Giáo sư MIT: Ngày nào tôi cũng sợ con người sắp tuyệt chủng

Zknight |

Theo giáo sư, kỹ sư cơ khí Asegun Henry của MIT, loài người đang không còn nhiều thời gian để ngăn chặn sự tuyệt chủng của chính chúng ta. Đó là những gì mà anh ấy bắt đầu mường tượng được từ sau một cuộc nói chuyện với Bill Gates năm 2018.

Theo giáo sư, kỹ sư cơ khí Asegun Henry của MIT, loài người đang không còn nhiều thời gian để ngăn chặn sự tuyệt chủng của chính chúng ta. Đó là những gì mà anh ấy bắt đầu mường tượng được từ sau một cuộc nói chuyện với Bill Gates năm 2018.

Gates đã mời Henry cùng với hai đồng nghiệp của anh tới để "gia sư" cho ông những kiến thức về năng lượng nhiệt. Trong buổi học ấy, họ đã có những trao đổi kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

Henry cho biết hơn 90% việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu liên quan đến nhiệt, dù cho là sản xuất điện, sưởi ấm hay làm mát các tòa nhà, phương tiện đi lại, sản xuất thép, xi măng…

Nhìn chung, hoạt động của con người đang khiến Trái Đất ấm lên. Và Henry cảnh báo chúng ta đang tiến ngày một gần đến một điểm không thể quay đầu. Ở đó, nó sẽ đưa nhân loại thẳng đến sự diệt vong không thể tránh khỏi.

Giáo sư MIT: Ngày nào tôi cũng sợ con người sắp tuyệt chủng - Ảnh 1.

Theo giáo sư, kỹ sư cơ khí Asegun Henry của MIT, loài người đang không còn nhiều thời gian để ngăn chặn sự tuyệt chủng của chính chúng ta.

Trăn trở này đã được Henry giữ trong đầu suốt 2 năm sau lần gặp Bill Gates. Anh đã cùng với các đồng nghiệp của mình ở Đại học California, Berkeley và Đại học Stanford nghiên cứu đề xuất 5 giải pháp cũng là thách thức kỹ thuật về năng lượng nhiệt có thể cứu loài người trước khi quá muộn.

Thách thức đầu tiên là chúng ta phải phát triển những hệ thống lưu trữ nhiệt cho lưới điện, xe điện và các tòa nhà.

Chẳng hạn như với lưới điện hiện nay, lượng điện sản xuất ra trên lưới đều được dùng trực tiếp mà không hề có thiết bị lưu trữ. Ngay cả khi chúng ta phát thừa điện, lượng điện đó thực sự cũng sẽ không được dùng đến và gây lãng phí.

Vì vậy, nếu có thể phát triển được một công nghệ lưu trữ được điện lưới, Henry tính toán riêng điều đó có thể giúp giảm 25% lượng khí thải nhà kính phát ra từ việc sản xuất điện. Nếu có thể khử CO2 ở cả lĩnh vực giao thông với xe điện và sử dụng điện dân dụng, con người cuối cùng có thể giảm 40% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Giáo sư MIT: Ngày nào tôi cũng sợ con người sắp tuyệt chủng - Ảnh 2.

Thách thức thứ hai là quá trình khử carbon trong công nghiệp, đóng góp 15% lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới.

Các tác nhân gây ô nhiễm lớn trong công nghiệp là xi măng, thép, nhôm và hydro. Một số quá trình công nghiệp này về bản chất liên quan đến việc phát thải khí CO2, vì bản thân phản ứng phải giải phóng khí CO2 thì mới tạo ra được sản phẩm như xi măng, sắt, thép.

"Câu hỏi đặt ra là có cách nào khác không? Hoặc chúng ta có thể nghĩ ra một cách khác để sản xuất xi măng, hoặc nghĩ ra một thứ gì đó khác thay thế vật liệu truyền thống đó", Henry nói. "Thực sự thì đây là một thử thách cực kỳ khó khăn, nhưng vẫn có những ý tưởng hay và chúng ta cần nhiều người nghĩ về điều này hơn".

Giáo sư MIT: Ngày nào tôi cũng sợ con người sắp tuyệt chủng - Ảnh 3.

Thách thức thứ ba là giải quyết vấn đề làm mát.

Máy điều hòa không khí và tủ lạnh chứa những hóa chất rất có hại cho môi trường. Thậm chí, chúng còn nguy hại gấp 2.000 lần so với khí CO2 tính trên cùng thể tích.

Nếu việc lưu trữ những khí này gặp trục trặc khiến chúng rò rỉ ra môi trường, một lượng nhỏ của chúng cũng có thể tạo ra sự thay đổi ghê gớm. Giả sử tính riêng ở Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác, việc rò rỉ các chất làm lạnh này sẽ gây ra 15 đến 20% hiện tượng nóng lên toàn cầu vào năm 2050.

Giáo sư MIT: Ngày nào tôi cũng sợ con người sắp tuyệt chủng - Ảnh 4.

Thách thức thứ tư là việc truyền nhiệt đường dài.

"Chúng ta đang truyền tải điện vì nó có thể được thực hiện với tổn thất thấp và giá thành rẻ. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể truyền nhiệt như truyền điện không?", Henry nói.

Tại một số vị trí địa lý nhất định, hoặc có một số hoạt động của con người sẽ sinh ra nhiệt quá mức, trong khi ngược lại, một số khu vực khác sẽ cần làm mát và đối mặt với nguy cơ rò rỉ khí độc.

Nếu chúng ta tạo ra được một công nghệ truyền nhiệt đường dài, nó có thể giải quyết cả hai vấn đề hóc búa. Câu hỏi đặt ra bây giờ là có ai đó có thể tạo ra một công nghệ như vậy không, Henry nói.

Giáo sư MIT: Ngày nào tôi cũng sợ con người sắp tuyệt chủng - Ảnh 5.

Thách thức cuối cùng là tạo ra các vật liệu thay đổi độ dẫn nhiệt khi cần thiết.

Có một số minh chứng cho thấy các nhà vật lý có thể tạo ra vật liệu nhiệt hoặc một thiết bị thay đổi độ dẫn nhiệt của nó, để khi trời nóng, nó có thể chặn nhiệt truyền qua tường, nhưng khi bạn muốn, bạn có thể thay đổi độ dẫn của nó để cho nhiệt vào hoặc ra.

"Chúng ta còn lâu mới có một hệ thống hoạt động theo ý tưởng đó, nhưng nền tảng chúng ta cần tạo ra một hệ thống như vậy", Henry nói.

Giáo sư MIT: Ngày nào tôi cũng sợ con người sắp tuyệt chủng - Ảnh 6.

Thế nhưng, con người có thể chỉ còn khoảng 20-30 năm nữa trước khi đi tới một điểm không thể quay đầu, ở đó, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2 độ C. "Thời gian không còn nhiều nữa, và chúng ta cần tất cả mọi người cùng tham gia vào đó", Henry nói.

Anh cho biết con người đã có 70 năm xây dựng hệ thống năng lượng toàn cầu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. 

Nhiệm vụ bây giờ là phải chuyển đổi nó thành một hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo. Và thời gian thì chỉ có chưa đầy một nửa, Henry cho biết lẽ ra nhân loại phải nhìn ra điều này và bắt đầu sớm hơn, từ vài thập kỷ trước.

"Chúng ta cần thay đổi mạnh mẽ, lẽ ra không phải ngay hôm qua mà là từ nhiều năm về trước rồi. Vì vậy, ngày nào tôi cũng sợ rằng chúng ta sẽ làm quá muộn. Và con người cũng chỉ là một loài sinh vật có thể tuyệt chủng bất cứ lúc nào sau một cái búng tay của Mẹ Trái Đất".

Tham khảo Scitechdaily, Futurism

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại