Giảm mua sắm để đổ xăng

Theo Hoàng Danh/ thiết kế: Trang Trim |

Vật giá leo thang trong thời gian gần đây đã khiến mọi người hoang mang. Cùng xem các bạn trẻ sau đây chia sẻ về cách quản lý chi tiêu để "vượt bão".

Vài ngày gần đây, dân tình đã được một phen "hú vía" vì thông tin giá xăng tăng lên đến 31.000 - 32.000đ/ lít, kéo theo đó là sự leo thang của vô vàn thứ khác. Và tuy đợt bão này ảnh hưởng đến hầu hết mọi người, bộ phận chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất có lẽ là những người đi làm xa nhà.

Đối với họ, việc phải "băng qua bao con đường" hằng ngày đã là một áp lực không hề nhỏ, vậy làm sao để họ có thể trụ vững được qua đợt bão giá này? Cùng xem cách 3 bạn trẻ Xuân Hiên, Thuý Ngọc và Bắc Bình đã áp dụng để vượt qua đợt bão giá lần này nhé!

Khoản dư mỗi tháng để mua sắm cho bản thân thì nay lại dành phần... đổ xăng

Nguyễn Thị Thuý Ngọc (sinh năm 1996, TP.HCM) là trưởng phòng Marketing tại một công ty cách nhà gần 10km. Vốn là một người quan tâm đến các vấn đề thu nhập và chi tiêu, Ngọc đã sớm nhìn thấy những thay đổi của thị trường.

"Từ sau dịch là đã bắt đầu thấy giá tăng đột biến rồi. Dạo gần đây còn kinh khủng hơn...

Bão giá làm mình cảm thấy áp lực hơn trong việc cân đối chi tiêu. Thay vì trước đây mỗi tháng có thể để dành một khoảng để mua sắm cho bản thân thì bây giờ không dám, nội tiền xăng đi làm cũng nhiều hơn xưa".

Giảm mua sắm để đổ xăng  - Ảnh 1.

Với mức thu nhập của vị trí trưởng phòng, Ngọc vẫn cảm thấy áp lực trong đợt bão giá này

Đợt bão giá lần này được các chuyên gia đánh giá là mang tầm vĩ mô, nên ắt hẳn không chỉ những người làm ở thành phố lớn mới cảm nhận được. Lê Ngọc Bắc Bình (sinh năm 1998, An Giang) là một graphic designer (thiết kế đồ hoạ) hằng ngày phải đi cung đường 17 - 20km để đến công ty.

"Với một người cứ khoảng 6 ngày phải đổ 1 bình xăng như mình thì thật sự là khó chịu. *cười* Mình không đi chơi mấy vì nhà khá xa các chỗ vui chơi, hầu như chỉ đi làm và về nhà nhưng chi phí đổ xăng thì cứ tăng đều. Chưa kể giá cước phí vận chuyển, giá các sản phẩm khác cũng tăng nữa".

Giảm mua sắm để đổ xăng  - Ảnh 2.

Bắc Bình chia sẻ về áp lực khi giá xăng cứ liên tục tăng cao mà mình cứ 6 ngày phải đổ 1 bình

Trái với những nhân vật phía trên, Võ Xuân Hiên (sinh năm 1998, Đà Lạt) lại có vẻ không mấy quan tâm đến những thay đổi về thị trường trong thời gian gần đây do Hiên đã vốn quen với lối sống tiết kiệm. Song, vấn đề làm Hiên cảm nhận được nhiều nhất có lẽ là tiền xăng.

Là một trợ lý giám đốc, tính chất công việc phải đi lại nhiều. Khi được hỏi liệu việc giá xăng tăng trong những ngày gần đây có gây áp lực cho mình không, Hiên bộc bạch: "Có chứ, vừa tốn tiền, vừa phiền vì phải tưới xăng nhiều lần, có những sáng đã không có thời gian còn phải đổ xăng. Rồi phải mất 90k mới đầy bình làm tâm trạng của mình bị ảnh hưởng cả ngày hôm đó".

Giảm mua sắm để đổ xăng  - Ảnh 3.

Dẫu đã là một người sống tiết kiệm, Hiên vẫn phải siết chặt thêm chi tiêu vì giá xăng tăng chóng mặt

Kế sách nào để "vượt bão"?

Biết rằng đợt bão giá lần này có thể gây hoang mang cho nhiều người, nhưng ai cũng phải tìm cách để tiếp tục duy trì cuộc sống của mình. Tuỳ vào mức thu nhập và nhu cầu của mỗi người mà cách "vượt bão" sẽ khác nhau.

Ngọc chia sẻ: "Hiện tại mình phải nấu cơm nhà mang theo để tiết kiệm tiền đặt ship đồ ăn ngoài, chỉ mua sắm những món đồ thật sự cần thiết, ít ăn vặt và tụ tập bạn bè. Do mình cảm thấy đi làm quá xa nên đã sắp xếp thời gian để đi làm sớm hơn và về muộn hơn xíu, né giờ cao điểm ra để tránh hao xăng và mệt mỏi".

Có thể thấy dù với mức thu nhập của một trưởng phòng Marketing, Thuý Ngọc vẫn phải thay đổi cách chi tiêu của mình trong đợt bão giá lần này. Cách của Thuý Ngọc tuy có kéo dài khoảng thời gian đi làm, nhưng lại tiết kiệm cả tiền xăng lẫn sức lực của bản thân.

Giảm mua sắm để đổ xăng  - Ảnh 4.

Thuý Ngọc chọn cách đi làm sớm hơn và về trễ hơn để tránh kẹt xe

Mặt khác, dù cùng với mục đích là tiết kiệm trong thời bão giá, Bắc Bình có vẻ lại quan tâm đến yếu tố thời gian hơn: "Mỗi lần ra ngoài mình sẽ lên kế hoạch xem đi những đâu, đi cung đường nào, để đường đi ngắn và hiệu quả nhất, tiết kiệm cả tiền xăng lẫn thời gian. Các chi phí sinh hoạt khác như nhu yếu phẩm cũng chỉ chi tiêu trong hạn mức mình tự quy định và mình cũng tìm kiếm các sản phẩm tương tự giá rẻ hơn hoặc nơi mua rẻ hơn. Vì công việc và ở xa nên mình không thường đi chợ được, nhưng nếu có thời gian đi chợ mình sẽ mua kha khá thực phẩm về để tự nấu ăn.

Mình cố gắng hạn chế việc tiêu dùng của bản thân quá hạn mức, nhưng giá tăng thì cũng vẫn có cơi nới mức chi phí rộng ra một chút, tầm 20 - 30% cho với trước, nhưng vẫn cố gắng không tiêu hết hạn mức".

Giảm mua sắm để đổ xăng  - Ảnh 5.

Bắc Bình đã phải lên kế hoạch cho cả việc đi lại lẫn chi tiêu của mình để vượt qua đợt bão giá này

Mua nhu yếu phẩm tại các siêu thị cũng là một phương án được nhiều bạn trẻ dùng để chỉnh chi tiêu của mình. Xuân Hiên cho biết mình đi siêu thị vì sẽ cảm giác thoải mái hơn khi mua hàng với giá niêm yết.

Ngoài ra, Xuân Hiên cũng cho rằng mỗi người nên có cách cân đối chi tiêu khác nhau: "Những nhu cầu nào là thiết yếu thì vẫn duy trì bình thường, còn những cái như đi cafe thì có thể giảm lại 1 lần/ tuần rồi rủ bạn về nhà chơi - bao tiết kiệm, bao vui".

Giảm mua sắm để đổ xăng  - Ảnh 6.

Xuân Hiên cho rằng việc cắt giảm những thứ "không cần thiết" cũng nên được xem xét theo nhu cầu của từng người

Kết

Có thể thấy những áp lực chi tiêu trong đợt bão giá lần này là chuyện không của riêng ai, nhưng giá xăng tăng chóng mặt đã đặc biệt ảnh hưởng đến những người đi làm việc xa nhà. Và dù mỗi người đều có cách tiết kiệm khác nhau để hướng tới những mục tiêu lớn hơn, chúng ta cũng không nên vì quá tiếc tiền mà bỏ bê sức khoẻ hay những nhu cầu thiết yếu của bản thân đâu nhé!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại