Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã có những chia sẻ với phóng viên VTC News về quan điểm của ông liên quan tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam và chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ 7/1/1979 .
Trước hết theo ông Thayer, không thể phủ nhận một sự thật rằng người Việt Nam đã giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều người từng dùng thuật ngữ “xâm lược” để nói về những ngày bão lửa mà quân đội Việt Nam hiệp lực cùng quân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot.
Nguyên nhân của nhận định sai lầm này theo vị Giáo sư Australia là vào cuối những năm 1970, những người chống lại chủ nghĩa xã hội Việt Nam luôn một mực tin rằng Việt Nam đang tìm cách tạo ra một Liên Bang chủ nghĩa/cộng sản Đông Dương đặt dưới sự quyền kiểm soát của Việt Nam.
Trong khi đó, thế giới bên ngoài lại không biết nhiều về cuộc thảm sát người Campuchia dưới thời Khmer Đỏ hay chuỗi những cuộc tấn công liên tục của Khmer Đỏ vào các làng mạc Việt Nam ở biên giới với Campuchia.
Không thể phủ nhận một sự thật rằng người Việt Nam đã giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ
GS. Carl Thayer
Khi tiến vào Campuchia để giúp người dân nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, quân đội Việt Nam đã tiến tới gần biên giới Thái Lan. Khi đó, Thái Lan lo sợ bị tấn công nên đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
“Nhưng trên thực tế Việt Nam đã can thiệp quân sự vào Campuchia chỉ là để tự vệ, ngăn chặn sự bao vây của Trung Quốc và giúp giải phóng người Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo”, ông Thayer khẳng định.
Tuy nhiên, những đánh giá, những định kiến sai lầm đó đã tồn tại trong hàng chục năm, từng phủi sạch hoàn toàn những hy sinh của các các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam trong những ngày bão lửa ở Campuchia.
Mặc dù vậy, theo ông Thayer, cộng đồng quốc tế trong 40 năm qua đã và đang dần thay đổi quan điểm và các chính trị gia từng chỉ trích nặng nề Việt Nam vào cuối những năm 1970 cũng đã nhận ra những sai lệch trong nhận định của họ.
Ví dụ như chính phủ Australia sau khi Đảng Lao Động giành lại quyền lãnh đạo chính quyền vào năm 1983 đã tìm cách chấm dứt sự cô lập với Việt Nam và tìm cách thúc đẩy hòa bình.
Video: Tội ác của quân Khmer Đỏ ở vùng biên giới Việt Nam-Campuchia
Tội ác của quân Khmer Đỏ ở vùng biên giới Việt Nam-Campuchia
“Nhìn lại 40 năm qua, giờ đây nhiều người đã có một cái nhìn thực sự về mức độ tàn sát hàng loạt ở Campuchia và lý do can thiệp của Việt Nam”, giáo sư người Australia nhấn mạnh.
Theo ông, khi các lực lượng tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia vào năm 1989, cộng đồng quốc tế đã thực sự thay đổi quan điểm và chỉ vài năm sau đó, nhiều nước đã bắt đầu tìm cách bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và hoan nghênh Việt Nam với tư cách là một thành viên của ASEAN.
Sự ghi nhận này dù muộn màng nhưng cũng phần nào cho thấy thế giới đã có những cái nhìn đúng đắn sau nhiều năm cố hữu với luận điểm sai lầm. Thế nhưng, điều mà người Việt Nam cũng như người Campuchia canh cánh bấy lâu là trong nhiều thập kỷ, nhiều nước phương Tây vẫn gây sức ép để Liên Hợp Quốc không công nhận từ “diệt chủng”.
Và chỉ cho tới đây gần 50 ngày, 16/11/2018, thuật ngữ “genocide – diệt chủng” mới lần đầu tiên được ECCC, toà án đặc biệt xét xử tội ác của Khmer đỏ do Liên hiệp quốc bảo trợ, thừa nhận trong phiên xử hai kẻ sống sót của tập đoàn Pol Pot là Khieu Samphan và Nuon Chea.
Về vấn đề này, ông Thayer cho biết thuật ngữ diệt chủng mang của ý nghĩa pháp lý và ý nghĩa phổ biến.
Theo ông Thayer, trong bối cảnh xung đột Campuchia, thuật ngữ diệt chủng làm người ta liên tưởng tới cuộc thảm sát người Do thái của Đức quốc xã. Trong khi đó cuộc tranh luận pháp lý về việc sử dụng thuật ngữ diệt chủng xoay quanh tranh cãi Khmer Đỏ có ý định tiêu diệt người Campuchia như một nhóm người hay chỉ với những người mà chúng coi là kẻ thù.