Giải phóng Aleppo, Syria đối diện bài toán hóc búa nhất: Số phận Assad thế nào?

Linh Nguyễn |

Nằm ở vị trí trung tâm nội chiến Syria và mạng lưới tranh chấp tầm ảnh hưởng tại khu vực, tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ là một quân cờ hay là nhân vật không thể thay thế?

Bài viết thể hiện góc nhìn của John Bell, từng là nhà ngoại giao Liên Hợp quốc và cố vấn cho chính phủ Canada, khắc họa nhiều khía cạnh khác nhau của "bài toán Assad", thực trạng cục diện chính trị và xã hội của Syria, và một hướng giải thoát cho Syria khỏi vòng xoáy chiến tranh và cán cân lợi ích của các bên.

Trong thời gian trở lại đây, cuộc tranh luận xoay quanh tương lai chính trị của Syria phần lớn tập trung vào số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.

Sau chiến thắng tại Aleppo, cùng với sự hậu thuẫn chắc chắn của Nga và Iran trong tay, thật không ngoa khi khẳng định rằng vị thế của nhà lãnh đạo Syria khá an toàn trong lúc này.

Ở Assad có điều gì khiến ông trở thành trung tâm của sự chú ý? Một số người tranh luận rằng nếu ông không nắm quyền, phe Hồi giáo cực đoan sẽ chiếm đoạt toàn bộ Syria.

Viễn cảnh trên không chỉ là mối đe dọa với Syria và cư dân thiểu số tại đây, mà còn là vấn đề lớn với châu Âu, Nga và hơn thế nữa. Như Nga, Iran và chính Assad đã liên tiếp khẳng định: Chỉ có Assad và hệ thống của ông mới có thể đẩy lùi nguy cơ đó.

Lý lẽ của phe đối lập cho rằng chính Assad mới là nguồn căn của khủng bố. Trong thời gian nắm quyền, ông đã hạn chế không gian chính trị, và kích động nhiều phẫn nộ đến mức giới thanh niên trở nên cực đoan.

Chính Assad cũng là người đưa chiến binh Hồi giáo cực đoan đến tham chiến tại Iraq chống lại quân Mỹ, và gần đây còn trả tự do cho họ nhằm mục đích gia tăng hàng ngũ cực đoan; có nghĩa là, Assad vừa là kẻ châm lửa, vừa là người dập lửa.

Assad có thực sự không thể thay thế?

Với một số người, Assad được ủng hộ vì ông là người duy nhất có thể duy trì toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Syria.

Thái độ cứng rắn và đất nước đoàn kết của ông là thành tố tối quan trọng để phòng tránh các lực lượng ly khai. Nhìn từ góc độ này, phe đối lập không chỉ cực đoan, mà còn kết nối lỏng lẻo và không tiêu biểu - phần lớn không sở hữu bộ phận người ủng hộ nào.

Lập luận đối trọng cho rằng, Assad đã phá hủy Syria trong nỗ lực giữ đất nước vẹn toàn, bởi các lực lượng nổi dậy không thể gây nhiều thiệt hại như những gì Assad và đồng minh đã gây ra.

Hàng triệu người mất nhà cửa, bị thương hoặc tử vong, hàng nghìn người khác lầm vào cảnh tù tội. Nếu Assad có cứu được Syria khỏi số phận trở thành một vương quốc Hồi giáo (caliphate) đi chăng nữa, hành động của ông cũng đã tạo ra một tâm thế bạo lực.

Đây chính là bài toán Assad: Có hay không một Syria thống nhất mà không có ông? Có hay không một Syria vững mạnh nếu có ông?

Thật khó để tin rằng, tương lai một đất nước lại dựa vào số phận của một người. Một số thông tin gần đây khẳng định rằng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang cân nhắc việc để Assad rời đi sau khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc, người kế nhiệm sẽ là tín đồ Hồi giáo Alawi đỡ phiền phức hơn.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa kết thúc, và những mâu thuẫn giữa ba cánh tay quyền lực cùng với chính vai trò của Assad cho thấy vẫn còn nhiều trở ngại phía trước.

Giải phóng Aleppo, Syria đối diện bài toán hóc búa nhất: Số phận Assad thế nào? - Ảnh 1.

Khung cảnh hoang tàn tại Kobani - một thành phố biên giới phía bắc Syria, cũng là một trong những chiến trường ác liệt nhất của cuộc xung đột. (Ảnh: AFP/Getty)

Một điều hiếm nhất trong thế kỷ 21

Có thể còn một câu hỏi tế nhị nữa hướng sự chú ý rời khỏi Assad: Làm sao để Syria có thể phát triển theo đường lối tốt lành và giàu đẹp cho người dân?

Vì sự ổn định và hướng phát triển tích cực là cần thiết, người ta có thể tưởng tượng về một là lãnh đạo độc đoán nắm giữ rường cột đất nước, trong khi vẫn để ra khoảng trống cho phép một hệ thống tốt hơn xuất hiện.

Cả hai phương diện của bài toán đều chỉ về một yếu tố thuộc về xã hội. Có thể tồn tại mối quan hệ giữa Nhà nước Hồi giáo (IS) và Assad - cả hai đều là đại diện của một nền văn hóa bạo lực và độc đoán. Để phát triển xa rời khỏi con đường đó, cần sự thay đổi trong thói quen xã hội hơn là chính trị.

Những người Syria có thể sẽ run rẩy rằng số phận của họ chỉ nằm giữa hai lựa chọn là chính phủ độc đoán của Assad hoặc các nhóm cực đoan.

Nhiều người đã sẵn sàng đón đợi một xã hội bớt bạo lực. Tuy nhiên, rất có thể nền chính trị của Syria là tấm gương phản chiếu hoàn cảnh xã hội thay vì ngược lại. Do đó, thử thách của người dân Syria sẽ không chỉ đến từ các thế lực hung hăng bên ngoài.

Như vậy, giải pháp khả thi nhất có lẽ là tạo ra một nét văn hóa bớt độc đoán hơn tại Syria, dù là về hệ tư tưởng như IS, hay do nhà nước dẫn dắt như Assad. Về lâu dài, một nền văn hóa và xã hội như vậy sẽ từ chối cả hai.

Công việc này sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn nếu những quốc gia muốn duy trì hiện trạng nhằm tư lợi giảm bớt can thiệp. Những phe mưu cầu dân chủ ngay lập tức cũng cần tỉnh táo hơn.

Chính công cuộc cải tổ xã hội và văn hóa sâu xa này, chứ không phải bài toán Assad, mới là cần thiết để đưa Syria đến thịnh vượng, tuy rằng chậm mà chắc. Và để đạt được điều này, cần một điều đặc biệt hiếm thấy trong nền chính trị gấp gáp của thế kỷ 21: Thời gian.

Ngày nay, có ai đủ kiên nhẫn và tầm nhìn cho một đại công cuộc như vậy?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại