Giám đốc tình báo đối ngoại Đức buộc phải ra đi

Anh Thư |

Một nguồn tin chính phủ Đức ngày 26-4 cho biết người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài BND của nước này bị cho thôi chức sớm hơn 2 năm so với dự tính.

Reuters cho biết động thái này gây bất ngờ lớn khi xảy ra vào thời điểm mà Đức đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hiện vẫn chưa rõ vì sao ông Gerhard Schindler (63 tuổi), giữ chức vụ giám đốc BND từ năm 2012, lại buộc phải rời bỏ chức vụ trước khi ông đến tuổi về hưu.

Ông Schindler cũng đã trải qua một năm đầy áp lực khi đứng trước cáo buộc rằng BND đã đi ngược lại các lợi ích của Đức và do thám các đối tác trong liên minh châu Âu theo yêu cầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Theo đó nhiều người cho rằng BND đã giúp NSA do thám các quan chức châu Âu và các doanh nghiệp liên quan đến Đức-Mỹ và gây ra sự chia rẻ trong nội bộ chính quyền Đức.

Tuy nhiên sau đó dường như ông Schindler đã vượt qua cơn bão trên khi hứa sẽ tập trung kiểm soát các văn phòng BND mà ông thừa nhận đã "thực hiện lợi ích của riêng họ".

Do thám là một vấn đề nhạy cảm tại Đức vì việc mở rộng giám sát của cảnh sát mật Stasi trong cộng đồng Đông Đức và bởi Gestapo trong thời Đức quốc xã.

Cả chính phủ Đức lẫn BND đều không bình luận về thông tin ra đi của ông Schindler nhưng chánh văn phòng thủ tướng Đức Peter Altmaier cũng đã mời phóng viên tham gia một cuộc họp báo vào ngày hôm nay 27-4 (theo giờ Đức) mà không thông báo nội dung cụ thể.

Phương tiện truyền thông Đức cho rằng các quan chức chính phủ nghi ngờ rằng ông Schindler có thể làm thay đổi BND trong hai năm trước khi về hưu.

Nguồn tin của Reuters cho biết ông Schindler sẽ được thay thế bởi quan chức bộ tài chánh Bruno Kahl, một đồng minh thân cận của Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble.

Động thái này diễn ra sau khi IS tiến hành các cuộc tấn công khủng bố nhắm đến Paris và Brussels vì lỗ hổng trong cách các cơ quan tình báo châu Âu hợp tác và chia sẻ thông tin với nhau.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một bài phát biểu hồi đầu tuần tại Hanover, Đức đã thừa nhận những lo ngại về quyền riêng tư liên quan đến lịch sử nước Đức nhưng cũng khuyến cáo không nên can thiệp vào vấn đề an ninh.

"Nếu chúng ta thật sự coi trọng tự do của chúng ta thì chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để chia sẻ thông tin và tình báo bên trong châu Âu, cũng như giữa Mỹ và châu Âu nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố đi du lịch hoặc thâm nhập qua biên giới và giết người vô tội" - ông Obama cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại