thể gây ra", đồng tác giả, Xu Chi của Đại học Nam Kinh, cho biết.