Gian lận thi THPT ở Sơn La: Điều tra việc phụ huynh có "mua điểm thi" hay không

Nguyễn Hưởng |

Lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La ngày 12-4 cho biết Cơ quan An ninh điều tra đang tích cực điều tra vụ gian lận thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018, trong đó làm rõ việc phụ huynh có bỏ tiền ra "mua điểm thi" hay không.

Sáng nay 12-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La cho biết đến thời điểm hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La đang tích cực điều tra làm rõ vụ gian lận thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 xảy ra tại tỉnh này.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đang xác minh các cá nhân trong đường dây vụ án có trục lợi gì trong vụ việc nâng điểm thi không.

Liên quan vụ án này dư luận cho rằng trong vụ án này, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều bị can nguyên là cán bộ về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" vì đã trực tiếp thực hiện việc sửa hoặc nâng điểm cho hàng chục thí sinh.

Tuy nhiên, việc chỉ khởi tố những người này mà chưa xử lý những người đưa ra yêu cầu sửa điểm, là chưa thỏa đáng.

Về vấn đề này, lãnh đạo VKSND tỉnh Sơn La cho biết hiện nay cơ quan an ninh điều tra cũng xác minh làm rõ những phụ huynh có bỏ tiền ra "mua điểm thi" hay không.

Nếu phát hiện ra trường hợp phụ huynh "mua điểm thi" cho các thí sinh thì sẽ phụ thuộc vào tính chất sự việc, thậm chí là sẽ bị xử lý hình sự.

Phân tích thêm, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng đối với những người đã nhờ vả, tác động để người có thẩm quyền sửa điểm thi, nếu cơ quan điều tra chứng minh được các phụ huynh đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất khác, họ có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hối lộ" theo Điều 364 Bộ Luật Hình sự 2015.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng tại khoản 2 Điều 88 Luật Giáo dục 2005 quy định các hành vi mà người học không được làm, trong đó có hành vi gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.

Nếu người học thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi hành chính theo khoản 3 Điều 13 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Các hành vi bị xử phạt là mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi; Làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; Thi thay hoặc thi kèm người khác...

Tuy nhiên, riêng với hành vi gian lận "Sửa điểm bài thi trái quy định", người học sẽ không bị xử phạt vì việc sửa điểm bài thi không thuộc thẩm quyền của người học.

"Theo quan điểm của tôi, ngoài việc không bị xử phạt hành chính, người học nói chung và các thí sinh trong vụ việc sửa điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La… nói riêng cũng sẽ không bị xử lý hình sự.

Theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 13 Nghị định số 138 nêu trên, các bên phải "khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi", tức là phải trả lại điểm số gốc trước khi sửa điểm"- luật sư Thanh phân tích.

Đáng chú ý, trong danh sách 44 thí sinh được nâng điểm của Sơn La do Bộ GD-ĐT công bố, có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh này.

Trong số này có con của các vị: phó giám đốc Sở GD-ĐT, chánh thanh tra sở, trưởng phòng giáo dục trung học, chuyên viên Sở GD-ĐT, hiệu trưởng, giáo viên một số trường THPT trên địa bàn. Mức điểm được sửa của các thí sinh thấp nhất là 3, cao nhất lên tới 17,75 điểm.

Đến thời điểm hiện tại trong vụ án này, đến nay Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La đã khởi tố 6 bị can liên quan đến nghành giáo dục tỉnh Sơn La gồm: Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT Sơn La; Đặng Hữu Thủy, hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn, phó Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT; Lò Văn Huynh, trưởng Phòng Khảo thí - Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La; cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra còn khởi tố trung tá Đỗ Khắc Hưng, cựu cán bộ Phòng PA03 Công an tỉnh và ông Đinh Hải Sơn, cựu thiếu tá, nguyên là phó đội trưởng Đội Giáo dục thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Sơn La cùng về về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ Luật Hình sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại