Giải mật Chiến dịch Bão táp của Anh: Hồi sinh "siêu bom" sau cú phản bội cay đắng của Mỹ

Trang Ly |

Sau thành công của Chiến dịch Bão táp, Anh đưa tên mình vào danh sách 3 nước đầu tiên trong lịch sử sở hữu bom nguyên tử, sau Mỹ và Liên Xô.

Giải mật Chiến dịch Bão táp của Anh: Hồi sinh siêu bom sau cú phản bội cay đắng của Mỹ - Ảnh 1.

Ngày 16/7/1945, nước Mỹ đưa thế giới bước vào buổi "bình minh của kỷ nguyên vũ khí nguyên tử" sau khi cho ra đời và thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại mang mật danh "Trinity".

Ba năm sau ngày Tổng thống Mỹ đương thời Franklin D. Roosevelt (1882-1945) thành lập Manhattan Project (Dự án Manhattan) - cái nôi của quả bom "Trinity" - với kinh phí khổng lồ cùng những bộ óc xuất chúng của các nhà khoa học, thế giới chấn động với sức hủy diệt khủng khiếp của loại vũ khí mới mang năng lượng cực cao này.

Có thể nói, Dự án Manhattan là kết quả của sự hợp tác quốc tế giữa Mỹ và Anh trước khi Thế chiến thứ 2 (1939-1945) kết thúc. Tuy nhiên, thay vì được hưởng lợi sòng phẳng từ Manhattan Project, Anh sớm bị Mỹ phản bội để âm thầm đưa mình lên vị trí ngôi vương hạt nhân của thế giới trước khi chiến tranh kết thúc.

Giải mật Chiến dịch Bão táp của Anh: Hồi sinh siêu bom sau cú phản bội cay đắng của Mỹ - Ảnh 2.

Quay trở lại những năm đầu thập niên 1930,

Nhiều năm trước khi trở thành Thủ tướng Anh, Winston Churchill (1874-1965) đã bị mê hoặc bởi ý tưởng về một quả bom nguyên tử. Trong một bài phát biểu năm 1931 mang tên “Fifty Years Hence - 50 năm sau", đưa ra dự báo chính xác về sự ra đời và phát triển của năng lượng nguyên tử, ông khẳng định:

"Năng lượng nguyên tử mạnh hơn rất nhiều so với năng lượng phân tử (molecule energy) mà chúng ta sử dụng ngày nay. Thế nhưng, đến nay chưa có câu hỏi nào của các nhà khoa học thế giới bàn về sự tồn tại của nguồn năng lượng khổng lồ này..."

Không để Winston Churchill phải chờ lâu. Chưa đầy một thập kỷ sau đó, năm 1938, phát hiện phân hạch hạt nhân của 2 nhà hóa học người Đức Otto Hahn và Fritz Strassmann đã khuấy động giới khoa học cuộc đua phát minh ra bom năng lượng cao.

Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ là chất xúc tác cho sự phát triển của bom nguyên tử. Báo động hơn nữa khi trùm phát xít Đức Adolf Hitler úp mở về loại "vũ khí bí mật" có sức hủy diệt khủng khiếp, có khả năng thay đổi cục diện của cuộc chiến, khi đó, chính phủ Anh bắt đầu coi trọng việc phát triển loại "siêu bom".

Mọi chuyện thay đổi khi vào tháng 3/1940, tại Đại học Birmingham (Anh), nhà vật lý người Anh sinh ở Đức Rudolf Peierls (1907-1995) và đồng sự người Áo (1904-1979) Otto Frisch đã cùng viết một tài liệu mang tên "Frisch–Peierls memorandum" (bản trình bày kỹ thuật đầu tiên của vũ khí hạt nhân) để giải thích rằng: Chỉ cần một khối lượng nhỏ uranium-235 phân hạch, người ta có thể chế tạo một quả bom nguyên tử có sức mạnh hàng ngàn tấn thuốc nổ TNT.

"Frisch–Peierls memorandum" nhanh chóng tạo nên cơn chấn động trong giới khoa học thế giới, bởi thời đó, người ta vẫn nghĩ rằng để chế tạo một quả bom nguyên tử như vậy cần rất nhiều tấn uranium, và dó đó, bom nguyên tử chỉ là vũ khí lý thuyết, không có tính khả dụng.

Trở thành phát hiện then chốt, phát hiện của hai nhà vật lý nhanh chóng kích thích sự quan tâm của Anh và sau đó là Mỹ về vũ khí hạt nhân.

Tháng 5/1940, Winston Churchill trở thành Thủ tướng Anh. Một trong những quyết sách đầu tiên của ông sau khi nhậm chức là thành lập một tiểu ban uranium để tư vấn cho chính phủ cách thức chế tạo "siêu bom".

Ủy ban Khảo sát Khoa học về Không chiến Anh (CSSAW) lập tức thành lập Ủy ban MAUD với sứ mệnh xác định xem việc sản xuất một quả bom nguyên tử thời đó có khả thi hay không.

Sau 15 tháng làm việc miệt mài, năm 1941, với hai bản báo cáo cho thấy tính khả thi cũng như tiềm năng khủng khiếp của uranium trong vũ khí hạt nhân cũng như năng lượng tương lai, Ủy ban MAUD được lệnh của Thủ tướng Anh thành lập chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên của Anh (hợp tác với Canada) mang mật danh "Tube Alloys".

Tube Alloys là mật mã của dự án phát triển nguyên tử của Anh trong suốt thời gian Thế chiến 2 diễn ra.

Tin tức về tiềm năng hủy diệt của uranium đến tai Mỹ. Tuy nhiên, so với Anh, các nghiên cứu và công trình khoa học của Anh vẫn vượt xa Mỹ thời đó. Tháng 8/1941, khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đề nghị hợp tác chương trình hạt nhân với Anh, Thủ tướng Winston Churchill tỏ ra hững hờ vì muốn đơn phương phát triển một chương trình Tube Alloys tiên tiến hơn so với Washington.

Trớ trêu thay, dự án Tube Alloys của Anh đã bị một số điệp viên, trong đó có Donald Maclean, Guy Burgess và Klaus Fuchs - một nhà khoa học người Anh gốc Đức - xâm nhập. Bí mật của Anh phần nào bị rò rỉ đến Mỹ và Liên Xô.

Khi người Anh nhận thấy tiến độ chậm của dự án Tube Alloys so với Mỹ sau khi các quan chức Anh đến thăm Mỹ và hoàn toàn ấn tượng với khả năng tổ chức cũng như nguồn lực khoa học mà người Mỹ xây dựng, thì Thủ tướng Anh đổi ý và nhắc lại về đề nghị của Tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Thời bấy giờ, Winston Churchill vốn sẵn có ảnh hưởng sâu sắc đến Tổng thống Mỹ, nên hai quốc gia nhanh chóng bắt tay hợp tác để phát triển vũ khí hạt nhân.

Giải mật Chiến dịch Bão táp của Anh: Hồi sinh siêu bom sau cú phản bội cay đắng của Mỹ - Ảnh 3.

Thủ tướng Anh Winston Churchill (phải, ngồi) và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt (trái, ngồi). Nguồn: Smithsonian Magazine

Ngày 19/8/1943, tại Hội nghị Quebec (Canada), Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt cùng nhau ký kết Hiệp định Quebec, chứa các điều khoản hướng tới sự phát triển đồng bộ của khoa học & kỹ thuật; đồng thời tập hợp các nguồn lực của hai bên để cùng phát triển năng lượng hạt nhân, đặc biệt là vũ khí hạt nhân.

Sau khi Hiệp định Quebec được ký kết, hai bên đã thành lập Ủy ban Chính sách kết hợp (CPC) với sự tham gia của Mỹ, Vương quốc Anh và Canada. Hiệp định Quebec cũng cung cấp cho Dự án Manhattan các nguồn tài nguyên uranium của Anh; thành lập một trung tâm nghiên cứu tại Montreal (Canada) và đảm bảo sự tham gia của các nhà khoa học Anh.

Nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Anh sớm được chuyển đến Mỹ để làm việc trong Dự án Manhattan. Nhóm 19 nhà khoa học thuộc dự án của Anh làm việc tại Los Alamos (nơi nghiên cứu vũ khí nguyên tử và quả bom nguyên tử Mỹ) bao gồm Chadwick, Peierls, Klaus Fuchs và William Penney.

Tuy nhiên, Tướng Leslie Groves của Mỹ, người trước đó phản đối sự hợp tác này, đã bí mật hạn chế vai trò cũng như thông tin của Dự án Manhattan cho các nhà khoa học đến từ Anh.

Tháng 9/1944, một hội nghị thượng đỉnh thứ hai đã được tổ chức tại thành phố Quebec để thảo luận về kế hoạch cho cuộc tấn công cuối cùng vào Đức và Nhật Bản. Vài ngày sau, Winston Churchill và gia đình đã đến gia trang của Tổng thống Roosevelt ở Hyde Park, New York.

Hai nhà lãnh đạo đã cam kết một bản ghi nhớ, sự hợp tác đầy đủ giữa Mỹ và chính phủ Anh trong việc phát triển Tube Alloys cho mục đích quân sự và thương mại.

Bất chấp cam kết này, cái chết của Tổng thống Roosevelt vào năm 1945 đã đánh dấu sự kết thúc của Anh và Mỹ thời chiến. Tổng thống kế nhiệm Harry S. Truman đã chọn cách không tuân theo thỏa thuận thứ hai này; và chương trình nghiên cứu hạt nhân của Mỹ chính thức được chuyển giao kiểm soát từ giới quân sự sang dân sự trong Đạo luật Năng lượng nguyên tử ngày 1/8/1946.

Kết quả, ngày 16/7/1945, nước Mỹ giành "ngôi vương" tiên phong trong việc dẫn dắt nhân loại bước vào kỷ nguyên nguyên tử. Anh ngậm ngùi ở lại phía sau.

Giải mật Chiến dịch Bão táp của Anh: Hồi sinh siêu bom sau cú phản bội cay đắng của Mỹ - Ảnh 4.

Người Anh đã góp phần tạo ra thành công một quả bom nguyên tử mà theo nhiều nhà khoa học Anh nói rằng, nếu không có sự giúp đỡ của Ủy ban MAUD, Dự án Manhattan của Mỹ sẽ bắt đầu muộn lại nhiều tháng.

Nước Anh sau cuộc chiến phải đối mặt với thực tế rằng họ đã bị cắt đứt khỏi bí mật của Dự án Manhattan.

Năm 1947, Thủ tướng Anh Clement Attlee đã đưa ra quyết định độc lập theo đuổi chương trình bom nguyên tử của Anh. Một tiểu ban nội các đặc biệt đã nhanh chóng được ủy quyền để nghiên cứu và phát triển vũ khí nguyên tử.

Ngày 8/1/1947, tiểu ban nội các Anh quyết định đưa ra dự án "High Explosive Research" nhằm phát triển độc lập bom nguyên tử, để đáp lại sự e ngại về việc Mỹ quay trở lại chủ nghĩa cô lập, lo ngại rằng Anh có thể làm mất vị thế cường quốc và việc Mỹ rút đơn phương từ việc chia sẻ công nghệ hạt nhân theo Hiệp định Quebec 1943.

Nguyên soái của Không quân Hoàng gia Anh Charles Frederick Algernon Portal được giao nhiệm vụ giám sát dự án High Explosive Research trong khi William Penney - nhà khoa học Anh được ví như J. Robert Oppenheimer (nhà vật lý Mỹ, người đứng đầu Dự án Manhattan) - đứng đầu.

Trong thời gian làm việc tại Los Alamos, dù bị cho là hạn chế thông tin về chương trình hạt nhân Mỹ, nhưng William Penney vẫn có những thông tin tối quan trọng. Do đó, một trong những hành động đầu tiên mà Penney đã thực hiện là soạn thảo một tài liệu có tên "Vũ khí Plutonium - Mô tả chung", tập hợp tất cả các ghi chép của các nhà khoa học Anh từng làm việc tại Los Alamos trong Dự án Manhattan.

Do đó, "Siêu bom" của Anh dựa trên thiết kế của bom nổ plutonium của Mỹ. Plutonium được sản xuất chủ yếu từ các lò phản ứng dưới sự giám sát của kỹ sư hạt nhân Anh Christopher Hinton.

Giải mật Chiến dịch Bão táp của Anh: Hồi sinh siêu bom sau cú phản bội cay đắng của Mỹ - Ảnh 5.

Nhà máy plutonium đầu tiên của Anh được xây dựng tại Sellafield, sau đổi tên thành Windscale, ở Cumberland, Tây Bắc Anh. Sellafield nhanh chóng trở thành "xương sống" của chương trình hạt nhân Anh những năm 1950.

Năm 1951, Winston Churchill sau khi thắng cử và giữ chức vụ Thủ tướng Anh lần thứ hai, đã đàm phán để sử dụng đảo Monte Bello của Úc làm nơi thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nước này.

Ngày 3/10/1952, Anh mở Chiến dịch Bão táp, hay còn gọi là chiến dịch thử vũ khí nguyên tử đầu tiên trong lịch sử Anh Quốc. Quả bom 25 kiloton được kích nổ bên trong thân tàu HMS Plym, sau tiếng nổ đinh tai cùng đám mây nấm khổng lồ, quả bom làm bốc hơi con tàu hoàn toàn!

Nhà khoa học William Penney được phong tước Hiệp sĩ ngay sau ngày 3/10/1952 trọng đại, đi vào lịch sử Anh Quốc đó.

Sau thành công của Chiến dịch Bão táp, Anh đưa tên mình vào danh sách 3 nước đầu tiên trong lịch sử sở hữu bom nguyên tử, sau Mỹ và Liên Xô, trở thành cường quốc hạt nhân thứ 3 trên thế giới.

Giải mật Chiến dịch Bão táp của Anh: Hồi sinh siêu bom sau cú phản bội cay đắng của Mỹ - Ảnh 6.

Sau khi Chiến dịch Bão táp thành công, Anh cùng Mỹ và Liên Xô trở thành 3 cường quốc hạt nhân của thế giới. Ảnh minh họa.

Sau khi thử nghiệm thành công vũ khí nguyên tử đầu tiên của mình, người Anh mong đợi sự tái hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, Mỹ đã thử nghiệm quả bom hydro (bom nhiệt hạch) đầu tiên của mình. Điều này một lần nữa đưa Mỹ ở một lợi thế công nghệ vượt trội và dĩ nhiên Mỹ không có bất kỳ mong muốn chia sẻ bí mật hạt nhân nào với Anh.

Năm 1954, Thủ tướng Churchill đã ra lệnh rằng Anh phải phát triển bằng được vũ khí nhiệt hạch. Chưa đầy 3 năm sau, Vương quốc Anh đã thử nghiệm thành công quả bom hydro đầu tiên vào ngày 8/11/1957.

Đến thời điểm này, Liên Xô cũng đã sở hữu bom hydro và thậm chí còn vượt xa khả năng công nghệ của Mỹ với việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới, Sputnik 1, vào tháng 10/1957.

Không có lợi thế quân sự rõ ràng, cuối cùng vào năm 1958, Mỹ đồng ý chia sẻ thông tin hạt nhân với Anh bằng cách sửa đổi Đạo luật Năng lượng nguyên tử năm 1946. Cùng năm đó, hai bên cũng đã ký Thỏa thuận phòng thủ lẫn nhau giữa Mỹ và Anh, cho phép hợp tác nghiên cứu hạt nhân cũng như chuyển giao vật liệu và trang thiết bị.

Sau một lệnh cấm ngắn về các vụ thử hạt nhân, Anh bắt đầu tiến hành các cuộc thử nghiệm chung cùng với Mỹ tại vùng sa mạc bang Nevada, Mỹ.

Vũ khí nguyên tử của Anh sau đó được mô phỏng theo các thiết kế của Mỹ được cung cấp theo thỏa thuận năm 1958. Anh cũng tiếp tục mua vũ khí từ Mỹ, bao gồm cả tên lửa Polaris của Mỹ.

Trong khi ngày nay, Mỹ và Nga mỗi quốc gia vận hành khoảng 7.000 vũ khí nguyên tử, Anh vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân lớn thứ năm trên thế giới với 215 đầu đạn hạt nhân chiến lược, theo Atomic Heritage thông tin.

Đón đọc Kỳ 2: Giải mật địa điểm nguy hiểm nhất châu Âu thời Chiến tranh Lạnh: "Bình minh chết" của hạt nhân

Bài viết sử dụng nguồn: Atomic Heritage

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại