Quan điểm hoàn toàn khác người khi đọc trọn hồi ký Thương Tín

Trần Hùng |

"Tôi không thích ở Thương Tín là việc tiêu tiền của gái. Và hầu như mối tình nào cũng thấy dính đến tiền và vẫn phái nữ là người rút hầu bao chính", anh Trần Hùng viết.

LTS: Mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về nội dung cuốn hồi ký "Thương Tín - một đời giông bão". Thậm chí trên mạng xã hội nhiều người còn lên án gay gắt nam diễn viên gạo cội này khi kể quá chi tiết về những cuộc tình đã qua.

Họ cho rằng, Thương Tín bán đời tư quá rẻ mạt khi nêu hẳn tên những người phụ nữ từng qua đêm với ông như diễn viên Diễm My, ca sĩ Hồng Nhung... Họ sợ tiết lộ này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của những người phụ nữ được nhắc đến trong hồi ký.

Tuy nhiên, khác với những bình luận trách cứ Thương Tín của một bộ phận lớn cư dân mạng, anh Trần Hùng - Trưởng đại diện phía Nam của công ty truyền thông Châu Bách lại có cái nhìn hoàn toàn khác khi đọc hết tác phẩm này.

Theo anh Trần Hùng thì nếu mọi người không mua cuốn hồi ký ủng hộ thì cũng không nên phán xét nữa bởi vì Thương Tín cũng khổ tâm và dằn vặt lắm rồi.

Nhưng ông vẫn phải làm là vì cô con gái bé bỏng. Bởi theo anh thì nếu ai đã làm cha thì sẽ hiểu, đôi lúc, vì con và chắc chỉ vì con cái thôi, ai cũng có thể hy sinh cả sĩ diện của bản thân.


Diễn viên Thương Tín.

Diễn viên Thương Tín.

1. Mình không phải là fan của Thương Tín, cho nên hơn 200 bộ phim ông đóng, mình chỉ nhớ duy nhất nhân vật Sáu Tâm trong Biệt Động Sài Gòn. Chấm hết!

Mình cũng không hề có khái niệm gì về ông diễn viên này cho đến khi người ta lôi ông ra để nguyền rủa trên mạng xã hội. Với đứa sống lý trí, mình tin rằng con người ta thành hay bại đều do chính bản thân họ, chính quyết định của họ.

2. Mình tìm mua cuốn Hồi ký của Thương Tín, chẳng phải vì hâm mộ ông, cũng không vì tò mò mấy cuộc tình của ông.

Mình ủng hộ khi ông đã nói rõ mục đích của cuốn hồi ký là vì cô con gái bé bỏng, và sau khi đọc những status chửi ông tơi tả trên Facebook.

Trộm nghĩ, sao người ta tự cho mình nhiều quyền thế? Kể cả những cô, cậu chưa chắc đã bằng tuổi con ông, chưa biết nhân cách đến đâu mà chửi ông như chửi con mình vậy, giống như kiểu Thương Tín vừa làm điều gì tệ hại lắm với họ vậy.

Mà những người mở miệng ra chửi đã mua và đọc hết cuốn hồi ký của ông chưa!?

3. Chắc do bị mạng xã hội lên án, cuốn Hồi Ký của Thương Tín nằm khá khiêm tốn trong một quầy sách. Chủ quầy cũng chẳng trưng ra hay làm điều gì để bạn đọc chú ý đến nó.

Mình hỏi về lượng tiêu thụ thì họ cho biết là có khá nhiều người mua (chắc mua âm thầm giống mình). Giá 120k dường như khá đắt so với một cuốn hồi ký được in xấu, dàn chữ xấu, bìa xấu và đóng gáy cũng xấu nốt.

Nhìn rất không bắt mắt và rẻ rúng. Thật tiếc khi Thương Tín cho ra đời một ấn phẩm kém chất lượng như vậy.

4. Mình ngấu nghiến đọc một mạch hết cả cuốn. Mới đầu cũng hơi khó chịu vì người chắp bút để nhiều sạn khi biên tập, về sau thì đỡ hơn.

Sự thật là, các mối tình của ông, thứ mà làm cho mạng xã hồi nhảy vào xâu xé ông, lên mặt đạo đức với ông thì lại chìm nghỉm trong cuốn hồi ký.

Kể cả chị Diễm My, đọc xong mình còn chả biết chị My xuất hiện và ra đi trong bao nhiêu chữ ở cuốn này. Nói chung, hoàn toàn không có khái niệm tình ái gì trong cuốn này.

Và chắc chắn các ông chồng của người xưa hay người xưa của Thương Tín khi đọc xong cũng chả có cảm giác "bị khơi lại vết thương lòng" như các bạn kền kền vẽ ra. Nói thế cho nhanh.

5. Đọc xong, mình nghiệm ra một điều Thương Tín bất trị từ nhỏ. Bố mẹ ông hoàn toàn bó tay trong việc giáo dục hay uốn nắn ông theo khuôn mẫu chung của xã hội thời đấy.

Chính việc không theo con sát sao của phụ huynh nên Thương Tín sống và trưởng thành rất bản năng và hoàn toàn không có khái niệm "giá trị gia đình" trong đầu.

Và cho tới tận khi ông ở cái tuổi U60 mới nhận ra điều này. Đọc từ đầu đến cuối, mình chẳng tìm thấy điểm nào để thương cảm (chắc ông cũng chả cần) mà chỉ thấy ông luôn đáng trách.


Theo Trần Hùng thì đến tuổi về già Thương Tín mới nhận ra được giá trị gia đình.

Theo Trần Hùng thì đến tuổi về già Thương Tín mới nhận ra được "giá trị gia đình".

6. Điểm thứ hai mà mình không thích ở Thương Tín nữa là việc tiêu tiền của gái. Và hầu như mối tình nào cũng thấy dính đến tiền và vẫn phái nữ là người rút hầu bao chính.

Nói thật, nhiều khi đọc mình cảm thấy sượng. Đường đường là một trang hảo hán kiếm tiền giỏi vậy mà cứ lấy tiền của bồ đi tiêu như đúng rồi. Hay thời đó có khẩu hiệu: "Tôi nổi tiếng, tôi có quyền!?".

Mình nhớ có đoạn ông kể đi đóng phim một tháng được 2 cây vàng (bằng giá trị một căn nhà ở trung tâm) mà tiêu hết 10 cây vàng (đương nhiên tiêu của gái thêm 8 cây rồi).

Thời nay mà vậy chắc ông sẽ được gắn thêm mác đào mỏ hay trai bao rồi nhỉ!? Nói chung, đọc xong thấy Thương Tín bị quả báo nhãn tiền.

Ông bị ghét nhiều hơn là được thương cảm. Do đó có thể nói, ông Tín đã rất trung thực trong cuốn nhật ký này.

7. Các mối tình của ông chắc cũng chẳng là gì nếu sau này giới trẻ được đọc hồi ký của mấy em trong giới showbiz hiện nay đâu nhỉ? Chắc khác một điều, ông Tín thì các em lăn tới, còn các sao hiện nay thì phải chịu khó săn.

Vì thế, có một điều dành cho các bạn trẻ khi yêu hay có quan hệ tình cảm với các nhân vật nổi tiếng thì hãy thận trọng, vì biết đâu vài chục năm nữa, tên bạn lại xuất hiện trong cuốn hồi ký của ai đó nhỉ?

Nói chung, dám làm thì dám chịu. Dám chơi thì tuân thủ luật chơi giống ông Tín nhé.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại