Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 27/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin AFP, trung tâm tài chính châu Á này mỗi ngày ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 mới, kéo theo đó là bệnh viện, trung tâm y tế quá tải vì số lượng người nhập viện.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu giới chức địa phương nhanh chóng kiểm soát làn sóng dịch bệnh đang hoành hành. Các nghiên cứu ước tính có đến 1/4 dân số thành phố có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Giới chức Hong Kong có chủ trương xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ 7,4 triệu dân vào cuối tháng này và đang ráo riết xây dựng một mạng lưới trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến để điều trị cho người mắc COVID-19.
Tuy nhiên, chiến lược đã vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia y tế địa phương.
Ông Yuen Kwok-yung, một nhà vi sinh vật học dày dạn kinh nghiệm từng chỉ đạo cuộc chiến chống virus SARS của thành phố năm 2003 và hiện là cố vấn hàng đầu về dịch bệnh cho chính quyền, giải thích xét nghiệm toàn bộ dân chỉ có thể giúp phá vỡ chuỗi lây lan khi một ngày “có vài chục hoặc một trăm ca mắc”. Chiến lược này đã rất thành công khi được triển khai tại lục địa Trung Quốc trong giai đoạn đầu dịch mới bùng phát.
“Nếu như chúng ta ghi nhận trên 50.000 ca mắc mới mỗi ngày, tôi không nghĩ xét nghiệm toàn dân sẽ hữu ích. Nếu như chúng ta không đủ cơ sở cách ly, hiệu quả của chiếc lược xét nghiệm bắt buộc này là rất thấp”, chuyên gia Yeun nói với các phóng viên.
Các nhà chức trách Hong Kong cho biết họ vẫn có kế hoạch đưa những người mắc COVID-19 đến các cơ sở cách ly. Khoảng 70.000 cơ sở được trưng dụng từ khách sạn và nhà ở công cộng dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong những tuần tới. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn rất nhỏ so với số lượng ca mắc mỗi ngày tại đặc khu hành chính.
Chỉ riêng trong ngày 3/3, Hong Kong ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ cao kỷ lục, với 56.827 ca. Trên 1.100 trường hợp đã tử vong, trong đó phần lớn là người cao tuổi chưa được tiêm vaccine.
Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều lần, do tâm lý lo lắng không muốn đến cơ sở cách ly của người dân khiến họ không khai báo khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin về khả năng áp dụng đợt phong tỏa trên diện rộng vào cuối tháng 3, người dân Hong Kong đã vội vã tích trữ thịt đông lạnh, bánh mỳ, thuốc, thức ăn trẻ em cùng nhiều mặt hàng khác. Xu hướng này đã gây ra tình trạng các kệ hàng tại chợ, siêu thị thường xuyên ở trạng thái trống trơn ngay sau khi vừa được bổ sung.
Các nhà cung ứng thực phẩm tại đặc khu kinh tế này đã lên tiếng kêu gọi dân chúng không nên hoảng sợ, vội vàng đi mua đồ thiết yếu, đồng thời khẳng định nguồn cung ứng còn dồi dào, dù gặp phải một số khó khăn về nhân công bán hàng, khâu vận chuyển hàng hóa.