"Giết gà dùng dao mổ trâu": 400 chiếc F-35 "làm gỏi" S-400 của Nga?

Trương Mạnh Kiên |

Châu Âu sẽ có 400 chiến đấu cơ tàng hình F-35. Nhưng liệu rằng lực lượng hùng hậu này có đủ xuyên phá hệ thống phòng không S-400 danh tiếng của Nga.

Giết gà dùng dao mổ trâu: 400 chiếc F-35 làm gỏi S-400 của Nga? - Ảnh 1.

F-35 mới chỉ được duy trì vài chiếc ở một số quốc gia.

Tàng hình hóa

Lực lượng không quân của châu Âu đang "tàng hình hóa" một cách mạnh mẽ. Tờ Forbes cho rằng điều này là lẽ tất yếu. Bởi nếu không có thêm nhiều máy bay chiến đấu mới với công nghệ tàng hình để thoát khỏi sự truy quét của các radar, sẽ có rất ít cơ hội để không quân Anh hay lực lượng không quân Ba Lan có thể tồn tại được lâu trước hệ thống phòng không của Nga.

Nhưng mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình mới chỉ là một phần của vấn đề. Vẫn còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sức mạnh của không quân châu Âu, các nhà phân tích từ tổ chức tư vấn RAND cho biết trong một nghiên cứu mới.

Hiện tại, các thành viên châu Âu trong NATO sở hữu khoảng 1.900 máy bay chiến đấu các loại. Nhưng chỉ có 100 chiếc F-35 tàng hình thế hệ thứ năm mới nhất. Hầu hết những chiếc còn lại thuộc thế hệ thứ tư. Các cảm biến và vũ khí của chúng hiện đại nhưng thiếu khả năng tránh sự phát hiện của radar và các cảm biến khác.

Thậm chí những mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ tư nổi bật như Eurofighter Typhoon và Dassault Rafale của Pháp lại rất dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga, thứ vũ khí có thể bắn hạ máy bay địch cách xa hàng trăm km.

Các nhà phân tích của RAND giải thích việc điều Typhoon và Rafale vào tầm ngắm của Nga — chưa nói đến các mẫu máy bay kém tiên tiến hơn — "có thể gây ra tổn thất không thể chấp nhận được".

"Khoảng thời gian đầu của cuộc xung đột với Nga sẽ thách thức khả năng của NATO trong việc triển khai sức mạnh nhằm vào mạng lưới phòng không của Nga để mở đường cho các hoạt động tiếp theo", báo cáo cho hay.

Các nhà phân tích khẳng định, F-35 là mẫu máy bay có thể đến gần hệ thống phòng thủ của Nga và tiêu diệt chúng. "Việc mua các máy bay thế hệ thứ năm về cơ bản có thể thay đổi cách thức mà NATO tiến hành các hoạt động không quân, cải thiện khả năng tồn tại và khả năng sát thương, đồng thời cho phép châu Âu tham gia nhiều hơn vào một số nhiệm vụ khắt khe nhất".

Đây được coi là viễn cảnh tốt cho kho vũ khí không quân châu Âu, với việc các quốc gia này đang có kế hoạch mua hơn 400 chiếc F-35 cho đến năm 2030.

Nhưng vấn đề cốt lõi là không rõ các lực lượng không quân châu Âu có đủ vũ khí dẫn đường chính xác hay số lượng phi công cho con số 400 chiếc này hay không. Cũng không rõ có bao nhiêu trong số 400 chiếc F-35 mà NATO thực sự có thể xuất kích ở mọi thời điểm.

Nguồn lực hạn chế

Giết gà dùng dao mổ trâu: 400 chiếc F-35 làm gỏi S-400 của Nga? - Ảnh 2.

400 chiếc F-35 chỉ là số lượng về mặt giấy tờ.

“Ngay cả những lực lượng không quân châu Âu có khả năng và nguồn lực tốt nhất cũng tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc bổ sung lượng vũ khí dẫn đường chính xác dự trữ khi tham gia vào các cuộc xung đột kéo dài ở nước ngoài”, các nhà phân tích của RAND nêu quan điểm.

Trong các chiến dịch không quân ở Libya năm 2011, "một số lực lượng không quân hàng đầu của NATO đã cạn kiệt nguồn cung cấp vũ khí theo cách tồi tệ".

Thách thức không nhỏ đối với lực lượng không quân châu Âu đó việc các nước này là có rất ít cơ hội quý báu để các phi công F-35 thực hành các nhiệm vụ chiến đấu, bao gồm cả các bài tập chế áp hệ thống phòng không của đối phương.

Tập trận Cờ đỏ của không quân Mỹ diễn ra nhiều lần trong năm ở Nevada, là địa điểm lớn nhất và thực tế nhất để mài giũa các kỹ năng chế áp phòng không. Nhưng chính sách của không quân Mỹ lại cấm chia sẻ các chiến thuật mới nhất với các quốc gia, trừ những phi công Anh cũng tham gia cuộc tập trận.

Các nhà phân tích cảnh báo: "Nhiều người xác định các hạn chế an ninh là rào cản lớn để tối đa hóa giá trị của F-35".

Bên cạnh đó, độ tin cậy kém của F-35 kết hợp với mức giá 100 triệu USD cho mỗi chiếc máy bay và áp lực chi phí lên quy mô phi đội cũng được coi là vấn đề lớn nhất khi châu Âu "tàng hình hóa".

Nhiều nước NATO đang mua F-35. Nhưng có những quốc gia mua chúng với số lượng ít đến nỗi chỉ triển khai được vài chiếc. Không quân Hà Lan đã cam kết mua 43 chiếc F-35. Người Bỉ đang có 34 chiếc. Không quân Đan Mạch chỉ có thể trang bị 27 chiếc.

Với nhiều máy bay đang được bảo dưỡng hoặc đang trong quá trình huấn luyện, người Hà Lan kỳ vọng có thể triển khai và duy trì chỉ 4 chiếc F-35. Số lượng của Bỉ và Đan Mạch chắc chắn cũng khiêm tốn như vậy.

Và đặc biệt là Đan Mạch sẽ "không có dự trữ tiêu hao", các chuyên gia RAND lưu ý. Nếu hệ thống phòng không của Nga gặp may và bắn rơi một chiếc F-35 của Đan Mạch, người Đan Mạch sẽ không thể thay thế nó.

400 máy bay chiến đấu tàng hình có vẻ như rất nhiều trên giấy. Nhưng trên thực tế, chỉ một phần nhỏ trong số đó sẽ thực sự sẵn sàng chiến đấu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại