"Giải oan" ở Nagorno-Karabakh: Ông Putin xứng đáng là "vị cứu tinh"?

Trương Mạnh Kiên |

Một số người Armenia cảm thấy bị Nga phản bội trong xung đột ở Nagorno-Karabakh nhưng trên thực tế họ nên cảm ơn "vị cứu tinh" của mình.

Giải oan ở Nagorno-Karabakh: Ông Putin xứng đáng là vị cứu tinh? - Ảnh 1.

Armenia đã được Nga giúp thoát khỏi kịch bản tồi tệ hơn.

Vị thế của Moscow trên "bàn cờ chiến lược"

Khi giao tranh bùng phát vào tháng 9 tại khu vực Nagorno-Karabakh, một số người Armenia cảm thấy bị phản bội khi đồng minh lâu đời là Nga đã không hỗ trợ nhiều cho các chiến binh người Armenia trong cuộc xung đột.

Nhưng mọi thái độ ác ý của Yerevan đối với Điện Kremlin dường như đã lắng xuống kể từ khi Moscow làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt giao tranh vào ngày 10/11, dọn đường cho việc triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga đến khu vực căng thẳng.

Nói với RFE, nhà phân tích chính trị Richard Giragosian cho rằng nhiều người Armenia hiện nay lại coi Nga như một "vị cứu tinh" chứ không phải là "vật tế thần" để đổ lỗi cho những tổn thất lãnh thổ của lực lượng Armenia.

Giragosian, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khu vực có trụ sở tại Yerevan, cho biết: "Đó là một nghịch lý thú vị bởi trong suốt cuộc chiến kéo dài 45 ngày, có một mức độ phẫn nộ và thất vọng ở Armenia lẫn ở Nagorno-Karabakh, cho rằng Nga thụ động và trầm ngâm một cách lạ thường".

"Nga đã không đến ngay lập tức để hỗ trợ hoặc đáp ứng các kỳ vọng an ninh của nhiều người Armenia ở Nagorno-Karabakh. Phần lớn dân số ở Armenia đã mong đợi một phản ứng mạnh mẽ hơn của Nga", ông nói thêm.

"Nhưng cần phải lưu ý rằng, Nga đã xác định rõ các nghĩa vụ an ninh của họ đối với Armenia chỉ dừng lại ở biên giới Armenia. Nga nhất định sẽ bảo vệ và hỗ trợ Cộng hòa Armenia, chứ không phải ở Nagorno-Karabakh".

Arman Grigorian, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Lehigh ở Pennsylvania, Mỹ, cho biết ông cũng nghe thấy những lời phàn nàn của những người Armenia bày tỏ "sự thất vọng vì Nga đã không làm nhiều như họ kỳ vọng trong chiến tranh".

"Nhưng bạn cũng có thể nghe thấy quan điểm khác thừa nhận nếu không có Nga ra tay thì người Armenia thậm chí còn bị hủy diệt ở Nagorno-Karabakh".

"Họ cho rằng Nagorno-Karabakh sẽ bị thất thủ hoàn toàn, nếu không muốn nói là chính Armenia còn bị tấn công bởi Azerbaijan", Grigorian mô tả.

"Cuối cùng, chính những nỗ lực của Nga đã ngăn chặn chiến tranh. Nếu không có những nỗ lực của Nga thì công bằng mà nói rằng kết quả của cuộc chiến có lẽ đã tồi tệ hơn đối với người Armenia", chuyên gia Grigorian nêu quan điểm.

Grigorian cũng nói rằng những người cáo buộc Nga khiến các chiến binh của Armenia thất bại ở Nagorno-Karabakh "nên tự hỏi mình xem quốc gia nào khác đã hỗ trợ người Armenia hoặc làm nhiều hơn những gì người Nga đã làm trong việc ngăn chặn cuộc chiến này".

Bên cạnh một thỏa thuận đình chiến thất bại vào ngày 26/10 do Washington dàn xếp và một số "tuyên bố thông cảm" của Pháp và Mỹ, "tôi chưa thấy bất kỳ nỗ lực nào từ họ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác để mở rộng viện trợ quân sự cho Armenia hoặc đe dọa Azerbaijan bằng các biện pháp trừng phạt hoặc bất cứ điều gì khác để ngăn chặn cuộc chiến đó", Grigorian nói.

Thay đổi thái độ

Giải oan ở Nagorno-Karabakh: Ông Putin xứng đáng là vị cứu tinh? - Ảnh 2.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.

Vào ngày 21-22/11, khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới thăm Yerevan để thảo luận về quá trình thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, Thủ tướng Nikol Pashinyan nhấn mạnh rằng Nga là một đồng minh đáng tin cậy.

"Tôi muốn lưu ý rằng trong suốt cuộc chiến, chúng tôi cảm nhận được sự hỗ trợ của Liên bang Nga, của Tổng thống Vladimir Putin, của Thủ tướng Nga và sự ủng hộ của cá nhân bạn", ông Pashinyan nói với ông Lavrov.

Đây được coi là một sự thay đổi quan trọng trong giọng điệu của chính quyền Pashinyan, người ban đầu được coi là một nhà lãnh đạo thân phương Tây đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu.

Chuyên gia Giragosian cho biết, Armenia "sẽ mãi mãi nằm trong quỹ đạo của Nga" sau kết quả của cuộc chiến này.

Theo chuyên gia Giragosian, một lý do đằng sau sự thay đổi thái độ đối với Nga của nhiều người Armenia là "việc triển khai nhanh chóng các lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực xung đột".

"Điều này đã giúp người Armenia ở Nagorno-Karabakh bảo đảm và cứu vãn những gì còn lại của lãnh thổ mà họ kiểm soát sau cuộc chiến, đặc biệt là sau khi Azerbaijan đã giành được phần lớn lãnh thổ tại đây", Giragosian nói.

"Nhưng động lực thực sự cho sự hoan nghênh muộn màng này đối với vai trò của Nga trong tình hình thời hậu chiến là yếu tố thứ hai - sự tham gia trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến", Giragosian kết luận. "Điều đó, theo nhiều cách, đã thay đổi động lực và khiến nhiều người Armenia vượt qua sự bất bình đối với Nga, hướng tới một vòng tay chào đón ấm áp hơn".

"Trên thực tế, nhiều người Armenia nhận thằng rằng Nga là vị cứu tinh trong việc cứu sống và bảo vệ không chỉ người Armenia ở Nagorno-Karabakh mà còn bảo vệ và đảm bảo huyết mạch của Hành lang Lachin".

"Theo nhiều cách, tương lai và an ninh của người Armenia ở Nagorno-Karabakh phụ thuộc vào chưa đầy 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga. Điều đó khiến mối quan tâm càng tăng thêm và trở thành thực tế hiện nay".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại