Mâu thuẫn đang chia rẽ đảng Cộng hòa thành hai phe. Một bên là những nghị sĩ như ông John McCain và Lindsey Graham, phía còn lại tổng thống đắc cử Donald Trump cùng cố vấn an ninh quốc gia – tướng về hưu Michael Flynn.
Căn nguyên của mâu thuẫn này thực ra là một câu hỏi rất cơ bản: Nga và tổng thống Vladimr Putin có thể gây nguy hiểm cho nước Mỹ đến mức nào?
Thượng nghị sĩ John McCain, nhân vật chủ chốt của phe có thái độ cứng rắn với Nga (Ảnh: AP)
Chia rẽ trong quan điểm về Nga
John McCain tin rằng ông Putin là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước Mỹ, thể hiện bằng việc phá hoại các giá trị dân chủ Mỹ, coi thường các quy tắc vê trật tự quốc tế và chống lại ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.
Vị thượng nghị sĩ bang Arizona đã đặt lịch cho một cuộc điều trần tại Thượng viện vào ngày 5/1 để nghe về các nguy cơ tấn công mạng từ nước ngoài, đồng thời thúc giục các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga.
Ở phía bên kia của đảng Cộng hòa, với đại diện tiêu biểu nhất là tướng về hưu Flynn (mới được Trump đề cử vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia), Nga lại được coi là một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan, đồng thời là một đối tác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực.
Những người theo phe ông McCain đã và đang chỉ trích tổng thống đắc cử Trump vì "quá gần gũi" với ông Putin.
Sắp tới, trong phiên điều trần về vị Ngoại trưởng mới được đề cử, ông Rex Tillerson, các nhà lập pháp Mỹ theo quan điểm của ông McCain sẽ làm cho ông Tillerson có một khoảng thời gian khó khăn.
Họ chắc chắn sẽ muốn làm rõ Ngoại trưởng tương lai sẽ có cách tiếp cận Kremlin như thế nào, vì ông Tillerson vốn có mối quan hệ thân thiện với Nga và Putin trong nhiều năm qua trên cương vị CEO của hãng Exxon Mobil.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa, đồng thời là thành viên của Ủy ban Đối ngoại thượng viện, đã từng tuyên bố rằng "là một người bạn của Putin" là yếu tố ông không mong muốn ở một ngoại trưởng Mỹ.
Evan McMullin, cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), cho rằng Mỹ có thể đánh bại các lực lượng Hồi giáo cực đoan, cụ thể là IS, mà không cần đến Nga.
"Nếu chúng ta định hợp tác với Nga mà không yêu cầu nước này dừng việc tấn công các thể chế dân chủ phương Tây, thì đó sẽ là điều không thể chấp nhận được", McMullin nói.
Tướng Michael Flynn, người ủng hộ mở rộng hợp tác với Moscow trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chống khủng bố (Ảnh: Russia Insider)
Trump sẽ phải khẳng định vị thế "tổng thống" càng sớm càng tốt
Thực tế, cho tới nay, quan điểm về Nga của Ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson vẫn chưa rõ ràng. Tillerson đã từng ca ngợi tổng thống Putin và phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga vì xung đột ở Ukraine, nhưng đó chỉ là những việc ông làm theo đúng nguyên tắc "vì lợi ích kinh doanh" của ExxonMobil.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, người đã từng làm cố vấn cho Exxon và đề cử ông Tillerson với Trump, đã trả lời trên truyền hình vào tháng 12/2016: "Mọi người đang sai lầm khi cho răng ông Tillerson là ‘bạn tốt nhất’ của ông Putin".
Mặc dù có sự căng thẳng và chia rẽ nội bộ, nhưng chưa có thượng nghị sĩ Cộng hòa nào từ phe ông McCain lên tiếng sẽ bỏ phiếu chống lại việc ông Tillerson làm Ngoại trưởng.
Sắp tới đây, khi ông McCain và ông Flynn đều là những nhân vật cốt cán tại Thượng viện và Nhà Trắng, sự căng thẳng và bất đồng quan điểm có thể sẽ mang tới những diễn biến mới.
Tuy nhiên, nhà phân tích Matthew Rojansky – Giám đốc Viện nghiên cứu Kennan (chuyên sâu về Nga, Ukraine và các nước Đông Âu khác) ở Washingotn – cho rằng:
"Những phản ứng với Nga mà chúng ta đang nhìn thấy trong nội bộ đảng Cộng hòa, ở một góc độ nào đó, là một biểu hiện của việc ‘tổ chức lại’ trong nội bộ các đảng chính trị Mỹ. Biểu hiện này cho thấy một điều gì đó rất quan trọng đang diễn ra trong hệ thống chính trị của chúng ta".
Nhà bình luận theo hướng bảo thủ Pat Buchanan thì đánh giá, việc Trump đề cử Tillerson là một cách khởi động tốt cho việc phá vỡ các quan điểm của những nghị sĩ như ông McCain trong các chính sách với Nga.
Ông Buchanan viết trên trang Townhall hồi tháng trước rằng: "Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, nếu không phải là từ trước đó, Trump sẽ áp đặt các chính sách đối ngoại của mình lên đảng Cộng hòa cũng như chính phủ mới. Nếu không làm như vậy, quyền lực tổng thống của Trump sẽ bị phá vỡ".