Giáo sư Lý Mai Cẩn là chuyên gia nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý học tội phạm và Nuôi dạy con cái. Hiện tại, bà đang công tác tại trường Đại học cảnh sát Nhân dân Trung Quốc và thường xuyên được mời đến các hội thảo về chủ đề nuôi dạy con cái để chia sẻ kinh nghiệm.
Trong việc nuôi dạy con cái, Giáo sư Lý tất nhiên không ủng hộ, khuyến khích cha mẹ quát mắng, đánh đòn con. Tuy nhiên nữ giáo sư này cho hay, có những hành động của trẻ mà cha mẹ buộc phải mạnh tay hơn khi xử lý, thậm chí là đánh đòn để trẻ biết sợ và nghe lời. Nếu không thì tính xấu của trẻ sẽ rất khó bỏ. Cụ thể là các hành vi sau:
1. Trẻ ném đồ vật và đánh mọi người
Trẻ bước vào thời kỳ nổi loạn rất thích ném đồ đạc hoặc đánh người nếu có điều gì không vừa ý. Lúc này, sự giáo dục đúng cách của cha mẹ là đặc biệt quan trọng. Mặc dù chúng ta không ủng hộ việc đánh mắng trẻ, nhưng nếu trẻ không chịu thay đổi sau nhiều lần khuyên nhủ và giảng giải, thì việc đánh đòn có thể là phương pháp trực tiếp và hiệu quả nhất.
Giáo sư Lý Mai Cẩn.
2. Khi trẻ gào khóc ăn vạ cha mẹ, nói mãi không chịu nín
Nhiều đứa trẻ khi không vòi vĩnh được cha mẹ điều gì đó liền khóc toáng lên. Cha mẹ càng dỗ, trẻ càng gào thét để gây sự chú ý. Cuối cùng, cha mẹ vì ngại phiền phức nên chọn cách thỏa hiệp với con.
Theo giáo sư Lý, trong trường hợp bố mẹ đã nhanh chóng đưa con về nhà để giải quyết, nhiều lần khuyên bảo, giải thích cho con hiểu về lý do không thể mua món đồ con thích mà con vẫn gào thét, ăn vạ thì sẽ phải cần biện pháp mạnh hơn.
3. Trẻ thường xuyên nói dối
Trung thực là phẩm chất cần thiết mà trẻ phải có. Nếu phát triển trẻ nói dối, cha mẹ cần uốn nắn, có biện pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp để sửa tật xấu. Khi trẻ nói dối lần đầu tiên, cha mẹ có thể nói rõ ràng với trẻ rằng: "Con hãy thành thật, đừng nói dối". Nếu nói nhiều lần mà vẫn vô ích thì cha mẹ có thể phải cân nhắc đến đề xuất của giáo sư Lý Mai Cẩn.
Trong một số trường hợp, cha mẹ buộc phải đánh đòn trẻ. (Ảnh minh họa)
4. Những đứa trẻ quá ngang ngược và bất lịch sự
Nhiều đứa trẻ rất ngang ngược và bất lịch sự. Cha mẹ càng nhắc nhở đừng làm việc gì, trẻ càng cố tình làm. Chẳng hạn có đứa trẻ khi ăn cơm thường xuyên lấy đũa, thìa gõ vào bát inh ỏi. Dù mẹ nhắc đến mấy, đứa trẻ vẫn cố tình gõ bát. Lúc đó, nếu không dùng biện pháp mạnh có lẽ trẻ sẽ không chịu dừng hành vi.
Nói về việc đánh đòn trẻ, giáo sư Lý Mai Cẩn nhấn mạnh: Khi trẻ quậy phá quá mức thì nhất định phải đánh đòn, nhưng đánh đòn không phải để trút giận mà cần thực hiện một cách khoa học, đúng đắn.
Trước hết, cha mẹ nên hiểu rằng đánh đòn là để điều chỉnh hành vi của trẻ và giúp trẻ thiết lập các quy tắc chứ không phải để trút giận. Mục đích của việc đánh trẻ không phải là để trẻ sợ hãi mà là để ngăn chặn một hành vi sai trái nào đó tái diễn.
Thứ hai, không nên đánh trẻ quá mạnh, không dùng công cụ. Người lớn có thể dùng tay đánh vào mông hoặc lòng bàn tay của trẻ để không gây tổn thương. Thứ ba, với những cha mẹ không muốn đánh đòn con có thể chọn phương pháp phạt khác để thay thế như phạt quét dọn,... miễn là có tác dụng răn đe.
Nguồn: Baidu