Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023. Trong dự thảo này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động có bài viết "Giảm năm đóng BHXH thì phải giảm tuổi hưu" và nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc.
Một bạn đọc giấu tên nhận xét: "Cách đặt vấn đề của bài viết là xác đáng. Theo tôi cứ lấy mốc 50 là tuổi tối thiểu hưởng lương hưu, ai đủ 15 năm đóng BHXH thì hưởng lương hưu, hưởng ít cũng được. Ai muốn hưởng nhiều thì tiếp tục làm. Hãy cho chúng tôi quyền lựa chọn.
Theo bạn đọc Đinh Xuân Tình, giảm năm đóng BHXH chẳng qua là hạn chế người lao động không được rút bảo hiểm một lần. Theo bạn đọc này, vì đường cùng thì người lao động mới phải rút bảo hiểm một lần vì khó có chờ đến tuổi nghỉ hưu được.
Cơ quan soạn thảo luật phải nhìn xem xét điều kiện làm việc của người lao động để xây dựng các quy định phù hợp, hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người lao động.
Tương tự, bạn đọc Hà Hoa đặt vấn đề: "Liệu rằng các quan chức ra luật có đọc được bài viết này không? Hay họ biết mà vẫn cố tình không hiểu, nam giới trung bình thọ 70 tuổi, 65 tuổi mới cho người ta nghỉ hưu, đóng BHXH hơn 30 năm, về nghỉ hưu được 5 năm thì ý nghĩa gì?".
Một bạn đọc giấu tên khác gay gắt: "Tôi đã ý kiến nhiều rồi, vấn đề chính là ở chổ giảm tuổi nghỉ hưu chứ không phải giảm số năm đóng BHXH. Nếu nói là tạo điều kiện để người lao động được cơ hội hưởng lương hưu thì tại sao không giảm tuổi được hưởng lương hưu mà lại giảm thời gian đóng?
Giảm tuổi hưởng lương hưu mới chính là tạo điều kiện cho người lao động được cơ hội hưởng lương hưu chứ nhiều người 58, 60 đã chết rồi lấy đâu cơ hội nhận lương hưu ở tuổi 60 và 62".
Bạn đọc này cũng đặt câu hỏi: "Có ai thống kê dùm con số người chết ở tuổi 55-60 mất cơ hội nhận lương hưu và số người có nhu cầu đóng BHXH 15 năm để được hưởng lương hưu ở cái tuổi 45 với nữ 47 với nam xem số nào nhiều hơn.
Thống kê giùm toàn quốc có bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng lao động trên 45 62 tuổi con số còn đang được sử dụng lao động là bao nhiêu?" Có bao nhiêu lao động mất việc tuổi trên 40 có nhu cầu đóng BHXH tiếp để lĩnh lương hưu ở tuổi 60, 62?".
Thực tế hơn, bạn đọc Tam Long nêu ví dụ: "Tôi năm nay 40 tuổi tham gia bảo hiểm xã hội được 21 năm, phải chờ mòn mỏi 22 năm sau nữa mới được nhận lương hưu, biết lúc đó còn sống hay không?".
Tương tự, một bạn đọc nữ giấu tên cũng bày tỏ: "Nữ chúng tôi đến 50 tuổi đa số là hết sức làm việc rồi, làm sao mà chờ đến tuổi nghỉ hưu?". Một bạn đọc tên Liêm chia sẻ: "Có NLĐ trẻ nào đóng đủ 15 năm BHXH rồi ngồi chờ đến 60/62 tuổi nhận lương hưu? Kết quả nhận được sẽ là câu trả lời có hay không việc ồ ạt chọn rút BHXH một lần".
Góp ý hoàn thiện chính sách BHXH, nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan soạn thảo nên tính đến phương an giảm tuổi lao động để khi người lao động nghỉ hưu còn có cơ hội cầm sổ hưu. "Tuổi nghỉ hưu như hiện tại không biết có sống được đến lúc hưu để cầm sổ hưu hay không. Các cơ quan làm luật hãy nghe tiếng lòng dân"- một bạn đọc góp ý. Giảm năm đóng bảo hiểm đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu. Do vậy, để bảo đảm an sinh cần phải giảm tuổi nghỉ hưu" - bạn đọc Vũ Ngọc Quyền, góp ý.
Bước qua tuổi 40 là bệnh tật liên miên rồi
"Không ai đủ sức khỏe làm tới 60 tuổi ở nữ và 62 tuổi ở nam đâu. Bao nhiêu người bước qua tuổi 40 là bắt đầu bệnh tật liên miên. Ngoài 50 là nhiều bệnh mãn tính, chỉ canh giờ giấc uống thuốc và đi khám bệnh rồi. Duy nhất là tuổi nghỉ hưu nam 55, nữ 50 là đúng nhất. Có vậy người ta mới không rút bảo hiểm 1 lần"- bạn đọc tên Thủy quả quyết.