Rạng sáng ngày 30/6/1908, bầu trời Siberia rung chuyển vì một vụ nổ kinh hoàng trên không trung. Vật thể bí ẩn phát nổ có sức mạnh tương đương 15 triệu tấn TNT đã san phẳng một vùng diện tích rừng rộng 2.150 km vuông. Ước tính, 80 triệu cây cối bị quét sạch trong giây lát khỏi trung tâm vụ nổ. (Trích dữ liệu Forbes).
Nhân chứng chứng kiến sự kiện khủng khiếp cách đây 112 năm mô tả một quả cầu lửa khổng lồ (tựa Mặt Trời thứ hai) đã xé toạc bầu trời ở độ cao khoảng 10 km, phía trên khu vực sông Tunguska, Siberia của Nga. Vụ nổ phát ra âm thanh lớn đến mức có thể gây điếc vĩnh viễn cho những người ở gần. Sóng xung kích từ vụ nổ khiến hàng loạt cửa kính gần đó vỡ vụn.
Giới khoa học gọi đó là Sự kiện Tunguska và đến nay họ chưa thể lý giải được đó là vụ nổ của bom hạt nhân, thiên thạch hay sao băng bởi giới khoa học không tìm thấy miệng hố va chạm nào. Đó là lý do, Sự kiện Tunguska trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20, đồng thời là "chấn động lớn nhất trong lịch sử".
Hình ảnh minh họa vụ nổ thiên thạch phía trên sông Tunguska, Siberia của Nga. Nguồn: Internet
Hơn 100 năm đã qua đi, giới nghiên cứu chưa bao giờ ngừng giải mã chuyện gì đã xảy ra sáng hôm đó trên bầu trời Siberia.
Các cuộc tìm kiếm, khảo sát sau đó của các nhà khoa học đã tìm thấy những mảnh đá được cho là thiên thạch, tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Nó có phải thực sự là một cầu lửa khổng lồ? Nếu không, vụ nổ từ đâu mà ra? Câu trả lời đã hé lộ.
Tìm thấy "tội đồ" san phẳng bề mặt rộng 2.150 km vuông của Trái Đất
Theo một nghiên cứu khoa học gần đây do các nhà khoa học Nga thực hiện, công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh (MNRAS): Một tiểu hành tinh toàn sắt khổng lồ đã đi vào bầu khí quyển Trái Đất, tiệm cận Trái Đất ở độ cao tương đối thấp so với hành tinh của chúng ta trước khi bay trở lại không gian. Do tiểu hành tinh ma sát với khí quyển Trái Đất đã tạo ra hiệu ứng của Sự kiện Tunguska: Phát nổ lớn, tạo ra sóng xung kích tàn phá một phần bề mặt Trái Đất.
"Chúng tôi đã nghiên cứu các tác động thông qua các tiểu hành tinh có đường kính 200, 100 và 50 mét, bao gồm ba loại vật liệu là sắt, đá và nước đá, xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất với độ cao quỹ đạo tối thiểu trong phạm vi 10 đến 15 km. Kết quả thu được ủng hộ ý tưởng của chúng tôi giải thích một trong những bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20 của thiên văn học - Sự kiệnTunguska - hiện chưa nhận được sự giải thích hợp lý và toàn diện. Chúng tôi cho rằng Sự kiện Tunguska là do một thiên thể toàn sắt xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất, gây ra vụ nổ khủng khiếp rồi sau đó tiếp tục quỹ đạo gần Mặt Trời" - Nhà thiên văn học Daniil Khrennikov của Đại học Siberia (Nga) viết trong báo cáo.
Để có được kết luận này, nhóm nghiên cứu đã mô hình hóa toán học các tiểu hành tinh sắt, đá và nước đá ở kích cỡ khác nhau để xác định Sự kiện Tunguska như vậy có khả thi hay không.
- Đối với tiểu hành tinh băng - một giả thuyết được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu Liên Xô vào những năm 1970 - khá đơn giản để loại trừ. Nhiệt lượng được tạo ra bởi tốc độ cần thiết để có được quỹ đạo ước tính sẽ làm tan chảy hoàn toàn khối băng trước khi nó đạt đến khoảng cách 10 km với bầu khí quyển Trái Đất.
- Tiểu hành tinh đá cũng vậy, nó có ít khả năng "sống sót" khi ma sát với không khí trong bầu khí quyển Trái Đất.
Thiên thạch/Tiểu hành tinh được cho là phát nổ khi không khí xâm nhập vào nó thông qua các vết nứt nhỏ, gây ra sự tích tụ áp lực khi nó bay trong không khí với tốc độ cao.
- Trong khi đó, tiểu hành tinh sắt có khả năng chống phân mảnh nhiều hơn so với đá (do đặc hơn). Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, "thủ phạm" tiềm năng nhất gây ra Sự kiện Tunguska năm 1908 là một tiểu hành tinh sắt đường kính 100 - 200 mét, lao đi với vận tốc 11,2 km/giây, phát nổ ở độ cao khoảng 10km.
"Thủ phạm" tiềm năng nhất gây ra Sự kiện Tunguska năm 1908 là một tiểu hành tinh sắt đường kính 100 - 200 mét... Hình minh họa: Internet
Mô hình này có thể giải thích đặc điểm nổi bật nhất của Sự kiện Tunguska: Thiếu một miệng hố va chạm. Bởi vì, tiểu hành tinh này chỉ sượt qua Trái Đất mà không rơi xuống.
"Trong phiên bản này", các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, "chúng ta có thể giải thích các hiệu ứng quang học liên quan đến lớp bụi bặm xuất hiện tại các tầng khí quyển trên khắp châu Âu, gây ra ánh sáng rực rỡ của bầu trời đêm."
Mặc dù kết quả chắc chắn rất hấp dẫn những người theo đuổi giải mã Sự kiện Tunguska, các nhà nghiên cứu Nga vẫn lưu ý rằng công bố của họ có một số hạn chế mà họ hy vọng có thể được giải quyết bằng nghiên cứu trong tương lai. Họ "không giải quyết vấn đề hình thành sóng xung kích", mặc dù những so sánh ban đầu của họ với thiên thạch Chelyabinsk cho thấy một sóng xung kích cực lớn đã xảy ra ở Tunguska.
Hơn một trăm năm sau sự kiện, chỉ có những manh mối thưa thớt tồn tại. Nhìn từ trên cao, không có bằng chứng nào còn sót lại, vì cây cối đã tái tổ hợp khu vực bị tàn phá. Trên mặt đất, chỉ có thể tìm thấy một vài gốc cây bị giết bởi vụ nổ, hầu hết đã bị thối rữa hoặc bị chôn vùi trong đầm lầy...
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.