Trong những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, trong bối cảnh cuộc chiến không đổ máu giữa Mỹ và Liên Xô (Chiến tranh Lạnh) đang diễn ra căng thẳng, cả hai siêu cường đều đã trang bị cho mình thế hệ vũ khí nguyên tử hủy diệt.
Nếu như người Mỹ mở ra "bình minh kỷ nguyên nguyên tử" bằng việc thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên mang mật danh "Trinity" vào ngày 16/7/1945, thì 16 năm sau, Liên Xô chế tạo thành công quả bom nguyên tử mạnh nhất trong lịch sử nhân loại - Bom Sa Hoàng (Tsar Bomba) vào ngày 30/10/1961.
Khi công thức chế tạo vũ khí hủy diệt đều đã được hai bên nắm rõ và quá trình sản xuất ra loại bom có sức công phá khủng khiếp chỉ còn là vấn đề thời gian thì việc xây dựng các căn cứ chứa bom nguyên tử để đối phó với địch thủ là nhu cầu hiển nhiên. Đó là lý do giải thích vì sao, trong hơn 4 thập kỷ diễn ra Chiến tranh Lạnh (1946 đến 1989), có rất nhiều thành phố, căn cứ bí mật, không có trên bản đồ của Mỹ và Liên Xô "mọc lên".
Trại Thế kỷ (Camp Century) của Mỹ là một trong những khu vực nằm trong hồ sơ những địa điểm bí mật thời Chiến tranh Lạnh.
Tại sao Trại Thế kỷ được xem là một trong những căn cứ nguy hiểm bậc nhất thế giới trong thế kỷ 20? Đối với người Mỹ, Trại Thế kỷ đóng vai trò gì trong cuộc đua mang tên Chiến tranh Lạnh với Liên Xô? Ẩn họa to lớn nào đang đe dọa con người trong tương lai?
Kỳ 15 trong series Những Khu Vực Nguy Hiểm Nhất Hành Tinh sẽ lật mở từng vấn đề này.
Năm 1958 là thời điểm đánh dấu 2 mốc quan trọng trong lịch sử quân sự Mỹ: Là 13 năm sau khi người Mỹ phát triển thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại (quả "Trinity"); Là tròn 12 năm Mỹ cùng Liên Xô bước vào cuộc đối đầu mang tên Chiến tranh Lạnh.
Khi cả hai siêu cường đều nắm trong tay những "át chủ bài" mang tên nguyên tử thì nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân thời đó đều được giới lãnh đạo hai bên đưa ra mức cảnh báo cao nhất.
Đối với Mỹ, để chuẩn bị thật tốt cho cuộc chiến có tính hủy diệt khủng khiếp này, tất yếu cần xây dựng kế hoạch triển khai vũ khí "sát nách" Liên Xô. Bởi thế, Project Iceworm (Dự án Iceworm) ra đời.
Project Iceworm là mật danh của chương trình thí nghiệm bố trí vũ khí của quân đội Mỹ triển khai năm 1958 nhằm đối phó với một Liên Xô có sức mạnh hạt nhân không hề kém cạnh.
Trong trường hợp chiến tranh hạt nhân xảy ra, để vũ khí chứa đầu đạn hạt nhân của Mỹ tiếp cận Liên Xô hiệu quả nhất, Mỹ đã chọn đảo quốc vùng Bắc Cực Greenland để gửi gắm hệ thống vũ khí tối tân, tốn kém của mình.
Với tham vọng xây dựng một mạng lưới chứa vũ khí hạt nhân có thể lưu động trong lòng núi băng của Greenland, năm 1958, Mỹ khởi động dự án Iceworm bằng việc thiết lập Trại Thế kỷ (Camp Century) ở độ cao 2.000m so với mực nước biển tại một khu vực rộng lớn vùng tây bắc Greenland.
Về bản chất, Trại Thế kỷ là một căn cứ quân sự ngầm của Mỹ, tuy nhiên, Mỹ nhanh chóng "lòe" được chính phủ Đan Mạch và nói rằng Trại chỉ là một trung tâm nghiên cứu nơi các nhà khoa học trực tiếp sinh sống và tìm hiểu cách thức cơ thể con người thích nghi như thế nào dưới môi trường băng đá lạnh giá.
Việc che giấu mục đích thực sự của Mỹ trước chính phủ Đan Mạch đã thành công, bằng chứng là, vào năm 1959, người Mỹ đã xây dựng được một thành phố ngầm sâu gần 10m dưới lớp băng lạnh giá vùng Bắc Cực.
Sơ đồ bên trong Trại Thế kỷ. Nguồn: Disclose.TV
Không lạnh lẽo như địa điểm mà nó tọa lạc, bên trong Trại Thế kỷ là một hệ thống đường hầm nằm ngang, tổng chiều dài lên đến 3.000m, có chứa các khu vực tấp nập với các cửa hàng, phòng thí nghiệm, bệnh viện, rạp chiếu phim, phòng gym... đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho 200 quân lính tại đây.
Đáng ngạc nhiên là tất cả đều được hệ thống nhà máy điện hạt nhân di động đầu tiên trên thế giới của Mỹ (tại đây) cung cấp năng lượng.
Lẽ dĩ nhiên, người Mỹ không đơn thuần rút ví chi 8 triệu USD (con số khổng lồ thời đó) chỉ để cho quân đội "giải trí" dưới thành phố ngầm vùng băng tuyết lạnh giá. Mục đích chính và quan trọng hơn hết của Mỹ chính là...
Năm 1995, sau 37 năm chìm trong bí mật, dư luận mới biết đến sự tồn tại của Trại Thế kỷ. Báo chí hồi đó gọi thành phố bên dưới Camp Century là "Thành phố dưới băng", nhưng đối với người Mỹ, Camp Century mang một ý nghĩa khác, một tham vọng khác.
Đứng trước một sức mạnh hạt nhân khủng khiếp mà Liên Xô sở hữu, (cụ thể, trong hơn 4 thập kỷ của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã cho thử gần 500 vụ nổ hạt nhân chỉ riêng tại một trong những bãi thử trọng yếu của mình), Mỹ buộc phải tạo thế chủ động nếu như cuộc chiến tranh hủy diệt quy mô toàn cầu xảy ra.
Theo đó, Camp Century chính là căn cứ vô cùng quan trọng, mang trong mình sứ mệnh của một "bàn đạp tử thần" trong cuộc Chiến tranh Lạnh của Mỹ với người Liên Xô.
Vì sao? Vì trong một khu vực ngầm rộng lớn như vậy, Camp Century chính là căn cứ địa tuyệt mật cất giấu 600 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, sẵn sàng bắn tới bất cứ địa điểm nào của Liên Xô NẾU chiến tranh hạt nhân xảy ra!
Camp Century chính là căn cứ địa cất giấu 600 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Ảnh: W Robert Moore/National Geographic
Vì mang trong mình trọng trách này, Camp Century dĩ nhiên phải được giấu kín trước con mắt dòm ngó của tình báo Liên Xô cũng như dưới sự nghi ngờ của nhiều nhà điều tra người Đan Mạch và dư luận thế giới.
Sự tính toán của người Mỹ về một căn cứ ngầm chứa vũ khí hạt nhân quả không thừa! Bởi, vào năm 1962, Cuba và Liên Xô đã bí mật bắt tay xây dựng các căn cứ ngay trên đất Cuba để Liên Xô dễ dàng triển khai tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung, có thể nhắm tới một số mục tiêu của Mỹ.
Mỹ nhanh chóng tỏ rõ là những người khôn ngoan khi chỉ 1 tháng sau tin đồn liên quan đến Liên Xô và Cuba, máy bay trinh thám Lockheed U-2 của Không quân Mỹ đã chụp được những bằng chứng tố cáo Liên Xô đang xây dựng căn cứ tên lửa bí mật tại Cuba.
Việc Mỹ phát giác hành động của Liên Xô được xem là một trong những thời điểm mà Chiến tranh Lạnh tiến gần nhất đến một cuộc xung đột hạt nhân trong lịch sử.
Tất nhiên, một cuộc chiến tranh hủy diệt xảy ra là điều không bên nào mong muốn. Khi đó, các cuộc đàm phán có cơ hội phát huy tác dụng của nó. Hai tuần sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Mỹ và Liên Xô đã tạm lắng khi Tổng thốngMỹ John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cùng đạt được thỏa thuận.
Ngoài mặt ngoại giao là thế, nhưng bên trong Mỹ, Camp Century vẫn còn đó! "Bệ chống lưng" của người Mỹ trước một Liên Xô đầy nguy hiểm vẫn còn đó!
Đường hầm bên trong "thành phố dưới băng" của Camp Century.
Công trình triệu đô của Mỹ phá sản và ẩn họa tương lai
Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", Camp Century đoản mệnh, sớm bị chôn vùi vào thế giới băng lạnh mãi mãi chỉ trong gần 10 năm sau khi hoàn thành. Lần này, điều kiện ngoại cảnh đã làm sụp đổ toàn bộ dự án tiêu tốn 8 triệu USD của Mỹ.
Năm 1967, giới kỹ sư Mỹ nhanh chóng phát hiện ra điểm bất lợi: Vùng băng xây dựng căn cứ ngầm của Camp Century thay vì là một khối rắn vững chắc đang dần dần chuyển động. Sự chuyển động này về sau có thể khiến thành phố ngầm bị đứt gãy, sụp đổ.
Việc xử lý lớp băng tuyết dày (bỏ đi khoảng 120 tấn tuyết mỗi tháng) phía trên thành phố ngầm của Camp Century (nhằm tránh cho thành phố bị sức nặng của băng tuyết làm sập) đã khiến cho kết cấu của băng tại khu vực này giảm dần độ cứng chắc.
Cuối cùng, vào năm 1967, căn cứ buộc phải hủy bỏ. Quân đội Mỹ buộc phải di chuyển 600 tên lửa hạt nhân ra khỏi Camp Century. Năm 1969, Mỹ cử quân quay lại để thám thính tình hình, những trước mắt họ chỉ còn là đống đổ nát. Phần lớn các công trình bên trong đều bị phá hủy, nghiền nát bởi băng tuyết.
Điều tệ hại hơn đã xảy ra, vào năm 2016, nghiên cứu của các nhà khoa học tiết lộ, do biến đổi khí hậu, lớp băng bao phủ căn cứ ngầm này sẽ dần tan chảy vào cuối thế kỷ 21. Khi điều này xảy ra, khoảng 200.000 lít nhiên liệu diesel và lượng nước thải tương tự cùng với một lượng chất ô nhiễm độc hại và chất làm mát phóng xạ sẽ phóng thích ra môi trường.
Họ kết luận, khoảng vào năm 2090, phơi nhiễm phóng xạ là kịch bản không thể tránh khỏi, tất nhiên, điều nguy hiểm này còn phụ thuộc nhiều vào cường độ tăng tốc của biến đổi khí hậu.
Từ sau khi hình thành (1959) đến thời gian dự đoán của các nhà khoa học (2090), có thể Camp Century không trực tiếp gây ra bất cứ cuộc xung đột hạt nhân chết chóc nào thời Chiến tranh Lạnh, nhưng hệ quả từ việc xử lý chất thải cẩu thả của Mỹ có thể khiến môi trường và con người gặp nguy hiểm về sau.
Đọc các bài viết hồ sơ về Mỹ và Liên Xô khác:
- Góc khuất thời Chiến tranh Lạnh: CIA "nhúng tay", bí mật đen tối của Liên Xô bị phơi bày
- Phút hấp hối của phi hành gia Liên Xô: Da, mắt đều bị lửa hủy hoại, anh vẫn nói "Xin lỗi"!
- Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi "bá vương hạt nhân" với Mỹ
Bài viết sử dụng các nguồn: Listverse, Disclose, Interestingengineering